Ứng phó lũ lớn ở ĐBSCL và mưa lũ tại Bắc Bộ
Tại Công điện 1127/CĐ-TTg ứng phó lũ lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long và mưa lũ tại Bắc Bộ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long chủ động chỉ đạo, triển khai ngay các biện pháp phòng, chống lũ để bảo đảm an toàn tính mạng và bảo vệ sản xuất cho người dân.
Các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 13/7/2018 và số 22/CT-TTg ngày 7/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước; tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, tiếp tục rà soát, sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các khu vực nước ngập sâu, chảy xiết khi mưa lũ, nhất là qua các ngầm, tràn để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân; triển khai công tác bảo vệ đê điều, hồ đập theo cấp báo động; sẵn sàng lực lượng, phương tiện xử lý kịp thời các tình huống, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục sự cố xảy ra.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về chính sách đầu tư xây dựng
Theo Nghị quyết 110/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng, nhiệm vụ đầu tiên Chính phủ đề ra là hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Trong đó, các Bộ, ngành trung ương sẽ chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật, nghị định, thông tư trong phạm vi được phân công để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các luật, giữa nghị định với luật, giữa thông tư với nghị định trong các khâu: Chuẩn bị dự án, thực hiện dự án, kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác, sử dụng bảo đảm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, đồng thời tháo gỡ kịp thời các bất cập, vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn hoạt động đầu tư xây dựng, nhất là trong thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh.
Trước mắt, Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung các Luật: Xây dựng, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản và Quy hoạch đô thị để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, thực hiện cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.
Thủ tướng chỉ thị triển khai giải pháp phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu
Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2018 về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu.
Chỉ thị của Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí, loại bỏ những nút thắt, rào cản đối với xuất khẩu. Tăng cường công tác thông tin giúp định hướng sản xuất phục vụ xuất khẩu.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường, nâng cao chất lượng, đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm; tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp có thế mạnh là thủy sản, rau quả, cà phê, điều, hồ tiêu, gạo, sắn.
Phát triển sản xuất công nghiệp gắn với điều kiện cụ thể của từng vùng, từng địa phương; gắn với phát triển quy mô lớn, công nghệ cao; phát triển công nghiệp hỗ trợ để nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu; tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp có thế mạnh là dệt may, da giầy, điện tử, gỗ và sản phẩm gỗ.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tăng cường công tác đàm phán, hội nhập để phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu.
Chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ. Trong đó, về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ, ưu tiên áp dụng các chính sách đã ban hành cho phát triển nông nghiệp hữu cơ. Cụ thể, ưu tiên kinh phí khoa học, khuyến nông để thực hiện đề tài nghiên cứu, dự án khuyến nông, đặc biệt về giống kháng sâu bệnh, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thuốc thú y thảo mộc.
Cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm hữu cơ hoặc vật tư đầu vào phục vụ cho sản xuất hữu cơ được ưu tiên hưởng các chính sách khuyến khích đầu tư đối với nông nghiệp, nông thôn đã được ban hành gồm: Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp; chính sách liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng cánh đồng lớn; chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn; chính sách cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.
Tiếp tục xử lý những điểm nghẽn trong nền kinh tế
Theo Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, giai đoạn 2018 - 2020, tình hình khu vực và thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp tới việc bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện các mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Song song với thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, cần tiếp tục xử lý thực chất những điểm nghẽn trong nền kinh tế thông qua việc tìm kiếm, khai thác các động lực tăng trưởng mới, trong đó nhấn mạnh vai trò các động lực về thể chế, chính sách, pháp luật; kinh tế tư nhân; hội nhập kinh tế quốc tế; cách mạng công nghệ 4.0 và động lực tăng trưởng nội tại từ các trung tâm phát triển, các đô thị, đầu tàu kinh tế của đất nước như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng...
Quy định mới về tổ chức lễ hội
Chính phủ ban hành Nghị định số 110/2018/NĐ-CP quy định về quản lý và tổ chức lễ hội. Trong đó, Nghị định quy định không lợi dụng việc tổ chức lễ hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm; không ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội; hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực trong việc tổ chức lễ hội; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Chỉ được tổ chức lễ kỷ niệm vào năm tròn
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 111/2018/NĐ-CP quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các bộ, ngành, địa phương.
Nghị định quy định rõ nguyên tắc tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống. Theo đó, các hoạt động kỷ niệm được tổ chức trang trọng, an toàn, tiết kiệm, không phô trương, hình thức; chỉ tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống khi có văn bản thành lập hoặc quyết định công nhận của cơ quan có thẩm quyền; chỉ được tổ chức lễ kỷ niệm vào năm tròn. Trường hợp bộ, ngành, cấp tỉnh đồng thời có ngày thành lập, ngày tái lập, ngày truyền thống thì chỉ được lựa chọn một trong các ngày trên để tổ chức kỷ niệm; không tặng quà và tổ chức chiêu đãi trong các hoạt động kỷ niệm.