Theo ông Hùng, công tác PCTT&TKCN trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng bất thường, cực đoan được xem là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài. PCTT hiện nay phải lấy phòng ngừa là chính, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” gắn với xây dựng cộng đồng an toàn; ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai được triển khai chủ động, kịp thời và hiệu quả.
Qua thực tiễn PCTT&TKCN trận lụt lịch sử 1999, bài học kinh nghiệm chúng ta rút ra là gì?
Trong phát triển kinh tế - xã hội, cần kết hợp giải pháp công trình và phi công trình theo hướng đa mục tiêu; khôi phục, tái thiết sau thiên tai đảm bảo tính bền vững và yêu cầu xây dựng lại tốt hơn; tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại, kết hợp với kế thừa những kinh nghiệm truyền thống trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, không quên tập trung nhiều nguồn lực cho lực lượng xung kích tại chỗ. Lực lượng này được bố trí tại các khu dân cư, cụm gia đình, các vùng xung yếu, điểm nóng... khi nước lũ dâng cao, hạn chế tối đa thiệt hại về người trong và sau bão, lũ.
Cuối cùng là chủ động trong dự báo, cảnh báo, phòng, chống lũ quét, sạt lở đất tại những khu vực dân cư tập trung và trọng điểm về kinh tế, xã hội. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo của Đài Khí tượng thủy văn (KTTV) tỉnh (bao gồm thiết bị, công nghệ, người giỏi nghề).
Với đặc thù thường xuyên đối mặt với thiên tai, Thừa Thiên Huế có cách làm hay nào có thể nhân rộng cho các địa phương khác?
Ngoài 4 tại chỗ, Thừa Thiên Huế còn phát huy hiệu quả phương châm thứ 5 là "tự quản tại chỗ", "rút kinh nghiệm tại chỗ".
Yêu cầu đặt ra của phương châm này là cấp ủy, chính quyền địa phương lấy cơ sở làm địa bàn trọng tâm chỉ đạo, người dân tự quản, nâng cao vai trò trưởng thôn, tổ trưởng dân phố... Phải quản lý, bảo vệ người dân, chú trọng những người dễ bị tổn thương như: người già neo đơn, phụ nữ đang mang thai, người bị bệnh hiểm nghèo, người nghèo; cha mẹ quản lý, bảo vệ con cái; trường học, thầy cô bảo vệ học sinh...
Quá trình triển khai công tác ứng phó, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã sử dụng hệ thống nhắn tin SMS để điều hành, cảnh báo, dự báo thiên tai đến chính quyền các cấp và người dân để chủ động phòng chống bão, lũ. Một số địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh cũng đã triển khai hệ thống nhắn tin SMS phục vụ công tác PCTT.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã sử dụng website và mạng xã hội facebook, Zalo, Viber; phối hợp phương tiện truyền thông đại chúng thường xuyên cập tình hình diễn biến thiên tai, công tác vận hành hồ chứa nước để chủ động phòng tránh. Ngoài ra còn sử dụng hệ thống camera giám sát theo dõi hồ chứa nước được tích hợp vào đô thị thông minh và các ứng dụng khác phục vụ PCTT, sử dụng hệ thống thông tin địa lý GIS Huế...
Công nghệ hiện đại về dự báo thiên tai cũng như hỗ trợ công tác cứu hộ cứu nạn hiện được nâng cấp và ứng dụng ra sao?
Công tác dự báo, cảnh báo đã có những tiến bộ nhất định. Ngoài các bản tin trên đài, báo; cơ quan dự báo quốc gia, Đài KTTV khu vực Trung Trung bộ, Đài KTTV tỉnh đã ban hành các bản tin dự báo đến cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện, thị xã nhằm thường xuyên cập nhật bổ sung tình hình diễn biến thiên tai phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó.
Sau khi Luật Khí tượng Thủy văn có hiệu lực, hệ thống quan trắc cảnh báo chuyên dùng ngày càng phát triển và phát huy hiệu quả. Công tác dự báo, cảnh báo thiên tai đã được các cơ quan thường trực từ Trung ương đến địa phương quan tâm chỉ đạo, thường xuyên tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi sát diễn biến thời tiết nguy hiểm trong nước, quốc tế và khu vực để chủ động chỉ đạo sớm, bám sát thực tiễn, đặc biệt đối với 2 loại hình bão và lũ.
Hồ Tả Trạch, công trình quan trọng trong tích nước, giảm lũ cho hạ du. Ảnh: Văn Đình Huy
20 năm nhìn lại, nhiều người cho rằng nếu một trận lũ lụt với quy mô tương tự năm 1999 lặp lại, chúng ta có chuẩn bị cho kịch bản này không, thưa ông?
Từ sau trận lụt năm 1999, 20 năm qua, chúng ta đã xây dựng hệ thống hạ tầng thoát lũ có thể đối phó với mưa lũ như năm 1999 hoặc có thể cao hơn. Biến đổi khí hậu ngày càng khó lường. Tuy nhiên, chúng ta phải nghĩ đến các tình huống bão mạnh, siêu bão, mưa lớn, sự cố hồ chứa... nhằm xây dựng các kịch bản ứng phó khác nhau. Sẽ là thảm họa nếu chúng ta chuẩn bị không tốt, do đó, tinh thần chính vẫn là “Sẵn sàng đối diện, sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống”. Trong đó, bảo vệ tính mạng con người phải đặt lên hàng đầu.
Thừa Thiên Huế được chọn triển khai là tỉnh điển hình về PCTT? Cụ thể các tiêu chí thế nào, thưa ông?
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã hướng dẫn các nội dung triển khai xây dựng huyện, xã điển hình về PCTT; trong đó chọn 2 địa phương là huyện Quảng Điền và huyện Nam Đông; 3 xã Quảng Thọ (Quảng Điền), Vinh Hải (Phú Lộc) và thị trấn Khe Tre (Nam Đông) để triển khai xây dựng thí điểm huyện, xã điển hình trong công tác PCCT. Các huyện, thị xã và TP. Huế còn lại, mỗi địa phương chọn 2 xã/phường/thị trấn thực hiện thí điểm phường/xã điển hình trong công tác PCTT.
Để có được một mô hình điển hình về công tác PCTT cấp tỉnh, phải đạt được các tiêu chí cơ bản: Giảm thiệt hại hàng năm số người bị ảnh hưởng trực tiếp từ thiên tai; giảm thiệt hại hàng năm về kinh tế do thiên tai gây ra; hệ thống quản trị PCTT được hoàn thiện; hệ thống dự báo, cảnh báo, truyền tin được chính xác và kịp thời; năng lực, nhận thức cộng đồng không ngừng được nâng cao…
Tính đến năm 2019, toàn tỉnh có 56 hồ chứa thủy lợi, 13 hồ thuỷ điện với tổng dung tích khoảng 2 tỷ m3, công suất lắp máy 350,7MW. Nhìn chung các hồ chứa đang hoạt động bình thường. Phương án PCTT đảm bảo an toàn đập và phương án phòng chống lụt bão (PCLB) vùng hạ du đập thủy điện năm đã được các chủ hồ đập xây dựng, triển khai theo quy định.