Tìm kiếm tin tức
Các biện pháp Phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ em
Ngày cập nhật 20/06/2023

Tai nạn thương tích (TNTT) ở trẻ em là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong và di chứng tàn tật suốt đời cho trẻ. Mặc dù nhiều biện pháp phòng chống TNTT cho trẻ em đã và đang được thực hiện, nhưng tình hình trẻ nhập viện vì TNTT vẫn chưa giảm. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNTT ở trẻ nhưng phần lớn và sâu xa là do sự bất cẩn của người lớn.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế, mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị TNTT, trong đó nhóm tuổi 15-19 chiếm tỷ lệ cao nhất (43%), tiếp đến là nhóm tuổi 5-14 với 36,9%, thấp nhất là nhóm tuổi 0-4 chiếm 19,5%. Trung bình cứ 100.000 trẻ có 24 em tử vong do TNTT (18 trẻ tử vong do TNTT mỗi ngày).

Các tình huống thường gặp TNTT ở trẻ gồm: bị bỏng, nuốt phải dị vật, bị điện giật do cho tay vào ổ điện, ngã cầu thang, ngã từ trên cao, đuối nước, tai nạn giao thông, ngộ độc thức ăn,... Nguyên nhân là ở lứa tuổi này, các em thường hiếu động, tò mò, nghịch ngợm, trẻ chưa thể lường hết được những nguy hiểm từ việc mình làm; các em hầu như chưa có đủ hoặc hoàn toàn chưa có kiến thức, kỹ năng phòng tránh nên rất dễ dẫn đến TNTT. Vì vậy, để bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ TNTT phải bắt đầu từ ý thức, trách nhiệm của mỗi người lớn, phải chủ động ngăn chặn những nguy cơ trên cho các em.

Dưới đây là một số nguy cơ thường gặp và biện pháp chủ động phòng tránh TNTT cho trẻ.

1. Tai nạn thương tích khi tham gia giao thông

Là những trường hợp xảy ra do sự va chạm, nằm ngoài ý muốn chủ quan của con người, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan người tham gia giao thông gây nên….

Biện pháp phòng tránh tai nạn thương tích khi tham gia giao thông:

- Đối với trường học:

+ Trường phải có cổng, hàng rào.

+ Trong giờ học, giờ chơi phải đóng cổng, không cho trẻ chạy ra đường chơi khi trường ở gần đường.

+ Phải có biển báo trường học cho các loại phương tiện cơ giới ở khu vực gần trường học.

+ Hướng dẫn học sinh thực hiện luật an toàn giao thông.

+ Tuyên truyền phụ huynh không đi ô tô, xe máy trong sân trường.

- Khi tham gia giao thông, cần hướng dẫn trẻ:

+ Phải đi bộ trên hè phố, lề đường, nếu không có hè phố, lề đường thì đi sát mép đường bên phải.

+ Không vượt qua dải phân cách.

+ Không chạy đột ngột qua đường hoặc từ trên vỉa hè xuống lòng đường gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông khác.

+ Đối với trẻ nhỏ, tuyệt đối không để trẻ một mình tham gia giao thông, khi sang đường phải có người lớn dắt qua.

2. Bỏng

Là tổn thương một hoặc nhiều lớp tế bào da khi tiếp xúc với chất lỏng nóng, lửa, các tai nạn thương tích da do các tia cực tím, phóng xạ, điện, chất hóa học, hoặc tổn thương phổi do khói xộc vào...

 Biện pháp phòng ngừa bỏng, nhiễm độc:

+ Bảng điện phải để cao tránh tầm với của trẻ hoặc có biện pháp đảm bảo an toàn ổ điện.

+ Không để bàn là đang hoạt động trong tầm với của trẻ.

+ Không cho học sinh tới khu vực bếp nấu nướng.

+ Luôn quan tâm chăm sóc trẻ, không để trẻ chơi một mình ở các nơi có thể xảy ra tai nạn.

+ Để thuốc và hóa chất ngoài tầm tay với của trẻ em.

+ Không cho trẻ em tự uống thuốc.

3. Đuối nước

Là những trường hợp tai nạn thương tích xảy ra do bị chìm trong chất lỏng (nước, xăng, dầu) dẫn đến ngạt do thiếu Oxy hoặc ngừng tim dẫn đến tử vong.

Biện pháp phòng ngừa đuối nước:

+ Phổ cập bơi cho học sinh để phòng tránh đuối nước.

+ Có biển cảnh báo nguy hiểm đối với khu vực có nguy cơ xảy ra đuối nước.

+ Trẻ em cần rèn luyện thể lực và biết bơi theo quy định.

+ Khi đi bơi phải tuân thủ quy tắc an toàn.

+ Không cho trẻ ra gần ao, hồ, sông, suối,… một mình.

+ Ở vùng lũ, học sinh đi học qua sông suối phải có người lớn đưa và phải đảm bảo an toàn.

+ Khi đi đò, thuyền,... phải mặc áo phao bảo hộ.

+ Giếng, bể nước, chum, vại, phi,… chứa nước phải có nắp đậy an toàn.

4. Điện giật

Là những trường hợp TNTT do tiếp xúc với điện gây nên hậu quả bị thương hay tử vong.

 Biện pháp phòng ngừa điện giật:

+ Luôn kiểm tra độ an toàn các đồ dùng bằng điện, che kín các ổ điện ở thấp không cho trẻ nghịch, có ký hiệu để trẻ nhận biết nguy hiểm không được sờ vào điện.

+ Hệ thống điện trong lớp phải an toàn: không để dây trần, dây điện hở, bảng điện để cao.

5. Ngã

Là TNTT do ngã, rơi từ trên cao xuống.

 Biện pháp phòng tránh ngã:

- Tại các nhà trường, cần củng cố cơ sở vật chất, cụ thể:

+ Sân trường cần bằng phẳng và không bị trơn trượt

+ Cửa sổ, hành lang, cầu thang phải có tay vịn, lan can.

+ Không cho trẻ học và chơi gần những lớp học không an toàn như tường nhà, ta-luy có nguy cơ sập xuống. Đồng thời phải cho sửa chữa ngay.

+ Những cây ở sân trường cần có bồn rào để ngăn trẻ không leo trèo .

+ Loại bỏ những đồ dùng có thể gây mất an toàn như tủ, giá xập xệ, những đồ dùng gẫy, hỏng. Bàn ghế hỏng, không chắc chắn phải được sửa chữa ngay.

+ Dụng cụ thể dục thể thao phải chắc chắn, đảm bảo an toàn.

+ Đi chơi đúng nơi quy định và thực hiện theo sự hướng dẫn.

+ Trường có cán bộ theo dõi về y tế học đường và có tủ thuốc cấp cứu

- Tại các nhà tập thể, chung cư cao tầng:

+ Phần lan can ở ban công, lô gia, mái, giếng trời, các lỗ mở phải có lan can chắn với chiều cao từ 1,4m trở lên;

+ Vật liệu xây dựng phải bảo đảm tiêu chuẩn như khoảng giữa các thanh sắt không rộng quá 10cm

+ Kính lắp đặt phải là kính chịu lực, không làm cầu nối cho trẻ dưới 5 tuổi đu, trèo qua lan can,... 

+ Nên bổ sung làm thêm lưới sắt chắn lan can, làm thêm khung bảo vệ cửa sổ để trẻ không thể leo ra ngoài

+ Lưu ý không kê giường, tủ, bàn ghế, đồ đạc cạnh cửa để trẻ có thể trèo lên cửa sổ, ban công. 

+ Gia cố thêm chốt khóa an toàn để trẻ không thể tự mở cửa, hoặc cửa sổ trèo ra ngoài. 

6. Ngộ độc

Là những trường hợp do hít vào, ăn vào, tiêm vào cơ thể các loại độc tố dẫn đến tử vong hoặc ngộ độc cần có chăm sóc của y tế (do thuốc, do hóa chất, nấm …).

Biện pháp phòng ngừa ngộ độc thức ăn:

- Tại các nhà trường:

+ Không bán quà bánh trong trường và không ăn hàng rong xung quanh cổng trường.

+ Thực phẩm do thức ăn nhà bếp, nước uống phải đảm bảo vệ sinh, rõ nguồn gốc. Phải có hợp đồng cam kết mua bán thực phẩm sạch rõ nguồn gốc với công ty cung cấp.

- Tại gia đình: Thực hành 10 nguyên tắc vàng trong chế biến thực phẩm.

+ Nguyên tắc 1: Chọn thực phẩm an toàn. Chọn thực phẩm tươi rau, quả ăn sống phải được ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch. Quả nên gọt vỏ trước khi ăn. Thực phẩm đông lạnh để tan đá, rồi làm đông đá lại là kém an toàn.

+ Nguyên tắc 2: Nấu chín kỹ thức ăn. Nấu chín kỹ hoàn toàn  thức thức ăn, là bảo đảm nhiệt độ trung tâm thực phẩm phải đạt tới trên 70 độ C. 

+ Nguyên tắc 3: Ăn ngay sau khi nấu. Hãy ăn ngay sau khi nấu vừa xong, vì thức ăn càng để lâu càng nguy hiểm.

+ Nguyên tắc 4: Bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín. Muốn giữ thức ăn quá 5h đồng hồ cần phải giữ liên tục nóng trên 60 độ C hoặc lạnh dưới 10 độ C. Thức ăn cho trẻ nhỏ không nên dùng lại.

+ Nguyên tắc 5: Nấu lại thức ăn thật kỹ. Các thức ăn chín dùng lại sau 5h, nhất thiết phải được đun kỹ lại.

+ Nguyên tắc 6: Tránh ô nhiễm chéo giữa thức ăn chín và sống, với bề mặt bẩn. Thức ăn đã được nấu chín có thể bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với thức ăn sống hoặc gián tiếp với các bề mặt bẩn (như dùng chung dao, thớt để chế biến thực phẩm ).

+ Nguyên tắc 7: Rửa sạch tay trước khi chế biến thức ăn và sau mỗi lần gián đoạn để làm việc khác. Nếu bị nhiễm trùng ở bàn tay, hãy băng kỹ và kín vết thương nhiễm trùng đó trước khi chế biến thức ăn.

+ Nguyên tắc 8: Giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn. Do thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, bất kỳ bề mặt nào dùng để chế biến thức ăn cũng phải được giữ sạch. Khăn lau bát đĩa cần phải được luộc nước sôi và thay thường xuyên trước khi sử dụng lại. 

+ Nguyên tắc 9: Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác. Che đậy giữ thực phẩm trong hộp kín, chạn, tủ kính, lồng bàn... Đó là cách bảo vệ tốt nhất, khăn dùng che đậy thức ăn chín phải được giặt sạch lại.

+ Nguyên tắc 10: Sử dụng nguồn nước sạch an toàn. Nước sạch là nước không màu, mùi, vị lạ và không chứa mầm bệnh. Đặc biệt cẩn thận với nguồn nước dùng nấu ăn cho trẻ nhỏ.

7. Bạo lực

Là hành động dùng vũ lực hăm dọa, hoặc đánh người của cá nhân, nhóm người, cộng đồng khác gây tai nạn thương tích có thể tử vong, tổn thương…

+ Giáo dục ý thức cho các em không được xô đẩy, đánh nhau trong trường học. Giáo viên thường xuyên quản lý, giám sát trẻ ở mọi lúc, mọi nơi, giáo dục trẻ đoàn kết, yêu thương thày cô, bạn bè. Không cho các em mang đến trường các vật sắc nhọn nguy hiểm như dao, kiếm, súng cao su và các hung khí.

+ Cung cấp, trang bị cho các em những kỹ năng tự bảo vệ trước hành vi bạo lực, gọi Tổng đài 111 bảo vệ trẻ em khi cần trợ giúp.

Ngoài ra còn rất nhiều nguy cơ dẫn đến tai nạn thương tích ở trẻ như: Do động vật cắn (chấn thương do động vật cắn, húc, đâm phải); tai nạn do tiếp xúc với máy móc (phục vụ sản xuất,…) khi đang vận hành gây ra.

Thu Phương
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 12.284.966
Truy câp hiện tại 4.479