Quy định của Luật HN&GĐ và các văn bản hướng dẫn cơ bản đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với văn bản pháp luật có liên quan, như: Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Quốc tịch, Luật nuôi con nuôi...
Luật HN&GĐ và các văn bản hướng dẫn đã làm rõ hơn về chức năng, thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong thi hành, áp dụng pháp luật về HNGĐ. Qua đó, góp phần bảo đảm quyền về HNGĐ của người dân được công nhận, tôn trọng, thực hiện, bảo vệ kịp thời hiệu quả.
Hội nghị đã dành nhiều thời gian để thảo luận giữa các điểm cầu nhằm tháo gỡ những vướng mắc của các ngành, địa phương trong triển khai thi hành luật cũng như ghi nhận những điểm không phù hợp để sửa đổi, bổ sung nhằm tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong toàn quốc.
Luật HN&GĐ được Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 19/6/2014 và có hiệu lực thi hành kể từ 1/1/2015. Qua 3 năm thi hành cho thấy, Luật HNGĐ đã có những quy định đột phá về công nhận, tôn trọng, bảo vệ, đảm bảo quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Trong đó, quyền kết hôn; quyền, nghĩa vụ về nhân thân; tài sản giữa vợ và chồng; xác định cha, mẹ, con; quyền, nghĩa vụ nhân thân giữa các thành viên gia đình; cơ chế pháp lý về bảo đảm bình đẳng giới, bảo vệ bà mẹ trẻ em, người yếu thế, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của gia đình với lợi ích cá nhân, tổ chức khác; phát huy các giá trị truyền thống, tiến bộ, văn minh của gia đình Việt Nam.