Tìm kiếm tin tức
Người mẹ của những anh hùng
Ngày cập nhật 21/07/2017
Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng lấy nguyên mẫu Mẹ Nguyễn Thị Thứ tại Quảng Nam. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Sự hy sinh cao cả của Mẹ Thứ cùng gia đình trong 2 cuộc kháng  chiến bảo vệ Tổ quốc đã viết lên bản anh hùng ca về ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam.

Hòa trong không khí đất nước kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-liệt sĩ, chúng tôi về quê Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ để thắp nén nhang tri ân Mẹ, người đã trở thành biểu tượng cao quý cho lòng yêu nước, sự hy sinh vì công cuộc giải phóng đất nước đầy gian khổ.

Ngôi nhà Mẹ Nguyễn Thị Thứ  (1904-2010) nằm ở thôn Thanh Quýt 2, xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, một vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Trong 2 cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, Mẹ đã dằn lòng tiễn 9 người con trai, một người con rể và 2 cháu ngoại ra đi, rồi không một ai trở về.

Nhìn những tấm bằng Tổ quốc ghi công, những tấm hình liệt sĩ đã ngả màu thời gian đặt trang trọng trên bàn thờ mới thấy được sự hy sinh lớn lao của Mẹ.

Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng lấy nguyên mẫu Mẹ Nguyễn Thị Thứ tại Quảng Nam. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Hòa trong không khí đất nước kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-liệt sĩ, chúng tôi về quê Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ để thắp nén nhang tri ân Mẹ, người đã trở thành biểu tượng cao quý cho lòng yêu nước, sự hy sinh vì công cuộc giải phóng đất nước đầy gian khổ.

Ngôi nhà Mẹ Nguyễn Thị Thứ  (1904-2010) nằm ở thôn Thanh Quýt 2, xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, một vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Trong 2 cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, Mẹ đã dằn lòng tiễn 9 người con trai, một người con rể và 2 cháu ngoại ra đi, rồi không một ai trở về.

Nhìn những tấm bằng Tổ quốc ghi công, những tấm hình liệt sĩ đã ngả màu thời gian đặt trang trọng trên bàn thờ mới thấy được sự hy sinh lớn lao của Mẹ.

Mất mát đầu tiên của Mẹ là ngày 18/6/1948, khi anh Lê Tự Xuyến, người con trai thứ 2, một chiến sĩ giao liên làm nhiệm vụ bị giặc Pháp bắn hy sinh ngay tại đầu làng. Nước mắt chưa vơi thì tin dữ lại đến, ngày 5/10/1948, anh Lê Tự Hàn (anh) hy sinh khi làm nhiệm vụ tải thương. Mười ngày sau, ngày 15/10/1948, anh Lê Tự Hàn (em) cũng hy sinh trong một trận chống càn. Chỉ trong 4 tháng, Mẹ đã mất 3 người con thân yêu của mình. Tiếp đến ngày 1/4/1954, anh Lê Tự Lem vừa tròn 20 tuổi, tham gia bộ đội huyện lại hy sinh trong lúc chiến đấu với giặc.

Cứ thế, nấm mồ này chưa xanh cỏ, Mẹ lại nuốt nước mắt tiễn đưa những người con về cõi vĩnh hằng. Song vết thương đau trong lòng Mẹ lại như “cây dó lên trầm”, bùng cháy thành ngọn lửa cách mạng.

Đầu năm 1975, Mẹ mong chờ ngày về của người con trai cả, anh Lê Tự Chuyển, một chiến sĩ biệt động Sài Gòn. Nhưng rồi, 9h sáng ngày 30/4/1975, người chiến sĩ biệt động ấy trong lúc dẫn đường đoàn quân giải phóng cũng đã ngã xuống, chỉ vài giờ trước khi miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Không chỉ hiến dâng những người con cho Tổ quốc, Mẹ Nguyễn Thị Thứ còn trực tiếp tham gia giúp đỡ cách mạng. Xã Điện Thắng Trung nằm giáp với TP. Đà Nẵng, trong kháng chiến chống Mỹ nơi đây là vùng địch tạm chiếm. Địch ngày đêm càn quét, đánh phá, dồn dân lập ấp chiến lược, cực khổ trăm bề nhưng Mẹ Thứ vẫn cùng với người dân nơi đây trụ bám trên mảnh đất quê hương với tinh thần “một tấc không đi một ly không rời”.

Ngôi nhà Mẹ Việt Nam anh hùng  Nguyễn Thị Thứ nằm ở thôn Thanh Quýt 2, xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Người dân thôn Thanh Quýt vẫn còn kể nhau nghe những câu chuyện về Mẹ Thứ nuôi giấu cán bộ cách mạng trong 5 hầm bí mật tại khu vườn tre sau nhà. Hằng đêm, Mẹ thường để ngọn đèn tỏa sáng bên bàn thờ làm ám hiệu an toàn cho cán bộ, du kích đi về hoạt động.

Trong suốt những năm tháng chiến tranh đã có biết bao cán bộ cách mạng được Mẹ chở che, chăm sóc như chính những người con thân yêu của mình.

Bà Lê Thị Trị (92 tuổi), người con gái đầu của Mẹ Nguyễn Thị Thứ và cũng là Mẹ Việt Nam anh hùng tâm sự: “Mỗi lần nhận tờ giấy báo tử trên tay, mẹ tôi không thể khóc được nữa vì mẹ đã khóc cạn hết nước mắt rồi. Chính tấm gương hy sinh vì đất nước của mẹ cũng đã giúp tôi vượt qua thử thách khi bị địch bắt giam tù đày khi tham gia hoạt động cách mạng, và nhất là nỗi đau lúc nhận được tin chồng và hai người con hy sinh trong lúc chiến đấu với kẻ thù”.

Ông Hà Sáu, nguyên Chủ tịch UBND xã Điện Thắng, kể lại một kỷ niệm: Vào năm 1998, lúc Mẹ còn sống, có một đoàn khách nước ngoài về thăm Mẹ. Sau khi nghe những câu chuyện về lịch sử, về sự hy sinh anh dũng của những người con đất Quảng, giữa câu chuyện, một nhà báo Hàn Quốc, cũng là một cựu chiến binh đã băn khoăn hỏi Mẹ: “Thưa bà, với quan niệm người Á đông chúng ta, con cái là phúc lộc, là tài sản. Khi người con thứ tư, thứ năm tử trận, tại sao bà vẫn cứ tiếp tục động viên những người con khác của mình ra mặt trận?”.

Mẹ vẫn điềm nhiên ngồi nhai trầu, thong thả nhìn thẳng vào nhà báo nọ và trả lời: “Thưa ông, tôi không được học nhiều, biết nhiều như ông, nhưng ở nước tôi, Cụ Hồ đã dạy ‘Không có gì quý hơn độc lập tự do’. Vì vậy người Việt Nam, trong đó có các con, cháu tôi đều sẵn sàng chiến đấu, hy sinh cả tính mạng để giành lấy độc lập, tự do. Nếu còn chiến tranh, các con tôi, rồi cháu tôi vẫn sẽ tiếp tục ra trận để giành độc lập, tự do mà hôm nay chúng tôi đang hưởng”. Nghe Mẹ nói, nhà báo nọ sững người, rồi quỳ xuống xin lỗi Mẹ mà nước mắt rưng rưng.

Ông Nguyễn Hữu Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Điện Thắng Trung xúc động: “Cuộc đời của Mẹ Nguyễn Thị Thứ đã trở thành biểu tượng cho sự hy sinh vô bờ bến của hàng triệu bà mẹ Việt Nam anh hùng đã hiến dâng những người con ưu tú của mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà".

Để tri ân sự hy sinh của Mẹ Thứ cùng gia đình, chính quyền địa phương thường xuyên đến động viên, hỏi han người thân gia đình mẹ. Bên cạnh đó, công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho gia đình có công với đất nước cũng được địa phương đặt biệt quan tâm để cuộc sống của người thân Mẹ bớt vất vả, khó khăn.

Lưu Hương
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 12.308.405
Truy câp hiện tại 2.656