Tìm kiếm tin tức
Giới thiệu về phường Hương Xuân
Ngày cập nhật 02/07/2020

Hương Xuân là một trong 15 phường, xã của thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Phường nằm cách trung tâm thành phố Huế 11km về phía Tây Bắc. Địa giới của phường được phân định ở phía Bắc giáp xã Quảng Phú và xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền); phía Nam giáp xã Hương Bình; phía Đông giáp xã Hương Toàn và phường Hương Chữ; phía Tây giáp phường Hương Văn (đều thuộc thị xã Hương Trà).

 

So với nhiều làng quê khác trên vùng đất Thừa Thiên Huế, Hương Xuân có lịch sử tụ cư lập làng hàng thế kỉ, trong đó sớm nhất là làng Liễu Cốc và Thanh Lương. Ở thời điểm năm 1555, khi soạn sách Ô châu cận lục, Dương Văn An đã đề cập đến những làng cổ có tên Liễu Cốc và Thanh Kệ (trước có tên Trà Kệ, nay là Thanh Lương). Có thể đây cũng là huyện đường Trà Kệ (nay là huyện Quảng Điền) thời Trần. Cả hai làng (Trà Kệ và Liễu Cốc) đều được hình thành trên cơ sở kế thừa và phát triển làng cũ của người Chăm trước đó, trong đó dấu tích Champa còn lại ở tháp đôi Liễu Cốc (nay thuộc tổ dân phố Xuân Tháp). Lúc này, Liễu Cốc thuộc huyện Kim Trà, Thanh Lương thuộc huyện Đan Điền.

Quá trình thay đổi địa danh và địa giới ở Hương Xuân diễn ra ở hầu hết các triều đại. Cuối thời chúa Nguyễn (1774), huyện Hương Trà có 9 tổng, 82 làng, 7 thôn, 1 giáp, 18 phường và 1 châu, trong đó Liễu Cốc Thượng và Liễu Cốc Nam thuộc tổng An Vân. Thanh Kệ thuộc tổng Hạ Lang, huyện Quảng Điền. Khoảng thời Minh Mạng, dòng họ Phan với 25 gia đình tách ra khỏi Văn Xá để lập làng riêng, lấy tên là Tiên Lộc gồm một phần đất của giáp Nhì và giáp Ba (nay nhập vào Hương Xuân). Thời Đồng Khánh (1886), Liễu Cốc Thượng thuộc tổng Phú Ốc; các làng Thanh Lương, Tiên Lộc và Xuân Đài thuộc tổng Hương Cần, huyện Hương Trà. Năm 1892, ấp Thanh Khê hình thành trên cơ sở do ông Đặng Huy Cát tập hợp người khai phá vùng chân núi Thất Giới.

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, dưới thể chế Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Hương Xuân lúc này có tên là Hương Kinh, gồm 5 thôn: Thanh Lương, Xuân Đài, Liễu Thượng, Liễu Nam và Thanh Khê. Tháng 7-1947, xã Hương Kinh sáp nhập với xã Hương Xá thành xã Hương Thạnh. Trong khi đó, phía chính quyền thực dân Pháp vẫn giữ nguyên. Năm 1950, tổng Phú Ốc có 11 làng, trong đó có Liễu Cốc Thượng và Thanh Khê. Tổng Hương Cần có các làng Thanh Lương, Tiên Lộc và Xuân Đài. Từ năm 1954, dưới chính quyền Việt Nam cộng hòa, các thôn Tiên Lộc, Liễu Nam, Liễu Cốc Thượng, Thanh Lương và Xuân Đài thuộc xã Hương Việt, quận Hương Trà. Đến ngày 9-8-1960, Bộ Nội vụ Việt Nam cộng hòa ra Nghị định số 1011/BNV-BNV-NC8-NĐ chia xã Hương Việt làm hai xã: Hương Phú và Hương Xuân. Hương Xuân gồm các thôn Tiên Lộc, Liễu Nam, Liễu Cốc Thượng, Thanh Lương và Xuân Đài.

Sau ngày thống nhất đất nước 1975, Hương Thạnh đổi tên thành Hương Xuân thuộc huyện Hương Trà. Ngày 15-11-2011, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 99/NQ-CP về thành lập thị xã Hương Trà và các phường thuộc thị xã Hương Trà. Theo nghị quyết này, “thành lập phường Hương Xuân thuộc thị xã Hương Trà trên cơ sở toàn bộ 1.493 ha diện tích tự nhiên và 8.784 nhân khẩu của xã Hương Xuân”. Hiện nay Hương Xuân có các tổ dân phố sau: Thượng Khê (sáp nhập Thanh Khê và Thượng Thôn), Trung Thôn, Liễu Nam, Thanh Tiên (sáp nhập Thanh Lương 1 và Tiên Lộc), Thanh Lương 2, Thanh Lương 3, Thanh Lương 4, Xuân Tháp (sáp nhập Xuân Đài và Xóm Tháp).

Về diện tích, Hương Xuân rộng 1501,72 ha (Kết quả kiểm kê đất đai năm 2019), trong đó có 1.030,17ha đất nông nghiệp (gồm 615,10 ha đất sản xuất nông nghiệp, 410,93 ha đất lâm nghiệp, 4,14 ha đất nuôi trồng thủy sản); 415,65 ha đất phi nông nghiệp (gồm 61,82 ha đất ở đô thị, 209,33 ha đất chuyên dùng, 13,87 ha đất tôn giáo và tín ngưỡng, 96,33ha đất nghĩa trang và nghĩa địa, 51,45 ha đất sông suối và 18,83 ha đất có mặt nước chuyên dùng); 19,90 ha đất chưa sử dụng (gồm 17,51 ha đất bằng chưa sử dụng, 2,39 đất đồi núi chưa sử dụng).

Về dân số, đến năm 2019 Hương Xuân có 2.126 hộ với 9.297 khẩu, trong đó có 6.235 người trong độ tuổi lao động (gồm 1247 người sản xuất nông nghiệp (chiếm 20%), 4.988 người lao động phi nông nghiệp (chiếm 80%). Qua thời gian, dù sớm muộn khác nhau, nhưng các dòng họ của các làng thuộc phường Hương Xuân đã cùng “chung lưng đấu cật”, góp phần tạo dựng nên mảnh đất Hương Xuân ngày càng trở nên giàu đẹp.

Về địa thế, Hương Xuân hẹp bề ngang theo hướng Bắc - Nam nhưng trải dài theo hướng Đông - Tây. Nhìn trên bản đồ, về phía Đông dòng sông Bồ uốn khúc tạo cho Hương Xuân như mãnh hổ đang lựa thế vươn lên. Có lẽ vì thế, trải qua bao đời, những người dân Hương Xuân luôn mang trong mình khát vọng và hoài bão lớn trước thời cuộc.

Về địa hình, Hương Xuân có cả đồng bằng và vùng đồi, trong đó vùng đồng bằng chạy dài từ phía Bắc của phường tới hết làng Thanh Khê (tổ dân phố Thượng Khê), diện tích 1.025ha (chiếm 68,65% diện tích tự nhiên) có độ cao trung bình so với mặt biển là 2,5m. Đây là vùng sản xuất chính và dân cư tập trung. Vùng đồi tập trung ở phía Nam sông Bồ với tổng diện tích 468ha, chiếm 31,35% diện tích tự nhiên của phường, địa hình đồi bát úp, có độ cao trung bình so với mặt biển khoảng 100m (cao nhất là 285m).

Về khí hậu, nằm trong tiểu vùng Bắc Hải Vân, vùng đất Thừa Thiên Huế nói chung và Hương Xuân nói riêng, là nơi thường xuyên xảy ra nhiều thiên tai, bão lụt. Vào mùa nắng, gió mùa Tây Nam nóng rát, làm khô cháy ruộng đồng. Từ tháng 7 âm lịch trở đi, đặc biệt cao điểm vào cuối tháng 10: “Ông tha mà bà chẳng tha/ Trời cho cái lụt hai ba tháng Mười”, vùng này phải hứng chịu “thiên tai kép” do nhiều cơn bão lớn từ biển, đi kèm là lũ từ thượng nguồn sông Bồ đổ về.

Hương Xuân có hệ thống giao thông đa dạng, thuận lợi để tỏa đi các địa phương trong và ngoài thị xã cũng như rộng ra cả nước. Về đường bộ, có Quốc lộ 1A và đường tránh Huế phía Tây thuận tiện cho việc đi lại, buôn bán của nhân dân đến các địa phương trong cả nước; Tỉnh lộ 8A và Tỉnh lộ 16, chưa kể các tuyến đường liên tổ, liên phường đã được bê tông hoặc nhựa hóa nối liền các tổ dân phố trong phường cũng như với các phường - xã bạn.

Về thủ công nghiệp, cũng như nhiều làng quê khác, tranh thủ những lúc nông nhàn, người dân Hương Xuân còn làm thêm nhiều ngành nghề thủ công phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống hàng ngày. Trước hết là bà con tận dụng những lũy tre quanh nhà để tạo vật liệu cho nghề đan lát từ các vật dụng sử dụng trong sản xuất như thúng mủng, rổ rá, quang gánh, sọt, bồ đựng lúa…, đến những dụng cụ đánh bắt cá tôm như nơm, dũi, đăng, đó… và những vật dụng trong gia đình như giường chõng, bàn ghế, nhà cửa,… Để tạo nông cụ, nghề rèn Thanh Lương một thời nổi tiếng, sản xuất ra các loại cuốc, xẻng, cày bừa, liềm hái, dao rựa…

Truyền thống văn hóa, Hương Xuân là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, người dân hiền hòa, chất phác, yêu lao động, trọng lễ nghĩa và đoàn kết giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Ngay từ khi lập làng, những cư dân đầu tiên đã ra sức giữ gìn và phát huy những vốn văn hóa mang theo từ quê cũ, kết hợp với kế thừa những tinh hoa văn hóa bản địa để sớm tạo lập cho mình lối sống đẹp, nề nếp gia phong trên vùng đất mới. Tiêu biểu như làng Liễu Cốc được ca ngợi có “nền nếp nho phong”, “phong hóa thanh cao”. Sự “hoài niệm” về quê hương bản quán còn thể hiện ở sự “sao chép” nguyên mẫu làng cũ miền Bắc trong việc tạo lập cấu trúc làng xã. Rõ nhất là đi kèm với khai phá đất đai, lập làng lập xóm, trong buổi đầu dù còn gian khó nhưng những cơ sở vật chất phục vụ sản xuất và quản lý xã hội cũng đã được chú ý. Có làng là phải có đình làng, chùa làng, trong đó Thanh Lương là một trong số ít làng ở xứ Thuận Hóa vào thời điểm đó có công trình mang tính biểu tượng của làng: “Thanh Kệ bên sông đình một mái”.

Hương Xuân cổ còn có chợ Thanh Kệ một thời khá nổi tiếng. Chợ Kệ được Lê Quang Định mô tả: “950 tầm, bên trái từ đây đi xuống đều có cư dân và đất khô, bên phải có chợ Thanh Lương, tên cũ là chợ Thanh Kệ, chợ đông vào buổi trưa”. Chợ Kệ không chỉ là nơi trao đổi mua bán giữa dân làng Thanh Kệ với các làng kề cận mà còn là nơi cung cấp nhu yếu phẩm sinh hoạt cho các tầng lớp quan lại, binh lính ở phủ Phước Yên nằm cách đó 900 tầm.

Về đời sống tinh thần, nhân dân Hương Xuân vốn có đức tính cần cù và nhẫn nại, một nắng hai sương, chịu thương chịu khó. Trong sinh hoạt, bà con luôn luôn giản dị khiêm tốn, tiết kiệm, giàu lòng nhân ái, sẵn sàng đùm bọc, cưu mang giúp đỡ lẫn nhau khi gặp thiên tai, hoạn nạn, sẵn sàng hi sinh vì nghĩa lớn, có tinh thần chan hoà bình đẳng trong đời sống cộng đồng. Con dân của làng dù sinh sống nơi đâu cũng luôn luôn hướng về cội nguồn, tha thiết thuỷ chung và có ý thức xây dựng quê hương. Nổi bật nhất ở Hương Xuân là lễ Thu tế làng Thanh Lương vào hai ngày 11 và 12-7 âm lịch hằng năm để tế các vị thần khai canh lập làng tại đình làng. Ngày chính hội là ngày 12-7 âm lịch.

Thanh Lương là một trong ba làng khoa bảng nổi tiếng nhất của không chỉ Hương Trà mà của cả tỉnh Thừa Thiên Huế (Thanh Lương, La Chử và Minh Hương). Qua nhiều thời kì, với 19 cử nhân, Thanh Lương là làng có số cử nhân cao nhất Thừa Thiên Huế, trong đó nổi tiếng nhất là dòng họ Đặng, được lưu truyền trong câu ca “Nhất Thân, nhì Đặng, tam Hà/ Thứ tư mới đến dòng nhà Nguyễn Khoa”. Truyền thống khoa bảng của Hương Xuân được thể hiện ở chỗ làng sớm xây dựng nhà Thánh, là một biểu tượng tôn vinh truyền thông hiếu học, tôn sư trọng đạo của nhân dân. Qua nhiều thời kì, Hương Xuân là nơi sản sinh ra nhiều người con ưu tú có những đóng góp lớn đối với quê hương và đất nước, tiêu biểu như Đặng Văn Hòa, Đặng Huy Trứ, Đặng Huy Cát, Đặng Hữu Phổ…

Trên địa bàn phường hiện có 2 di tích lịch sử cấp quốc gia: Nhà thờ danh nhân Đặng Huy Trứ và phế tích tháp đôi Liễu Cốc.

Về phát triển kinh tế - xã hội: năm 2019, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất các ngành kinh tế bình quân trong năm đạt 15,76% tăng 0,24% so cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân đầu người/năm 56 triệu đồng; an sinh xã hội bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; cơ bản đã thực hiện đạt và vượt 19/19 chỉ tiêu đề ra.

Đảng bộ Hương Xuân hiện có 231 đảng viên, sinh hoạt tại 15 chi bộ, bao gồm: 8 chi bộ Tổ dân phố, 4 chi bộ trường học, chi bộ Quân sự, chi bộ Công an và chi bộ Trạm Y tế.  

       - Ban Chấp hành Đảng bộ: 14 đồng chí. 

          1. Đ/c Nguyễn Tiến Giang                 8. Đ/c Nguyễn Thị Thịnh

          2. Đ/c Nguyễn Sào                             9. Đ/c Nguyễn Phú Bình

          3. Đ/c Trần Lưu Đức                          10. Đ/c Nguyễn Văn Anh

          4. Đ/c Trần Viết Xuân                        11. Đ/c Nguyễn Thị Diệu Hương

          5. Đ/c Lê Thị Bảy Lan                        12. Đ/c Nguyễn Thị Thu Phương

          6. Đ/c Dương Thị Nhã Phương           13. Đ/c Nguyễn Minh Phụng

          7. Đ/c Trương Thị Thu Hà             14. Nguyễn Văn Tám

          - Ban Thường vụ Đảng ủy: 05 đồng chí

          1. Đ/c Nguyễn Tiến Giang

          2. Đ/c Nguyễn Sào

          3. Đ/c Trần Lưu Đức

          4. Đ/c Trần Viết Xuân

          5. Đ/c Lê Thị Bảy Lan

          - Bí thư: Đ/c  Nguyễn Tiến Giang

- Phó Bí thư Đảng uỷ:

                    + Đ/c  Nguyễn Sào

                    + Đ/c  Trần Lưu Đức

Một số hình ảnh về Hương Xuân

 

 

Viết Xuân
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 10.091.199
Truy câp hiện tại 4.492