Tìm kiếm tin tức
Không thả bóng bay, không chạy theo thành tích
Ngày cập nhật 05/09/2019
Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Vĩnh Ninh (TP. Huế) vào năm học mới. Ảnh: HP

Hôm nay, ngày 5/9, học sinh các cấp ở Thừa Thiên Huế đồng loạt khai giảng với nhiều thay đổi, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2019 - 2020 và chung tay xây dựng môi trường xanh - sạch - sáng.

Hình thành thói quen tốt

Lần đầu tiên các trường học ở Thừa Thiên Huế không tổ chức thả bóng bay. Tùy theo từng trường, tỉnh chỉ đạo những hình thức hoạt động vui chơi tập thể, lành mạnh, ấn tượng cho học sinh. Sở Giáo dục và Đào tạo khuyến khích học sinh không bọc vở bằng bìa ni lông. Từ ngày 19/8, các trường trên địa bàn Thừa Thiên Huế đều đã nhập học để dự phòng thời gian bị thiên tai bão lụt. Tuy nhiên, lần đầu tiên sau nhiều năm, các trường học không tiến hành khai giảng thử.

Lá thư xúc động của em Nguyễn Nguyệt Linh, học sinh lớp 5M2 Trường Marie Curie (Hà Nội) là niềm cảm hứng để Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế xin chủ trương và được sự đồng ý của tỉnh không thả bóng bay trong ngày khai giảng. Nếu nhập học sớm là cách ứng xử chủ động của một địa phương vùng thường xuyên bị bão lụt đe dọa thì cùng với không thả bóng bay, việc khuyến khích không bọc vở bằng bao ni lông là cách mà thầy và trò trong toàn tỉnh hưởng ứng cuộc vận động xây dựng môi trường xanh - sạch - sáng do Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ phát động.

Học sinh Trường THCS Trần Cao Vân hưởng ứng việc bảo vệ môi trường khi bao vở bằng giấy

Tại Trường THCS Trần Cao Vân (TP. Huế), cô giáo Hiệu trưởng Trần Lan Phương chia sẻ, trường có trên 1.400 học sinh, “nếu nói không với bọc sách bằng ni lông, mỗi năm học sẽ cắt giảm được hàng chục ngàn túi ni lông bị thải ra môi trường. Chúng tôi rất vui, vì phong trào này đang dần dần lan tỏa trong nhiều trường học”. Thiết nghĩ, đó là những khởi đầu cho việc hình thành nên những thói quen tốt, rất cần thiết cho học sinh, tạo dựng bầu không khí giúp các em học sinh học tập hiệu quả; mặt khác, giúp các em phát triển các phẩm chất đạo đức, thẩm mỹ… và xa hơn, chung tay cho việc xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở nên đẹp hơn, văn minh hơn.

Hai trăn trở lớn

Năm học 2018 - 2019, dự thi học sinh giỏi Quốc gia, học sinh tỉnh Thừa Thiên Huế có 52 giải, trong đó có 3 giải nhất, 11 giải nhì, đặc biệt có 1 học sinh đạt huy chương đồng Kỳ thi Olympic vật lý châu Á. Đó được xem một kết quả khá nhưng chưa xứng tầm với vị thế của một vùng đất học như Thừa Thiên Huế. Kết quả kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia 2019 lại mang tới một ưu tư khác khi 2 môn thi ngoại ngữ và lịch sử, Thừa Thiên Huế có rất nhiều thuận lợi lại đạt điểm thấp.

Năm học mới đã đến, vẫn còn đó những thống kê buồn khi toàn tỉnh có tới 287 phòng học xuống cấp (chiếm tỷ lệ 4,08%), trong đó ở huyện Phú Vang và Quảng Điền, tỷ lệ này lần lượt là 8,3% và 7,6%. Cùng với nỗi lo đó là chuyện có tới 382 phòng học bộ môn (chiếm tỷ lệ 26%) chưa đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo và 505 nhà vệ sinh (chiếm tỷ lệ 16,8%), riêng huyện Phú Lộc là 29,3% và Phú Vang 23,6% chưa đạt chuẩn theo quy định. Đã có chương trình kiên cố hóa trường lớp học, tuy nhiên khó khăn nguồn vốn hạn chế nên nhiều trường chưa được đầu tư mà còn phải… chờ lâu.

Còn nhiều vấn đề đặt ra liên quan đến giáo dục toàn diện, công tác xã hội hóa, phân luồng giáo dục… song có thể nói trên đây là 2 trăn trở lớn của ngành giáo dục Thừa Thiên Huế khi bước vào năm học mới. Trong buổi làm việc với lãnh đạo ngành giáo dục mới đây chuẩn bị cho năm học mới, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, là vùng đất lịch sử, văn hóa và hội nhập nhưng phổ điểm hai môn lịch sử và Anh văn lại thấp nhất là vấn đề tồn tại mà ngành giáo dục cần thẳng thắn nhìn nhận. Nâng cao chất lượng giáo dục và đầu tư cơ sở vật chất để đảm bảo tốt cho việc dạy và học, tuy là chuyện “biết rồi, khổ quá, nói mãi” nhưng đã đến lúc cần đặt ra nghiêm túc, có sự đầu tư thỏa đáng và cần làm ngay.

Không chạy theo thành tích

Tại hội nghị chuẩn bị cho năm học mới 2019 - 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã yêu cầu, vấn đề đầu tiên và tiên quyết của ngành giáo dục và đào tạo địa phương là phải thay đổi nhận thức, tạo ra những đột phá trong tư duy và hành động từ quản lý giáo dục đến lãnh đạo các địa phương. Ngành giáo dục phải suy nghĩ trong định hướng giáo dục phải thay đổi được thói quen thụ động, tư duy cầu toàn và phải luôn sáng tạo.

Theo ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể được xác định là siết chặt, thực hiện hiệu quả công tác quản lý giáo dục; ngành giáo dục phải kết nối hiệu quả giữa gia đình - nhà trường - xã hội; trong chăm sóc, giáo dục phải phát triển được tài năng và kỹ năng sống cho học sinh; xây dựng môi trường giáo dục thân thiện; bản thân mỗi giáo viên phải không ngừng hoàn thiện mình để đáp ứng yêu cầu công tác; nâng cao chất lượng dạy và học môn ngoại ngữ; phối hợp với ngành lao động, thương binh và xã hội đổi mới công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở và phổ thông.

Ông Nguyễn Tân chia sẻ: “Sau mỗi hoạt động, các cơ sở giáo dục, thầy cô giáo tham gia phải cho thấy được kết quả một cách rõ ràng. Nếu kết quả tốt thì tiếp tục phát huy. Nếu chưa tốt thì rút kinh nghiệm và quyết tâm thực hiện hoạt động sau hiệu quả hơn. Ngành giáo dục và đào tạo Thừa Thiên Huế cương quyết không chạy theo thành tích”.

Theo baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 12.310.008
Truy câp hiện tại 3.291