Phiên họp thảo luận về: Tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng, tình hình triển khai Nghị quyết số 01, 02, những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách cho 3 tháng cuối năm để phấn đấu thực hiện thắng lợi toàn diện kế hoạch năm 2019, xây dựng kế hoạch phát triển năm 2020; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2019, dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2020; tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; tình hình thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP về Chính phủ điện tử; tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh năm 2019; công tác chuẩn bị kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV và một số nội dung khác.
Các thành viên Chính phủ thống nhất đánh giá, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng thấp nhất từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và đang đứng bên bờ suy thoái, tăng trưởng của nhiều nền kinh tế giảm mạnh, kinh tế Việt Nam tiếp tục xu hướng tích cực; kinh tế vĩ mô ổn định; tăng trưởng kinh tế cao nhất trong 9 năm qua; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; hầu hết ngành, lĩnh vực đều phát triển ổn định. Tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2019 tốt hơn so với dự báo. Một số kết quả nổi bật là:
(1) Tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,98% (mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 9 năm trở lại đây), là dấu hiệu rất tích cực, trong đó nông nghiệp tăng 2,02%, công nghiệp tăng 9,36% (cùng kỳ 2018 là 8,89%), dịch vụ tăng 6,85%.
(2) Lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2019 tăng 0,32% so với tháng trước (do điều chỉnh tăng giá dịch vụ giáo dục, giá thịt lợn tăng, giá một số mặt hàng tăng tại các địa phương có mưa lũ kéo dài), CPI bình quân 9 tháng tăng 2,5%, mức tăng thấp nhất trong 3 năm qua.
(3) Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng khá (tăng 10,3%), nhất là khu vực ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng 45,3%, tăng 16,9%. Vốn FDI thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, ước đạt 14,2 tỷ USD, tăng 7,3%.
(4) Thu ngân sách Nhà nước tăng cao (10,1%), có 8/12 khoản thu và nhóm các khoản thu nội địa đạt khá, thu nội địa đạt 70,3%, thu từ dầu thô đạt 91,5%, thu từ xuất nhập khẩu đạt 84,4%; chi NSNN tiếp tục đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi cho đầu tư phát triển, trả nợ, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hoạt động của bộ máy Nhà nước. Bội chi còn 3,4% GDP, nợ công còn dưới 57% GDP.
(5) Trong bối cảnh thương mại toàn cầu tăng trưởng thấp như hiện nay, xuất khẩu của Việt Nam là một điểm sáng trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng tốt, đạt trên 190 tỷ USD, tăng 8,2%; kim ngạch nhập khẩu tăng 8,9%, chủ yếu là nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 91,4%. Xuất siêu lớn, ước đạt 5,9 tỷ USD.
(6) Ngành công nghiệp có bước tăng trưởng khá, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là động lực chính của tăng trưởng toàn nền kinh tế. IIP 9 tháng ngành công nghiệp tăng 9,56% (quý I tăng 9%; quý II tăng 9,24%; quý III tăng 10,29%), là mức tăng cao nhất trong 4 năm trở lại đây.
(7) Mặc dù nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng đã tập trung cơ cấu lại nội ngành theo hướng hiệu quả hơn, ngành thủy sản tiếp tục tăng trưởng khá, là một điểm sáng của ngành. Tổng sản lượng thủy sản tăng 5,4%, trong đó tôm tăng 7,2%, cá tra tăng 7,4%. Xuất khẩu gỗ đạt con số trên 9 tỷ USD và cả năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ có thể đạt trên 11 tỷ USD.
(8) Tổng cầu tiêu dùng tiếp tục tăng mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,6% (loại trừ yếu tố giá tăng 9,1%). Thị trường tiêu thụ được mở rộng, nguồn cung hàng hóa dồi dào, chất lượng được bảo đảm, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người dân. Khách du lịch quốc tế đạt 12,9 triệu lượt người, tăng 10,8%.
(9) Số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục với gần 102,3 nghìn doanh nghiệp (tăng 5,9% về số doanh nghiệp và tăng 34% về số vốn đăng ký). Bên cạnh đó, còn có 27,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 20,5%. Kết quả điều tra kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy 87,9% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn.
(10) Các lĩnh vực về văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, ngoại giao tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Đời sống nhân dân được cải thiện, đặc biệt tại khu vực nông thôn. Thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững đạt kết quả tích cực. Công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện (trao tặng cho các đối tượng chính sách, người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội khoảng 5,1 nghìn tỷ đồng). Các lĩnh vực y tế, giáo dục đều có chuyển biến tích cực (trong tháng 9, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là các địa phương bị ảnh hưởng của thiên tai bão lũ, đã chỉ đạo tổ chức thành công khai giảng năm học mới 2019-2020 với tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu, bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả và với nhiều hình thức phù hợp với các lứa tuổi học sinh).
Trên cơ sở kết quả 9 tháng, dự kiến năm 2019, chúng ta sẽ hoàn thành toàn diện, vượt mức các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, là năm thứ 2 liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, những thành tựu đạt được rất ấn tượng và tự hào trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tác động, ảnh hưởng nhiều mặt, không thuận của tình hình thế giới, khu vực, nhất là thiên tai, biến đổi khí hậu và dịch bệnh. Điều đáng nói là không chỉ tăng trưởng về số lượng mà chất lượng được cải thiện rõ nét. Tăng trưởng vượt mục tiêu đề ra trong khi kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, đặc biệt lạm phát được kiểm soát tốt và các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Đời sống nhân dân cải thiện rõ nét. Theo nhận định, đánh giá của các tổ chức quốc tế, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng cao trong thời gian tới.
Toàn cảnh hội nghị
Kết quả đó khẳng định những nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước để vượt qua khó khăn, thách thức từ đầu năm và mang lại kết quả khả quan, không khí phấn khởi cho toàn xã hội, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong, ngoài nước, khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết liệt của Chính phủ, các cấp, các ngành trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Đồng thời minh chứng rõ nét cho nỗ lực vượt khó với tinh thần đổi mới, sáng tạo, đoàn kết và ý chí quyết tâm, phấn đấu vươn lên của cả dân tộc ta.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều tồn tại hạn chế và khó khăn thách thức. Cụ thể, ngành nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh gây ra, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp thấp nhất trong 3 năm qua. Một số dự án công nghiệp, giao thông trọng điểm tiếp tục chậm tiến độ, chưa xác định thời gian hoàn thành. Giải ngân vốn đầu tư công hiện nay còn rất chậm, không có nhiều chuyển biến (mới đạt 45,17% kế hoạch được Quốc hội thông qua, cùng kỳ đạt 50,93%). Sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa (số doanh nghiệp giải thể tăng 4,7% so với cùng kỳ, trong đó 40% là các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ; doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm trên 90%). Giá xuất khẩu bình quân của nhiều mặt hàng nông sản giảm, dẫn đến kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng nông, thủy sản đều giảm. Trong tháng 9 và quý III, phát sinh nhiều vấn đề về văn hóa, xã hội, an ninh trật tự mà chúng ta cần phải quan tâm nhiều hơn nữa trong thời gian tới, đặc biệt là dịch bệnh sốt xuất huyết, chân tay miệng và sởi, hay về an ninh trật tự như tội phạm có yếu tố nước ngoài tổ chức sản xuất ma túy, đánh bạc qua mạng, lừa đảo qua mạng, làm giả thẻ ATM, cướp của, giết người, cho vay nặng lãi... gây bức xúc xã hội, xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm còn hết sức nặng nề; chúng ta cần kiên định thực hiện mục tiêu đề ra; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan với kết quả đạt được, như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh “đất nước chưa bao giờ có cơ đồ như ngày nay” song “không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế”; cần phấn đấu nhiều hơn nữa. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo ngay tại Hội nghị Chính phủ với địa phương đầu năm nay: Chúng ta phải phấn đấu hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu đã đề ra.
Đối với những tháng còn lại của năm 2019, Thủ tướng nêu rõ quan điểm điều hành là Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành tuyệt đối không chủ quan, tập trung chỉ đạo các biện pháp cụ thể, khắc phục tồn tại, hạn chế, yếu kém. Tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đề ra. Theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước để có đối sách phù hợp, kịp thời. Ưu tiên tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, trong đó có vấn đề giải ngân, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.
Thủ tướng đề nghị đánh giá đầy đủ hơn nữa tác động của xung đột thương mại giữa các nước lớn đối với nước ta, tác động của thị trường tài chính quốc tế đối với kinh tế Việt Nam, đưa ra các giải pháp, kịch bản kịp thời, phù hợp, các giải pháp đa dạng hóa thị trường, khai thác tốt hơn các FTA đã ký kết, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, chống gian lận thương mại, gian lận xuất xứ.
Thủ tướng yêu cầu bám sát nghị quyết của Chính phủ, các chỉ thị của Thủ tướng để triển khai công việc sát sao hơn. Cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh; coi đây là một tiêu chí để đánh giá thi đua. Các bộ, ngành chức năng có chương trình hành động cụ thể để thực hiện Nghị quyết về thu hút đầu tư nước ngoài, Nghị quyết về chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư của Bộ Chính trị.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu, sớm có biện pháp tháo gỡ vướng mắc khi triển khai Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu để báo cáo Quốc hội.
Khẩn trương hoàn thành rà soát cắt giảm điều kiện kinh doanh không cần thiết theo đúng tiến độ đề ra, không giảm hình thức mà phải giảm thực chất, tạo môi trường kinh doanh tốt hơn. VPCP thống kê, đôn đốc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng về xây dựng thể chế, đặc biệt là các nghị định, báo cáo Thủ tướng. “Bây giờ còn thiếu bao nhiêu, những bộ, ngành nào còn thiếu”, Thủ tướng yêu cầu báo cáo cụ thể.
Các bộ, ngành, địa phương, nhất là Bộ Công an, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường, TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh có giải pháp quyết liệt nhằm giảm thiểu các vấn nạn gây bức xúc xã hội, đặc biệt những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, hỏa hoạn ở nhiều nơi, cần công khai thông tin và nhắc nhở người dân về các biện pháp an toàn kịp thời hơn. Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có giải pháp căn cơ, đồng bộ xử lý vấn đề ô nhiễm không khí, sớm báo cáo Thủ tướng, “không để vấn đề bức xúc như vậy, người dân kêu mà không xử lý”.
Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị tốt cho cho kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV; chủ động tổng hợp, xử lý những ý kiến, kiến nghị, vấn đề được đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm.
Thủ tướng nhất trí chủ trương thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.