Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà đến dự diễn đàn
Diễn đàn là cơ hội để cán bộ, hội viên, phụ nữ có các ý kiến, trao đổi thảo luận nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Từng bước phát huy tốt vai trò giám sát của tổ chức Hội, của phụ nữ đối với việc thực hiện chính sách, luật pháp liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ và trẻ em. Cùng nhau chia sẻ biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em.
Nhiều kinh nghiệm, cách làm hay
Tại diễn đàn, nhiều kinh nghiệm, cách làm hay để bảo vệ phụ nữ và trẻ em được các cơ sở hội chia sẻ, chị Bùi Thị Thu Hằng, thành viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) “Tư vấn, hỗ trợ một số vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em cấp thành phố” của Hội LHPN TP. Huế cho biết: Để bảo vệ quyền và và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ và trẻ em, CLB đã được Hội LHPN TP thành lập đầu năm 2019.
Từ khi thành lập đến nay, mô hình đã tiếp nhận 2 đơn thư liên quan đến phụ nữ. Trong đó, một đơn thư về hành hung phụ nữ ở phường Hương Sơ nhanh chóng được Ban chủ nhiệm CLB tìm hiểu và phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết. Kết quả đã được cơ quan điều tra Công an TP. Huế thụ lý và tổ chức hòa giải. Hiện còn đơn thư về tranh chấp đất đai ở phường Phú Bình.
Ngoài ra, CLB còn tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, trao đổi các vấn đề về kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc; phòng, chống xâm hại trẻ em cho hơn 1.000 lượt cán bộ, hội viên tại cơ sở; phối hợp với một số phường và trường học tổ chức truyền thông phòng chống xâm hại trẻ em và phòng, chống đuối nước cho 1.027 học sinh và trên 30 thầy, cô giáo. Qua đó giúp các em có những kỹ năng xử lý, đối phó kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng khoa Tâm lý giáo dục Trường đại học Sư phạm Huế chia sẻ, trao đổi tại diễn đàn
Trong khi đó, chị Hồ Thị Mộng Vân, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Hương Vinh, thị xã Hương Trà cho biết: "Hội đã thành lập CLB Phòng, chống bạo lực gia đình. Những mâu thuẫn bạo lực gia đình được các thành viên CLB vào cuộc phân tích, hòa giải để ngăn chặn kịp thời. “Nhờ đó, người địa phương hiểu được bạo lực gia đình không chỉ đem lại nỗi đau thể xác lẫn tinh thần cho người trong cuộc, mà đó còn là hành vi vi phạm pháp luật, từ đó mọi người cởi mở hơn, chịu nói ra tâm sự của mình và cùng nhau khắc phục”, chị Vân tự hào.".
Cách mà Hội LHPN xã Phú Thượng, huyện Phú Vang nêu lên tại diễn đàn là tổ chức các buổi nói chuyện các vấn đề liên quan đến bạo lực gia đình, bình đẳng giới, nhất là các vụ việc xâm hại trẻ em đang được dư luận xã hội quan tâm để chị em tham gia thảo luận và tìm cách xử lý khi không may rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Tại diễn đàn, nhiều kinh nghiệm cho các bậc cha mẹ trong việc dạy dỗ, giáo dục, hướng dẫn các kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục cho trẻ em cũng được Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng khoa Tâm lý giáo dục Trường đại học Sư phạm, ĐH Huế thông tin, chia sẻ.
Phát huy vai trò giám sát
Diễn đàn còn trực tiếp phân tích những cái được và chưa được của các cấp hội trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; giám sát việc thực hiện chính sách, luật pháp liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ và trẻ em.
Thời gian qua, các cấp hội đã chủ động đăng ký với cấp ủy, chính quyền cùng cấp tham gia giám sát việc thực hiện một số chính sách xã hội. Đó là phối hợp tham gia giám sát công tác phòng, chống bạo lực gia đình và xâm hại trẻ em tại các huyện, thị, TP. Huế; giám sát chất lượng nâng cấp, sửa chữa một số khu vực tại chợ Đông Ba; giám sát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và công tác phòng cháy, chữa cháy.
Các cấp hội phối hợp với MTTQVN và các đoàn thể các cấp thực hiện giám sát bình xét hộ thoát nghèo; chính sách hỗ trợ người có công cách mạng và hộ nghèo tại địa phương; giám sát đầu tư cộng đồng... Nhờ đó, đã kịp thời nắm tình hình, tâm tư, nguyện vọng của hội viên, dư luận xã hội để phản ánh đến cấp có thẩm quyền giải quyết tốt các vấn đề liên quan đến phụ nữ từ cơ sở.
Hội viên tham gia ý kiến tại diễn đàn
Tuy vậy, nhiều khó khăn cũng được các cấp hội đưa ra tại diễn đàn, trong đó tập trung vào việc nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền ở nhiều địa phương, đơn vị về bình đẳng giới, về vai trò, năng lực của phụ nữ còn hạn chế. Định kiến về giới tồn tại dai dẳng trong nhận thức chung của xã hội do ảnh hưởng tư tưởng Nho giáo và tập tục phong kiến lạc hậu từ lâu đời. Mặt khác, hoạt động của các cấp hội LHPN chưa giải quyết tốt một số vấn đề thực tiễn đặt ra, nhất là những vấn đề xã hội bức xúc liên quan tới phụ nữ; việc tham mưu, đề xuất với Đảng và Nhà nước về công tác phụ nữ trong từng thời kỳ còn rất hạn chế; một bộ phận phụ nữ còn tự ti, an phận, chưa chủ động vượt khó vươn lên.
Kết luận tại diễn đàn, chị Lê Thị Hồng Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh mong muốn các cấp hội thay đổi cách làm; chủ động và sáng tạo hơn nữa trong tiếng nói và hành động. Khẳng định năng lực bản thân qua những việc làm và kết quả cụ thể. Đồng thời các cấp hội phải phối hợp các ban ngành để tạo được tiếng nói chung khi tham gia giải quyết các vấn đề về phụ nữ và trẻ em.
Chị Trần Thị Kim Loan, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Thông qua diễn đàn các cấp hội sẽ rút ra bài học kinh nghiệm, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác giám sát, phát huy dân chủ trong đóng góp ý kiến, phản biện xã hội; đồng thời mạnh dạn kiến nghị, đề xuất chính sách, pháp luật liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ; tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức Hội, xây dựng Đảng, chính quyền.