Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2019
Ngày cập nhật 18/11/2019
Ảnh minh họa

Trong hai tháng cuối của năm 2019, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành tuyệt đối không được chủ quan, tiếp tục nỗ lực hơn nữa, quyết tâm tháo gỡ, xử lý kịp thời những vướng mắc, hoàn thành thắng lợi toàn diện tất cả các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch 2019, tạo dư địa chính sách cho năm 2020.

Đây là nội dung tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2019 vừa được Chính phủ ban hành.
 
Nghị quyết nêu rõ, các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các Nghị quyết số 01/NQ-CP, 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 và Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 1/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ; trong đó tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế; cải cách hành chính, tiếp tục cắt, giảm thực chất điều kiện kinh doanh không cần thiết.
 
Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô trong nước và thị trường tiền tệ quốc tế, đánh giá, dự báo tác động để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, bảo đảm ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.
 
Bên cạnh đó, quyết liệt triển khai các giải pháp cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, nhất là những ngân hàng thương mại yếu kém, giữ vững sự ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng. Giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội về phương án tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước.
 
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đầu mối phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan, địa phương đôn đốc triển khai Nghị quyết số 94/NQ-CP ngày 29/10/2019 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019. Khẩn trương trình Chính phủ Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị và Chiến lược thu hút FDI theo tinh thần Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị.
 
Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2020, báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 11 năm 2019.  
 
Bộ Tài chính tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước. Tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu lại thị trường chứng khoán, theo dõi, đánh giá các dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư gián tiếp qua thị trường chứng khoán; đồng thời tăng cường kiểm soát chặt chẽ rủi ro chuyển vốn, rút vốn ra nước ngoài.
 
Cùng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tập trung xử lý vướng mắc liên quan đến việc xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản trên đất trong phương án cổ phần hóa, quản lý chặt tài sản nhà nước, tránh thất thoát, lãng phí.
 
Phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, có phương án tái đàn hợp lý
 
Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, hướng dẫn, khuyến cáo có phương án tái đàn hợp lý, tiêu thụ thuận lợi, bảo đảm nguồn cung thịt cho các dịp lễ, Tết cuối năm. Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan tập trung tháo gỡ thẻ vàng của EC cho thủy sản.
 
Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi sát, cập nhật, đánh giá đầy đủ các tác động của căng thẳng thương mại, đưa ra các giải pháp, kịch bản, đối sách phù hợp và kịp thời. Đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết; đồng thời tập trung phát triển thị trường trong nước, triển khai các chương trình thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, nhất là dịp cuối năm.
 
Bộ Giao thông vận tải tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm. Phối hợp với Bộ Công an thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
 
Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ động đổi mới cách làm, phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan xử lý kịp thời những vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất cho các tập đoàn, tổng công ty hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
 
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung các Nghị định số: 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 về chuyển  doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư vốn thành công ty cổ phần và 100% vốn điều lệ; 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 về quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công. 
 
Thẩm định chặt chẽ, công khai, khách quan, bảo đảm chất lượng sách giáo khoa mới
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, thẩm định chặt chẽ, công khai, khách quan, bảo đảm chất lượng sách giáo khoa mới; báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện Điểm c Khoản 1 Điều 32 Luật Giáo dục năm 2019 từ ngày 1/1/2020 để hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định lựa chọn sách giáo khoa kịp triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1 từ năm học 2020-2021 theo đúng lộ trình quy định của Quốc hội.
 
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, có giải pháp bảo đảm cho trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi xâm hại trẻ em.
 
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch văn hóa, giới thiệu các lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc, thu hút khách du lịch; tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh chất lượng dịch vụ du lịch, bảo đảm an toàn, an ninh du lịch ở các điểm lễ hội, điểm thu hút nhiều khách du lịch. Tăng cường kiểm tra công tác đầu tư xây dựng và khai thác các điểm di tích, di sản, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm vi phạm.
 
Xử lý nghiêm các hành vi tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép
 
Chính phủ yêu cầu Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành, địa phương liên quan phối hợp chặt chẽ trong xử lý vụ việc 39 người tử vong tại Anh; kêu gọi các nước cùng chung tay đấu tranh, ngăn chặn, lên án mạnh mẽ hoạt động di cư bất hợp pháp; thông tin, tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, không để các đối tượng lừa đảo dụ dỗ người dân xuất cảnh trái phép. 
 
Bộ Công an chỉ đạo lực lượng đấu tranh, ngăn chặn kịp thời mọi hoạt động chống phá, bảo đảm ổn định an ninh chính trị, chú trọng địa bàn chiến lược, trọng điểm. Có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép, lừa đảo kinh doanh đa cấp, lừa đảo trong chuyển nhượng đất đai, sử dụng công nghệ để lừa đảo, giả danh cơ quan thực thi pháp luật và vi phạm pháp luật do người nước ngoài gây ra tại Việt Nam...
 
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của các cấp, các ngành. Chỉ đạo tăng cường thông tin, tuyên truyền về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo niềm tin và không khí phấn khởi trong nhân dân; kịp thời phản bác thông tin xấu, độc, sai sự thật, tạo đồng thuận xã hội.
 
Đánh giá nguyên nhân giảm bậc chỉ số môi trường kinh doanh
 
Về tình hình thực hiện nhiệm vụ và kết quả kiểm tra của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tháng 10 năm 2019, trong đó, về chỉ số môi trường kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành, các bộ, ngành đánh giá nguyên nhân giảm bậc hoặc xếp hạng thấp và chịu trách nhiệm cải thiện từng chỉ số thành phần. Tổ công tác tăng cường hoạt động kiểm tra, đôn đốc nhiệm vụ này.
 
Bộ Tài chính cải cách mạnh mẽ thủ tục hải quan theo hướng điện tử hóa, hướng tới hải quan điện tử, phù hợp chuẩn mực quốc tế; chủ trì xây dựng Đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan Hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu (trừ các mặt hàng liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch...), bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm, trình Chính phủ trong Quý 1 năm 2020.
 
Trong tháng 11 năm 2019, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ rà soát, đề xuất xử lý các vướng mắc do quy định của các luật, pháp lệnh báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội; rà soát, đề xuất xử lý các vướng mắc do quy định của các Nghị định, Thông tư theo trình tự, thủ tục rút gọn.
 
Đối với các mặt hàng còn chịu nhiều thủ tục kiểm tra chuyên ngành của nhiều cơ quan, trong đó, với sữa chế biến và sản phẩm chế biến từ sữa, Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì thực hiện kiểm tra chuyên ngành đối với sữa chế biến và sản phẩm chế biến từ sữa theo hướng chỉ định các cơ quan thú y vùng, cơ quan kiểm dịch động vật vùng có đủ điều kiện, năng lực thực hiện việc kiểm tra an toàn thực phẩm đối với mặt hàng này. Cơ quan được chỉ định thực hiện đồng thời việc kiểm tra an toàn thực phẩm và kiểm dịch theo quy định.
 
Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện kiểm tra chuyên ngành khi nhập khẩu đối với bột, tinh bột. Bộ Công Thương rà soát, cắt giảm các mặt hàng này trong danh mục các mặt hàng phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
 
Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, loại bỏ các sản phẩm, hàng hóa là chất hỗ trợ chế biến Casein ra khỏi danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Bộ; chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế rà soát, tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với các mặt hàng dược liệu phải kiểm dịch.
 
Chính phủ thống nhất đánh giá: Tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2019 tiếp tục chuyển biến tích cực; các tổ chức quốc tế đánh giá, nhận định lạc quan về phát triển kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thế giới được dự báo tăng trưởng thấp. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, CPI bình quân 10 tháng tăng 2,48%, thấp nhất trong 3 năm gần đây. Thị trường tiền tệ, mặt bằng lãi suất, tỷ giá, thị trường ngoại tệ ổn định, thanh khoản được đảm bảo; cơ cấu tín dụng chuyển biến tích cực, tín dụng cho một số ngành động lực tăng trưởng kinh tế tăng khá.
Theo baochinhphu.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 12.304.231
Truy câp hiện tại 492