Để chủ động ứng phó với hiện tượng bất thường của thời tiết và tăng cường chỉ đạo công tác sản xuất, quản lý phòng trừ sinh vật gây hại kịp thời, đảm bảo được kế hoạch sản xuất trong vụ Đông Xuân 2018- 2019, UBND thị xã Hương Trà yêu cầu các địa phương triển khai thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Đối với cây lúa:
- Tăng cường công tác tiêu úng, không để ruộng bị ngập nước lâu, kiểm tra, gia cố hệ thống đê bao đảm bảo không bị ngập trở lại nếu thời gian tới có mưa to.
- Đối với diện tích bị ngập úng, sau khi tiêu úng xong kiểm tra nếu tỷ lệ lúa chết trên 50% thì tiến hành gieo sạ lại bằng nhóm giống lúa ngắn ngày hoặc cực ngắn đảm bảo đúng khung lịch thời vụ; nếu tỷ lệ lúa chết dưới 50% thì tiến hành chăm sóc, tỉa dặm.
- Tranh thủ thời tiết tạnh ráo, tiến hành chăm sóc, tỉa dặm cho diện tích lúa trà đầu đảm bảo mật độ; bón phân thúc sớm và bón cân đối N-P-K giúp cây lúa sinh trưởng phát triển mạnh ngay từ đầu vụ, tăng khả năng chống chịu với sinh vật gây hại, điều kiện ngoại cảnh bất lợi.
- Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng và hướng dẫn nông dân phòng trừ các đối tượng dịch hại kịp thời, đặc biệt là ốc bươu vàng, điều chỉnh mực nước trong ruộng hợp lý để hạn chế sự di chuyển của ốc sang nơi khác. Những ruộng thấp trũng, gieo sạ lại do bị ngập có mật độ ốc cao, nên sử dụng các loại thuốc như Viniclo 700WP, Dioto 250EC, Pazol 700WP để phun trừ hoặc dùng Map Passion 10RG trộn với phân để bón thúc. Đối với giống lúa dài ngày như Nếp, Xi23,... chú ý kiểm tra để phòng trừ bệnh đạo ôn trên lá sớm khi bệnh mới xuất hiện bằng các loại thuốc như Beam 75WP, Vibimzol 75WP,…
- Tiếp tục tổ chức đánh bắt bằng các biện pháp như sử dụng các loại bẫy lồng, bẫy kẹp kết hợp đặt mồi bã quanh bờ ruộng, đê đập bằng thuốc hóa học như Racumin TP 0.75 hoặc Storm 0.005%, Klerat 0.005%,... để diệt trừ chuột gây hại.
- Tiếp tục xử lý cỏ dại đối với những ruộng có cỏ phát triển mạnh ảnh hưởng đến sinh trưởng của lúa. Thường xuyên theo dõi thời gian sinh trưởng của lúa: số lá, mật độ, chủng loại cỏ trên đồng ruộng để sử dụng nhóm thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm sớm như Sirius 10WP/70WDG, Star 10WP, Top super 119WP, Pyanchor 3EC,… hoặc hậu nảy mầm muộn như Nominee 100OF/10SC, Clincher 10EC, Dany 20DF, Topshot 60 OD,… Lưu ý không được buôn bán, sử dụng các thuốc có chứa hoạt chất 2,4D (Anco, O.K, Rada, Vi2,4D, Zico,…) và hoạt chất Paraquat (Cỏ cháy, Gramoxone, Hagaxone, Paraxon, Tungmaxone,…) để trừ cỏ cho lúa, cây trồng khác và đất không trồng trọt kể từ ngày 08/02/2019.
2. Đối với cây trồng khác:
2.1. Đôi với cây ngắn ngày:
- Cây lạc: Tranh thủ thời tiết nắng ấm đẩy nhanh tiến làm đất, gieo trồng để đảm bảo khung lịch thời vụ của UBND thị xã, đặc biệt diện tích đất cát cao tránh hạn cuối vụ.
- Cây rau: Tranh thủ thời tiết tạnh ráo để chăm sóc, trồng mới các loại rau ngắn ngày để đảm bảo nguồn cung cấp trong và sau tết Nguyên đán Kỷ Hợi.
- Các cây trồng khác như ngô, sắn, đậu,... tùy tình hình thời tiết để tổ chức gieo trồng phù hợp và đảm bảo khung lịch thời vụ. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi sâu bệnh và tổ chức phòng trừ trên diện hẹp.
2.2. Đối với cây dài ngày:
- Hướng dẫn nông dân thường xuyên vệ sinh vườn, cắt tỉa cành sâu bệnh, khơi thông hệ thống thoát nước. Tiến hành chăm sóc, bón phân cho cây ăn quả, cây cao su, cây tiêu,... khi thời tiết nắng ấm đảm bảo cho cây sinh trưởng, phát triển.
- Theo dõi các đối tượng sinh vật gây hại như chảy gôm, bệnh muội đen, sâu vẽ bùa, sâu đục thân,... trên cây ăn quả có múi. Bệnh héo đen đầu lá, xì mủ, loét sọc miệng cạo,... trên cây cao su. Bệnh chết nhanh, chết chậm, thán thư, rệp sáp,... trên cây hồ tiêu, để có biện pháp phòng trừ kịp thời.