Tìm kiếm tin tức
Suy nghĩ về chữ "khéo" trong câu nói của Bác Hồ
Ngày cập nhật 29/09/2015
Ông Dương Vân Trình nguyên Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế

Đồng chí Dương Vân Trình, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã có bài viết Suy nghĩ về chữ "khéo" trong câu nói của Bác Hồ "Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công" đăng trên Đặc san kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng do Ban Dân vận Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế phát hành. Nhân kỷ niệm 85 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2015), xin giới thiệu bài viết của đồng chí Dương Vân Trình.

Tuy đã nghỉ hưu nhưng năm nào tôi cũng đọc lại bài Dân vận của Bác Hồ đăng trên báo Sự Thật số 120 ngày 15/10/1949 để suy nghĩ và cố gắng thực hiện những điều Bác dạy vào cuộc sống hàng ngày. Năm nay chúng ta kỷ niệm lần thứ 80 ngày thành lập ngành Dân vận của Đảng, tôi bày tỏ những suy nghĩ của mình về chữ “Khéo” trong câu “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” của Bác Hồ.

Khi muốn vận động quần chúng thực hiện một đường lối, chủ trương nào của Đảng, tôi nghĩ trước tiên là phải đến với dân ở nơi cư trú hoặc nơi làm việc với cả tấm lòng chân thực và kính trọng của mình. Chứ không phải chỉ ngồi viết chỉ thị hoặc cấp trên về ra lệnh cho cấp dưới. Chúng ta thấy Bác Hồ ra tận trận địa pháo để động viên thăm hỏi bộ đội, Bác đi trên cánh đồng thăm lúa, thăm khoai và trò chuyện với bà con nông dân.

Đến với dân là để tận mắt thấy dân làm ăn thế nào, tận tai nghe dân nói những điều mừng và lo, những điều thông suốt và điều còn băn khoăn, những ý kiến chung và ý kiến riêng tư… Như vậy là tai nghe nhưng óc phải phân tích, sắp xếp những ý kiến thuận và ý kiến chưa thuận, vì sao chưa thuận? Từ đó suy nghĩ, lựa lời mà nói với dân, lấy ý kiến thống nhất của dân mà trao đổi lại với ý kiến chưa thống nhất trong dân. Dân ta hay nói: “Lời nói không mất tiền mua,  lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Ở đây là lựa lời mà nói cho trúng ý Đảng và thuận lòng dân. Dựa vào dân để thuyết phục dân, có khi phải sử dụng tiếng nói từ nhiều phía: bạn bè, láng giềng, dòng tộc, đồng nghiệp… Đặc biệt là lấy các tấm gương tiêu biểu có ảnh hưởng rất lớn. Bởi vậy, người cán bộ làm công tác dân vận phải biết trân trọng các tấm gương tiêu biểu, phải thường xuyên bồi dưỡng xây dựng họ ngày càng tốt hơn, sáng hơn trên các lĩnh vực dân tộc, tôn giáo, công nhân, trí thức… Điều cần tránh ở đây là không nói dài dòng tỏ ra mình hiểu nhiều, biết nhiều, mà phải nói cho đúng điều dân muốn nghe để giải toả những băn khoăn vướng mắt khi thực hiện chủ trương chính sách của Đảng.

Người làm công tác dân vận phải rèn luyện cho được đức tính bình tĩnh, kiên trì. Khi vận động mà có người chưa nghe thì đừng nóng vội mà phải tự hỏi mình vì sao? Tuyệt đối đừng vội đổ lỗi cho kẻ xấu kích động lôi kéo rồi đối xử với quần chúng như đối xử với kẻ xấu. Nếu có hiện tượng kẻ xấu lợi dụng thì phải xem xét chúng đã lợi dụng ở chỗ sơ hở nào? để từ đó xác định cách khắc phục chỗ sơ hở đó. Khi có nhiều quần chúng chưa đồng thuận thì phải đi sâu xem xét phân hoá để vận động từng đối tượng một.

Nói cho mọi người dân thông suốt, đồng thuận với đường lối chủ trương của Đảng đã là một thành công lớn, nhưng chưa đủ mà còn phải động viên khuyến khích dân tham gia và tổ chức cho dân làm lại còn quan trọng hơn. Dân ta thường nói: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Đó là một câu tổng kết từ thực tiễn cách mạng của Đảng. Bởi vậy, dân vận không phải chỉ vận động bằng lời nói mà bằng cả hành động. Người cán bộ, đảng viên vận động quần chúng bằng cả hành động thực tiễn, chung tay, chung sức với dân. Phải bày tỏ sự hiểu biết và tâm huyết của mình trong việc làm cụ thể. Chính kết quả của việc làm có sức thuyết phục và thúc đẩy mạnh hơn nhiều lời nói. Vì vậy công tác dân vận nói phải đi đôi với làm, nói ít làm nhiều.

Sau mỗi đợt vận động quần chúng thực hiện mỗi chính sách chủ trương của Đảng, người cán bộ dân vận phải nhìn lại cả quá trình để nhìn thấy việc gì khéo, việc gì chưa khéo để rút ra bài học cho lần sau làm khéo hơn.

Chữ “Khéo” của Bác Hồ ý rất sâu và rộng, tuy bản thân suy nghĩ và làm theo nhiều nhưng chắc chưa thấu. Nhưng từ cái được và cái chưa được của mình tôi nghĩ người cán bộ làm công tác dân vận trước hết phải là người gần gũi dân, tin yêu và kính trọng dân. Nghe nhiều hơn nói, nói và làm đi đôi với nhau, làm nhiều nói ít càng hay.,.

Phạm Viết Hồng (sưu tầm)
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 12.312.124
Truy câp hiện tại 4.120