Tìm kiếm tin tức
Tạo sự nhất quán trong nhận thức, hành động
Ngày cập nhật 16/07/2019
Theo đề án, sau khi sáp nhập, hai xã Hương Giang và Hương Hòa (Nam Đông) sẽ có tên gọi mới (Trong ảnh: Trụ sở UBND xã Hương Giang)

Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã là nhiệm vụ quan trọng giai đoạn 2019-2021, trong đó khâu tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, Nhân dân phải được quan tâm hàng đầu.

7 đơn vị hành chính cấp xã phải sắp xếp

Ông Bạch Chơn Đông-Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, căn cứ tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số thì Thừa Thiên Huế không có đơn vị hành chính cấp huyện nào thuộc diện cần tổ chức sắp xếp, chỉ có đơn vị hành chính cấp xã.

Theo đó, toàn tỉnh có 7 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện cần sắp xếp giai đoạn 2019 – 2021, đó là các xã: Hồng Tiến (TX. Hương Trà), Vinh Hải (Phú Lộc), Bắc Sơn, A Đớt, Hồng Quảng (A Lưới), Hương Giang (Nam Đông), Vinh Phú (Phú Vang).

Theo phương án tổng thể của UBND tỉnh, các xã sẽ nhập về với nhau bao gồm: Hồng Tiến với Bình Điền; Vinh Hải với Vinh Giang; Bắc Sơn với Hồng Trung; Hồng Quảng với Nhâm; A Đớt với Hương Lâm; Hương Giang với Hương Hòa; và Vinh Phú với Vinh Thái.

Nguyên tắc sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã phải đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số; đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán. Việc đặt tên xã sau khi sáp nhập cũng đảm bảo yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa và tên gọi cũ của các đơn vị hành chính trước đây; đảm bảo công khai, dân chủ.

Ông Dương Hoàng Giang, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Phú Vang cho biết: “Khi sáp nhập xã Vinh Phú với xã Vinh Thái thì xã mới có diện tích tự nhiên là 27,07km2 (đạt 90,23%), dân số 9.113 người (đạt 113,91%). Xã mới có ưu điểm về giao thông, có vùng đầm phá rộng lớn, thuận lợi cho việc phát triển kinh tế đầm phá”. 

Đến thời điểm này, UBND các huyện, thị, TP. Huế đã và đang xây dựng đề án cụ thể để thực hiện việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã. Ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục để tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, nhất là người dân các xã nằm trong kế hoạch sắp xếp, sáp nhập, thì việc lấy ý kiến của cử tri trên địa bàn các xã có liên quan là vấn đề hết sức quan trọng. 

“UBND huyện đã và đang đốc thúc, chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp xã tổ chức lấy ý kiến về đề án, phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo đúng quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị định số 54/2018/NĐ – CP ngày 16/4/2018 của Chính phủ. Làm thế nào để người dân đồng thuận, nhất trí cao với chủ trương này là vấn đề đặt ra của Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy và các cấp ủy Đảng, hệ thống chính trị, chính quyền địa phương trên địa bàn huyện. Ban chỉ đạo của tỉnh, địa phương, ban, ngành cần tăng cường hơn nữa công tác lãnh, chỉ đạo để sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã đạt kết quả cao như kế hoạch đã đề ra”, bà Lê Thị Thu Hương, Bí thư Huyện ủy Nam Đông đề xuất.

Cùng với việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã, việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn để hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn cũng được đặt ra. Đi kèm với đó là thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; tập trung giải quyết chế độ, chính sách đối với những trường hợp dôi dư do sắp xếp.

Tạo sự đồng thuận

Việc sắp xếp hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã sẽ tạo sự thay đổi tích cực và tập trung được nguồn lực, phát huy tiềm năng phát triển của địa phương, phù hợp với yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, tiết kiệm chi tiêu công, góp phần nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính. Sau sắp xếp, các đơn vị hành chính cũng có thêm điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, việc hợp nhất có những khó khăn nhất định, đòi hỏi sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động.

Ý kiến một số đại biểu tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 16 (mở rộng) khóa XV diễn ra ngày 5/7 cho rằng, cần phải làm tốt công tác tuyên truyền về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã để tạo sự nhất quán trong nhận thức và hành động. Có cơ chế đặc thù cho cán bộ dôi dư sau sắp xếp, bảo đảm giữ ổn định về tư tưởng.

“Đề nghị các cấp, các ngành tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị và sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân trong quá trình thực hiện việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã. Sớm đảm bảo hoàn thiện thể chế về đơn vị hành chính, góp phần huy động mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân”, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh như vậy tại hội nghị triển khai việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021 do UBND tỉnh tổ chức vào cuối tháng 6 vừa qua.

Theo baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 12.310.890
Truy câp hiện tại 3.641