Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ

Tăng cường chỉ đạo phòng trừ bệnh khảm lá sắn
Ngày cập nhật 19/02/2020

Để chủ động ngăn chặn nguồn bệnh khảm lá sắn, UBND thị xã Hương Trà đã có Công văn số 324  /UBND-NN yêu cầu Chủ tịch UBND các phường, xã, Giám đốc các HTXNN và thủ trưởng các cơ quan chuyên môn trên địa bàn khẩn trương thực hiện một số giải pháp để phòng trừ bệnh hiệu quả.

Kế hoạch trồng sắn năm 2020 của toàn thị xã khoảng 700ha, đến nay đã trồng được khoảng 560ha. Bệnh khảm lá sắn đã xuất hiện và gây hại trên diện rộng với diện tích khoảng 248ha (HTX Tây Xuân 90ha, Văn Xá Đông 05ha, Văn Xá Tây  90ha, Phú Ốc 8ha, Lai Thành 05ha, Hương Vân 10ha và Phú An 40ha), trong đó tỷ lệ bệnh phổ biến 10- 20%, nơi cao trên 50%. Ngày 21 tháng 01 năm 2020, UBND thị xã đã có công văn số 20/UBND-NN về việc chỉ đạo phòng trừ bệnh khảm lá sắn đầu vụ Đông Xuân 2019- 2020. Trong đó yêu cầu nếu tỷ lệ bệnh thấp, nhổ tiêu hủy và trồng dặm lại; nếu tỷ lệ bệnh cao nhổ tiêu hủy, chuyển sang trồng mè. Đối với sắn trồng xen lạc, nhổ sắn tiêu hủy, chăm sóc lạc. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế các địa phương chưa chỉ đạo quyết liệt, nông dân chưa nhổ bỏ tiêu hủy cây sắn nhiễm bệnh, một số nông dân đã biết tác hại của bệnh khảm lá sắn nhưng tiếc không nhổ bỏ, một số nông dân chưa biết về bệnh khảm lá sắn và tác hại của bệnh nên chưa quan tâm đến việc phòng trừ, tiêu hủy cây bệnh. Do vậy, nguy cơ bệnh khảm lá sắn phát triển gia tăng về diện tích, mức độ gây hại trong thời gian tới là rất lớn, nếu không quan tâm, tích cực chỉ đạo quyết liệt để ngăn chặn nguồn bệnh.

Ủy ban nhân dân thị xã yêu cầu các cơ quan chuyên môn, đơn vị, địa phương khẩn trương chỉ đạo thực hiện một số giải pháp sau:

1. Uỷ ban nhân dân các phường, xã:

- Đối với các địa phương đang bị nhiễm bệnh khảm lá sắn như Hương Xuân, Hương Văn, Hương Vân, Tứ Hạ,… khẩn trương thu dọn cây sắn thu hoạch năm 2019 còn để ven ruộng, ven đường ra khỏi ruộng và tiêu hủy triệt để bằng cách đốt. Chỉ đạo nông dân nhổ bỏ cây sắn nhiễm bệnh để tiêu hủy bằng cách chất đống để đốt (trong điều kiện an toàn cháy nổ) hoặc chôn lấp tiêu hủy nguồn bệnh. Đối với diện tích sắn có ≥ 50% số cây bị nhiễm bệnh thì nhổ bỏ tiêu hủy toàn bộ diện tích sắn; đối với diện tích có < 50% số cây bị nhiễm bệnh thì nhổ bỏ tiêu hủy các cây bệnh và tiến hành trồng dặm bằng hom giống sạch bệnh, rõ nguồn gốc trong khung lịch thời vụ để đảm bảo mật độ. Đối với diện tích sắn trồng xen lạc, nếu sắn bị bệnh nên nhổ tiêu hủy, chăm sóc lạc. Sau 15-30 ngày xử lý, nhổ bỏ tiêu hủy sắn bị bệnh tiến hành kiểm tra, nếu phát hiện còn bệnh hoặc củ sắn, hom sắn sót lại mọc mầm thì tiếp tục nhổ bỏ tiêu hủy triệt để.

- Đối với các địa phương chưa phát hiện bệnh khảm lá sắn: Tăng cường kiểm tra nhằm phát hiện sớm bệnh khảm lá sắn, thống kê, khoanh vùng diện tích nhiễm bệnh để chỉ đạo nhổ bỏ tiêu hủy và báo cáo về Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp biết để hướng dẫn, chỉ đạo.

- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, vận động người dân tham gia tập huấn nhận dạng triệu chứng bệnh, tác hại của bệnh và các biện pháp phòng trừ cho nông dân trồng sắn theo hướng dẫn của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (Trung tâm DVNN thị xã đã có Kế hoạch tập huấn cho nông dân cách nhận dạng bệnh, các biện pháp phòng trừ và tiêu hủy diện tích sắn bị bệnh tại các phường Hương Xuân, Hương Chữ, Hương Văn, Hương Vân và Tứ Hạ đang có diện tích sắn bị bệnh khảm lá vào ngày 07/02/2020).

- Chủ động trích nguồn kinh phí dự phòng và chỉ đạo các HTX trích kinh phí để hỗ trợ vật tư, phương tiện giúp nông dân phòng trừ, tiêu hủy sắn nhiễm bệnh khảm lá nhằm ngăn chặn bệnh kịp thời, hạn chế thiệt hại và tránh lây lan trên diện rộng.

- Sau khi kết thúc niên vụ trồng sắn 2019- 2020, UBND các xã, phường tổng hợp diện tích thực hiện, diện tích bị bệnh, diện tích tiêu hủy,… báo cáo về UBND thị xã (theo mẫu báo cáo kèm theo) trước ngày 31/3/2020 qua Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp. Địa chỉ mail: ttdvnn.huongtra@thuathienhue.gov.vn

- Lưu ý: Các địa phương nào chưa trồng, hoặc trồng dặm nhưng không có giống sắn thì thông báo cho bà con nông dân liên hệ với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp để được giới thiệu nguồn giống có chất lượng, sạch bệnh.

 2. Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã

- Tăng cường công tác điều tra, phát hiện sớm bệnh khảm lá sắn để hướng dẫn nông dân nhổ bỏ tiêu hủy nguồn bệnh kịp thời và các biện pháp quản lý, phòng trừ bọ phấn trắng môi giới truyền bệnh có hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa phương.

- Kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện các biện pháp tiêu hủy, phòng trừ bệnh đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

- Tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nông dân về bệnh khảm lá sắn, tác hại của bệnh và các biện pháp phòng trừ bệnh kịp thời, hiệu quả; nghiên cứu xây dựng mô hình trồng sắn sạch bệnh, có năng suất, chất lương để đảm bảo nguồn cây giống sạch bệnh cung cấp cho nông dân trồng sắn cho các năm sau.

- Cập nhật thông tin kịp thời, báo cáo UBND thị xã để được chỉ đạo, xử lý kịp thời.

Diệu Hương
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 12.306.156
Truy câp hiện tại 1.508