Thời gian tới, thời tiết còn diễn biến phức tạp, khó lường nên cần phải có sự chủ động ứng phó trong mọi tình huống để kịp thời trong công tác chỉ đạo sản xuất, UBND thị xã yêu cầu các đơn vị xã, phường triển khai một số nội dung sau:
- Chỉ đạo, vận động nông dân tổ chức cày lật đất sớm tối thiểu trước 30 ngày khi đi vào gieo cấy ở các vùng không bị ngập nước để vùi lấp lúa chét, cỏ dại nhằm hạn chế nguồn sinh vật gây hại tồn tại trên đồng ruộng. Đối với vùng thấp trũng, tiến hành đắp bờ, gia cố đê bao để giữ nước khi có mưa to, lụt nhằm tiêu hủy lúa chét, cỏ dại, sinh vật gây hại.
- Kiểm tra hệ thống đê bao, kênh mương, giao thông nội đồng trước và sau các đợt lũ lụt để có kế hoạch tu sửa, nâng cấp đáp ứng nhu cầu tiêu úng, chống hạn phục vụ công tác sản xuất.
- Rà soát số lượng, chất lượng giống lúa hiện có trong dân, cân đối để đăng ký mua thêm ở các đơn vị cung ứng giống, đảm bảo tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận đạt trên 90%. Ngoài ra, cần có phương án chuẩn bị lượng giống dự phòng hợp lý tuỳ theo tình hình thực tế của địa phương để chủ động gieo cấy bổ sung khi có điều kiện thời tiết bất lợi xảy ra.
- Tổ chức diệt chuột bằng mọi biện pháp tổng hợp như đặt bẫy kẹp, đặt bả mồi bằng thuốc Racumin ngay sau khi cày lật đất xong; đào bắt, hun khói hoặc tranh thủ các đợt mưa lụt (nếu có), đồng ruộng ngập nước, chuột co cụm trên các vùng cao, đê đập, cồn mồ để đánh bắt.
- Đối với các vùng sản xuất lúa không chủ động tưới, tiêu, có nguy cơ không đủ nước tưới cho lúa cả vụ hoặc bị ngập sâu và kéo dài cần có kế hoạch chuyển đổi sang các cây trồng khác phù hợp, hiệu quả kinh tế cao hơn như ngô, rau, đậu hoặc trồng sen lấy hạt.
- Đối với cây trồng khác, đẩy mạnh công tác thu hoạch sắn để làm đất chuẩn bị gieo trồng lạc Đông Xuân đúng lịch thời vụ. Các loại rau màu, hoa vụ Đông, tùy điều kiện đất đai cụ thể của từng địa phương để tổ chức sản xuất các loại như rau cải, hành, ngô, mướp đắng, hoa cúc,… trong đó quan tâm các loại cây trồng phục vụ Tết Nguyên Đán.