Tìm kiếm tin tức
VĂN HÓA DÂN VẬN TRONG MỐI QUAN HỆ GIỮA ĐẢNG VÀ DÂN
Ngày cập nhật 02/10/2015

Văn hóa dân vận là một khái niệm mới được hiểu như một thuật ngữ ghép, tức là: Thái độ ứng xử có văn hóa trong việc tuyên truyền, vận động, tiếp xúc, giáo dục nhân dân. Gần đây người ta nói nhiều đến sự hiện diện của các nhân tố văn hóa vào các lĩnh vực đời sống: văn hóa giao thông, văn hóa kinh doanh, văn hóa gia đình, văn hóa công sở, văn hóa phê bình và tự phê bình, văn hóa Đảng, v.v..

Nói là mới, nhưng thực ra bản chất của vấn đề văn hóa dân vận không hoàn toàn mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ năm 1956 trong Bài nói chuyện tại lớp nghiên cứu Chính trị khóa I, Trường Đại học nhân dân Việt Nam có nói: Thời gian lớp học thì ngắn, nên việc nghiên cứu của các bạn ví như một hạt nhân bé nhỏ, có thể tóm tắt trong 11 chữ sau: "Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân". Minh minh đức tức là chính tâm. Thân dân tức là phục vụ nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết1. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân ta đã sáng tạo nhiều thành ngữ sống mãi cho đến tận hôm nay: Quân và dân như cá với nước; Đi dân nhớ, ở dân thương, v.v.. Trong quân đội cách mạng của ta ngay từ đầu kháng chiến gian khổ ở cả hai giai đoạn chống Pháp và chống Mỹ đã ban hành điều lệnh: "Không lấy một cây kim sợi chỉ của dân". Với lực lượng công an nhân dân trong sáu điều dạy của Bác Hồ có lời giáo huấn thân ái: Đối với nhân dân phải kính trọng, lễ phép.

Nước ta là một nước văn hiến, "đứng hàng đầu Trung Châu, không nhường Hán – Ngụy". Nền văn hiến đó bao chứa nhiều giá trị văn hóa giữ nước trong đó hàng đầu và trung tâm là văn hóa giữ dân. Nói dân tộc ta có sức sống trường tồn, không bị đồng hóa trước âm mưu thôn tính của kẻ thù, quật cường đứng lên chống ngoại xâm là nói sức mạnh của dân, trách nhiệm của dân và lợi ích vì dân. Điều này thấy rõ dưới thời Trần. Chính sách "khoan sức dân" để làm kế gốc sâu, rễ bền được coi là thượng sách để giữ nước. Thời nhà Trần có lệ đặt chuông ngay trước Cung điện nhà vua để dân có oan ức thì kêu oan bằng những tiếng chuông giục giã, vua sẽ trực tiếp phán xử. Đó là việc làm công bằng, minh bạch. Thấy được nguồn lực to lớn của dân, các vua Lý, Trần đều có chính sách khuyến nông, an dân, dựa vào dân mà giữ nước.

Cảm hứng chủ đạo thương dân, biết ơn dân trong thơ, văn của đại thi hào Nguyễn Trãi rất dạt dào mà những câu thơ sau là tiêu biểu: "Chăn lạnh choàng vai đêm chẳng ngủ. Suốt đời ôm mãi nỗi lo dân"; "Ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày"... thấy được sức mạnh to lớn của dân: Dựng gậy làm cờ, dân chúng bốn phương tụ họp...

Dưới thời đại Quang Trung, người anh hùng áo vải "oai vũ mà nhân hậu", trong nhiều bài thơ, hịch, dụ, chiếu, biểu... vị minh quân nói rõ yêu nước đồng nghĩa với thương dân. Nước với dân có quan hệ khăng khít. Nước một ngày không thể không có vua. Việc Quang Trung xưng Hoàng đế biết là bất đắc dĩ, nhưng vì "ứng mệnh trời, thuận lòng người". "Vua không dân thì cùng ai giữ nước?". Trong Chiếu lên ngôi,đường lối chính trị của Quang Trung thật minh bạch: "Trẫm nay có cả thiên hạ, sẽ dìu dắt dân vào đạo lớn, đem dân lên cõi đài xuân", "để kéo dài phúc lành cho tôn miếu, xã tắc". Hịch Tây Sơn mở đầu: "Sinh dân phải nuôi dân làm trước". Ý nghĩa văn hóa của những tuyên ngôn vừa nói nằm ở đường lối dân vi bản, giữ chặt lòng người.

Trong thời đại chúng ta, nhất là từ sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, biểu tượng của nền văn hiến Việt Nam, đồng thời cũng là của văn hóa dân vận. Để xây dựng nước ta từ nền dân chủ cộng hòa thành nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa, giương cao hai ngọn cờ: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Người biết rất sớm, rất rõ sức mạnh, quyền hành, lực lượng ở nơi dân. Tất cả các chính sách dân vận của Người và của Đảng vừa có tiếp thu tự giác truyền thống khoan sức dân, an dân, giữ chặt lòng dân của các vị anh hùng dân tộc, của các vị minh quân, vừa thấm sâu mối quan hệ biện chứng giữa nước và dân, giữa lãnh đạo và bị lãnh đạo, giữa công quyền và dân quyền. Nhưng tất cả và cao hơn cả đều đi đến mục tiêu: Lợi ích vì dân, quyền hạn của dân, trách nhiệm của dân, công việc của dân.

Nói văn hóa dân vận là nói mối quan hệ giữa Đảng, lãnh đạo công quyền và dân quyền. Điều này đòi hỏi mọi chính sách của Đảng, Nhà nước phải thấm nhuần phương châm giữ chặt lòng dân, tức là phải hiểu rõ tâm trạng, nguyện vọng, niềm tin của đối tượng mà mình lãnh đạo. Muốn lãnh đạo có hiệu quả thì cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đã đành, nhưng còn phải có tài năng, cán bộ lãnh đạo càng cao tính gương mẫu càng phải sáng, tài năng phải được phát lộ ở trình độ tổng kết lý luận và phương pháp giải quyết thực tiễn, chứ không nên chỉ nói mà không làm, nói nhiều chuyện không sát thực tế, thiếu lượng thông tin. Bàn về báo chí kiểu mới, V.I. Lênin đã khuyên hãy bớt "nói huyên thuyên về chính trị"2, "hãy bớt nói chính trị, bàn suông tán nhảm về chính trị, hãy bớt lý luận theo kiểu trí thức, hãy gần đời sống dân nhiều hơn nữa"3.

Trong quan hệ giữa Đảng, chính quyền và nhân dân hiện nay có nhiều chuyện đáng bàn, thậm chí có nhiều chuyện hết sức bức xúc, nhạy cảm thật đáng lo ngại. Xin nêu ba hiện tượng:

Một là, hiện tượng xa dân của một số cán bộ: Một bộ phận đảng viên thường ngại sinh hoạt (trong cơ quan thì với cán bộ nhân viên ngoài Đảng; ở khu phố thì với nhân dân nơi cư trú hoặc tổ dân phố). Nếu có sinh hoạt thì thiếu nghiêm túc phê bình và tự phê bình, sợ ý kiến đóng góp của người ngoài Đảng. Trong lúc đó, họ có đủ mánh khóe để chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, v.v.. Không chỉ cho mình mà cho cả "êkíp" của mình. Họ thường ngại xuống cơ sở, nhưng lại đầy nhiệt tình hào hứng xách cặp đi nước ngoài. Họ vừa giấu dốt, không dựa vào chuyên gia, "dị ứng" đối với người tài, vừa ít chịu khó đọc sách, xem báo để nâng cao kiến thức. Một số cấp ủy đảng ở các cơ quan khoa học, văn hóa, giáo dục thường ngại kết nạp những trí thức giỏi, vì họ có cá tính, sợ người ta hơn mình. Nguyên nhân của tình trạng trên thì có nhiều, nhưng rõ rệt nhất là tâm lý hẹp hòi, đố kỵ, thẻ đảng ở trong túi họ, muốn ban phát cho ai thì người ấy được; còn không, là không; sự quan liêu của thủ trưởng cơ quan trực tiếp; sự trì trệ của không ít các ban bệ thanh tra, kiểm tra cấp trên...

Hai là, để phương châm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra đi vào đời sống có hiệu lực, người dân cần được thông tin. Không có thông tin, "nghèo đói thông tin", thông tin không chính xác, thì nói chi đến chuyện bàn, làm, kiểm tra? Không có thông tin, kiến thức, người dân đứng bên lề chính trị. Nhiều năm gần đây, hiện tượng tán phát tài liệu bất hợp pháp, xuất bản nhiều cuốn hồi ký xuyên tạc sự thật, gièm pha, mạt sát đồng nghiệp, thậm chí phản bội sự nghiệp đổi mới, phủ nhận chủ nghĩa Mác, rồi chuyện tiếu lâm lành có, dữ có về các vị lãnh đạo cấp cao, v.v. vẫn trôi nổi trong dòng chảy công luận. Chưa hết, hiện tượng thi hành kỷ luật những cán bộ tham nhũng, hối lộ, tuyên án một số vụ án hình sự, v.v. cũng theo kiểu "giơ cao đánh khẽ", "hôm nay đúng, mai sai, ngày kia lại đúng", v.v. vẫn được bàn tán trong dân. Đã đến lúc cần được giải quyết dứt điểm, không để cho tình trạng dân chủ cực đoan làm vẩn đục dư luận xã hội. Muốn vậy, cần dân chủ hóa, công khai hóa một số thông tin nóng. Việc này hết sức hệ trọng đối với công tác dân vận. Chúng ta không sợ các loại thù địch lợi dụng. Bởi bản chất chúng là lợi dụng, xuyên tạc, mị dân. Chúng ta chỉ sợ dân biết không đến nơi đến chốn, lẫn lộn trắng đen, đúng sai, không biết dâu là đúng để mà tin. Trừ một số thông tin tối mật có tính chất quốc gia đại sự để bảo vệ Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ, còn lại thì thông tin dân biết, mà tin yêu Đảng hơn. Trên thực tế, các cơ quan chức năng không thông tin đầy đủ, có tổ chức, thì người dân sẽ nghe các nguồn thông tin khác qua các kênh truyền thông, qua internet hoặc báo chí nước ngoài. Mất lòng tin vào Đảng, vào chế độ thì một bộ phận chạy trốn tìm đến tôn giáo và các loại tín ngưỡng si mê, cuồng tín. Như vậy là ta mất dân vì không dựa vào dân. Ở Tây Nguyên có một câu nói của dân thành khẩu hiệu: "Đảng đi xa, đức Cha lại gần".

Ba là, văn hóa dân vận không chỉ bó hẹp trong các phương thức tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước, mà còn là quá trình giáo dục, thuyết phục để họ có cơ hội nhận thức, tái nhận thức. Tính gương mẫu của cán bộ lãnh đạo được coi là tấm gương soi cho cấp dưới và toàn dân. Đó là dấu hiệu của văn hóa. Tính gương mẫu, uy tín xã hội của đội ngũ lãnh đạo trong thời hiện đại không chỉ được thể hiện ở việc lập đức (lối sống, nếp sống, cách ứng xử, v.v.) mà còn ở lập ngôn (trí tuệ, tài năng, bản lĩnh chính trị...), lập công (hiệu quả xã hội do chức trách đưa lại). Văn hóa dân vận trước hết là phải giáo dục cho mọi người (không trừ ai) hiểu sâu mọi giá trị truyền thống lịch sử - văn hóa dân tộc, những kiến thức dự báo được tình hình và xu thế phát triển của đất nước, động lòng trắc ẩn với mọi số phận và mọi góc cạnh, tâm trạng của con người, làm cho người dân, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, dù có trình độ hiểu biết như thế nào đều phải vượt qua chính mình. Xét theo nghĩa đó thì dân tộc ta có bề dày văn hóa ứng xử đối với tự nhiên, đối với xã hội và đối với con người. Chỉ xin lấy hai ví dụ: Ví dụ thứ nhất phê bình và tự phê bình là quy luật của phát triển, là sự tự giác trưởng thành của từng cá nhân, bắt đầu từ bước nhỏ cá nhân để đi đến bước lớn xã hội. Không thể một lúc giáo dục, sửa chữa được toàn xã hội, nhưng có thể sửa chữa được lỗi lầm của từng cá nhân. Đó là chuyện của dân vận mà trọng tâm là đối tượng sau: "Cán bộ, đảng viên có chức, có quyền phải biết vượt qua quyền lực và mọi dục vọng, phải biết "tri túc", biết chỗ dừng. Nếu ngược lại, con người bắt đầu sôi sục tham vọng, vơ vét của cải của dân, ham muốn công danh vô độ thì đó là loại người không đủ nhân cách làm công bộc của dân. Ở chỗ này, văn hóa dân vận không chỉ dừng lại ở giáo dục, mà phải nghiêm khắc từ nội bộ Đảng ra ngoài quần chúng, từ trên xuống dưới: yêu cầu xử lý nghiêm khắc, quản lý nghiêm khắc, giám sát nghiêm khắc, kỷ luật và pháp luật được thi hành đến nơi đến chốn, công khai, minh bạch. Ở Trung Quốc, trong quá trình xây dựng Đảng và công tác dân vận, có nêu một thuật ngữ đáng suy nghĩ: "Phong cách Đảng".

Ví dụ thứ hai: Văn hóa dân vận là phải giáo dục cho mọi người dân cần có thái độ văn minh, ứng xử văn hóa đối với thiên nhiên và môi trường tự nhiên. Thiên nhiên là cái nôi của môi trường sống, nguồn cung cấp năng lượng to lớn cho con người. Vì vậy, người dân bao gồm cả các công ty của Nhà nước phải biết khai thác có kế hoạch, không can thiệp tự phát, không làm gì thù địch với thiên nhiên. Con người không chỉ khai thác thiên nhiên, mà phải có thái độ, hành động ứng xử có văn hóa đối với thiên nhiên vì đó là "rừng vàng biển bạc". Phong trào Tết trồng cây do Bác Hồ phát động không chỉ có lợi ích trước mắt: Có gỗ làm nhà, đi đường có cây cao bóng mát nghỉ ngơi, mà xa hơn là cây cối sẽ ảnh hưởng đến khí hậu và sức khỏe của dân. Đó là ý nghĩa nhân văn, biểu tượng văn hóa ứng xử của một phong trào bảo vệ thiên nhiên. Quan điểm xây dựng nông thôn mới của Bác Hồ cũng rất hiện đại, được thể hiện ở chỗ không chỉ xây dựng nhà ở cho đàng hoàng, mà còn cần chiến lược trồng cây gây rừng để có cây ăn quả, cây công nghiệp, hình thành "bức tường" để chống gió cát, bảo vệ ruộng đồng, chống xói mòn, v.v.. Thiên nhiên đang "trả thù" con người. Vì vậy, việc bảo vệ thiên nhiên nhằm khắc phục sự biến đổi khí hậu toàn cầu đang nóng lên là một nhiệm vụ chiến lược lâu dài của tất cả các nước. Ở nước ta, những hành vi vô luân như phá rừng, đốt rừng, hủy hoại môi trường tự nhiên và môi trường sinh thái của bọn lâm tặc, và gần đây, chính ngay giữa lòng đất Thủ đô, bọn chúng đã ngang nhiên cưa đốt cây xanh; trong đó có nhiều cây sưa quý hiếm, không chỉ phá hủy tài sản quốc gia, mà còn hủy hoại môi trường sống của người dân đô thị. Những hiện tượng đó vượt ra ngoài hình thức giáo dục của văn hóa dân vận, mà đó là hành vi chống đối thiên nhiên, chống đối kỷ cương phép nước cần được trừng trị đích đáng, kịp thời, trong đó có hình phạt bằng kinh tế. Văn hóa dân vận là văn hóa bao dung, thương người, trọng dân. Muốn thương dân, trọng dân không thể dừng lại ở các biện pháp tuyên truyền, vận động, giáo dục, mà cần có trăm phương, nghìn kế tiến hành đấu tranh liên tục, đồng bộ, không khoan nhượng đối với mọi hiện tượng tiêu cực như: tham nhũng, lãng phí, hối lộ, bọn lâm tặc, những kẻ chống người thi hành công vụ, v.v.. Khi các biện pháp giáo dục, thuyết phục hết hiệu lực, dù có gian khổ, phức tạp đến mấy cũng tiến hành đấu tranh quyết liệt. Lòng dân đã quyết, sức dân đã mạnh, chỉ chờ những quyết sách của Đảng, những thực thi công minh của pháp luật, mà trước hết là những kế sách về cơ chế, tổ chức, cán bộ từ trong Đảng ra ngoài quần chúng, từ cấp lãnh đạo cao nhất đến cán bộ cơ sở.

                                                                                                                                       

GS. VS. HỒ SĨ VỊNH
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 12.311.882
Truy câp hiện tại 4.014