Tìm kiếm tin tức
Điểm chuẩn ngành sư phạm khó “vượt sàn”
Ngày cập nhật 31/07/2019
Thí sinh trao đổi thông tin sau kỳ thi THPT Quốc gia 2019

Với quy định về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) trong tuyển sinh bậc đại học (ĐH) hệ chính quy năm 2019 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố, khả năng điểm chuẩn các ngành đào tạo giáo viên sẽ khó “vượt sàn”.

Điểm sàn tăng

Năm 2019, Bộ GD&ĐT quy định riêng mức điểm sàn các ngành đào tạo giáo viên ở bậc ĐH là 18 điểm, tăng 1 điểm so với mức điểm sàn mà Bộ công bố trong mùa tuyển sinh 2018. So với các ngành đào tạo khác trong cả nước và kể cả các ngành của ĐH Huế (trừ nhóm ngành sức khỏe), đây là mức điểm sàn cao.

Theo quy định, việc “tính toán” điểm chuẩn được xác định trên nguyên tắc không dưới điểm sàn, trong khi đó mức điểm sàn ở ngưỡng hiện tại theo nhiều chuyên gia giáo dục đánh giá là chất lượng và cũng có thể sẽ được một số trường sư phạm xác định làm điểm chuẩn.

TS. Nguyễn Xuân Huy, Phụ trách Ban Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH Huế cho rằng, ngưỡng điểm đầu vào 18 điểm cho thấy Bộ GD&ĐT đang siết chặt chất lượng các ngành đào tạo giáo viên và thí sinh có kết quả thi ở ngưỡng điểm này là tương đối tốt. Vì vậy, các đơn vị đào tạo sẽ tính toán điểm chuẩn phù hợp, có thể không cao hơn nhiều so với mức điểm sàn.

PGS.TS. Lê Anh Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế cho biết, còn phải dựa vào nhiều cơ sở để tính toán điểm chuẩn, điển hình như thông tin điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh. Tuy nhiên, điểm chuẩn cũng không thể tăng cao hơn nhiều so với điểm sàn, lý do là so với nhiều ngành còn lại, mức điểm sàn năm nay quá cao. Hơn thế, nhìn vào mức điểm chuẩn các năm qua của nhiều ngành cũng chưa đạt tới mức 18 điểm. “Thực ra, mức điểm 18 là cao và khi đầu vào chất lượng thì cơ hội việc làm cũng sẽ tốt hơn”, ông Phương nhấn mạnh.

Năm nay, trên cả nước có khoảng 100.000 nguyện vọng đăng ký vào ngành đào tạo giáo viên. Thực tế năm 2018, điểm sàn ĐH Sư phạm ở mức 17 điểm, nhiều trường đã khó về nguồn tuyển. Thống kê chung cho thấy, các ngành sư phạm chỉ tuyển được chưa đến 70% chỉ tiêu. Vì vậy, đại diện nhiều cơ sở đào tạo sư phạm bậc ĐH cho rằng, khả năng nhiều ngành sẽ lấy chuẩn ngang sàn (18 điểm).

Cơ sở để thí sinh điều chỉnh nguyện vọng

Thí sinh đang trong giai đoạn điều chỉnh nguyện vọng. Sau khi hết thời gian điều chỉnh nguyện vọng theo phương thức trực tuyến (kết thúc vào 17 giờ ngày 29/7) thì thí sinh vẫn còn có thể điều chỉnh nguyện vọng bằng phiếu (thời gian đến 17 giờ ngày 31/7).

Theo đại diện Hội đồng Tuyển sinh ĐH Huế, với các thí sinh có nguyện vọng học các ngành sư phạm hoặc đang băn khoăn lựa chọn ngành để điều chỉnh nguyện vọng, có thể dựa vào các thông tin đã phân tích để đưa ra quyết định điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển.

Hiện nay, dù chưa có kết quả chính thức về số lượng nguyện vọng của các ngành sư phạm sau đợt điều chỉnh, song theo dự báo khả năng của các trường, lượng hồ sơ đăng ký vào các ngành sư phạm sẽ không ồ ạt, điều này là cơ sở để có thể xem xét, tính toán điểm chuẩn.

Thí sinh có thể dựa vào điểm chuẩn các năm để dự đoán khả năng trúng tuyển. Trong đó, có thể so sánh giữa mức điểm sàn và điểm chuẩn của từng ngành trong 2 – 3 năm qua để tính toán điều chỉnh nguyện vọng trên cơ sở đam mê, sở thích ngành học và các điều kiện khác.

 
Theo baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 12.314.746
Truy câp hiện tại 5.109