Tìm kiếm tin tức
Hướng dẫn kỹ thuật trồng sen lấy hạt
Ngày cập nhật 19/02/2020

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, để trồng sen lấy hạt đạt hiệu quả và mang lại năng suất cao, cần thực hiện đầy đủ các bước theo nội dung hướng dãn như sau:

I. Đặc điểm chung

Cây sen có nguồn gốc ở Châu Á, xuất phát từ Ấn Độ sau đó lan qua Trung Quốc và các vùng khác. Cây sen lấy hạt có tên khoa học Nemlumbo nucifera Guerin. Hầu hết các bộ phận của cây sen đều có giá trị sử dụng, hạt sen giàu chất dinh dưỡng, được dùng trong chế biến thực phẩm, chế biến bánh, mứt, làm thuốc,…

Cây sen được trồng nhiều ở ao hồ, vùng có địa hình thấp trũng đã chọn sen là một trong những cây trồng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên cho hiệu quả kinh tế khá cao.

Ở Thừa Thiên Huế cây Sen lấy hạt được trồng tại các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc, Phú Vang, thị xã Hương Trà và đặc biệt khu vực kinh thành Huế đã trở thành cây truyền thống gắn liền với thương hiệu sen Huế.

II. Các biện pháp kỹ thuật thâm canh cây Sen lấy hạt

1. Thời vụ trồng

Chủ yếu theo kinh nghiệm ở mỗi địa phương, tại Thừa Thiên Huế thường trồng vào tháng 12 đến tháng 02 dương lịch và thu hoạch lần 1 khoảng tháng 5 đến tháng 7, thời gian thu hoạch kéo dài 40-50 ngày, sau đó cây sen tàn dần.

Trồng trên vùng đất có đê bao chống lũ triệt để có thể tăng vụ tăng vụ, tuy vậy vụ trồng tháng 9-10, ít ra hoa cho năng suất rất thấp.

2. Giống và phương pháp trồng

Cây sen hiện có nhiều giống phổ biến: Sen đỏ, sen mun, sen diệp, sen phương nam, sen thái…Trên địa bàn Tỉnh hiện nay có nhiều giống sen cao sản nhập từ các Tỉnh khác về và một số giống sen địa phương đã có từ lâu như sen hồng, sen trắng trẹt lồi, trẹt lõm, sen hồng Phú Mộng, sen Gia Long, sen Đỏ ợt. Trong đó giống sen hồng Phú Mộng, sen Đỏ ợt và sen cao sản được trồng phổ biến.

Giống trồng có thể lấy hạt, hoặc lấy ngó (thân ngầm), thường dùng ngó trồng để rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây sen. Giống Sen đem trồng phải đạt 2 tiêu chuẩn: Có 2-3 lá mập khỏe, đường kính lá lớn của cây giống là 30cm, không để cây dập lá hay gãy cọng hoặc gãy thân ngầm. Nếu gieo hạt được tiến hành loại bỏ vỏ phía đầu, ủ hạt nhiệt độ 25-300C trong môi trường cát bão hòa nước đã khử trùng nhằm tránh bị nhiễm mầm bệnh thì sau 7-10 ngày cây sen sẽ mọc, sau đó tách ra để trồng (Thời gian từ gieo hạt đến lấy giống để trồng là 25 ngày).

Cách trồng: Cây con sau khi bứng từ ruộng sen phải được giữ nơi im mát, tránh ánh sáng mặt trời bức xạ làm cây héo, đem ra cấy ruộng đã được cày bừa kỹ. Cần nhẹ nhàng để tránh gãy ngó, không nên trồng quá sâu cây lâu bén rễ, không nên quá nông cây dẽ bị nỗi. Khống chế mực nước trong ruộng 20-25cm để cây mau bén rễ, kiểm tra lại mật độ sau khi trồng 10 ngày.

3. Chuẩn bị đất trồng

- Tuỳ theo điều kiện khí hậu và đất đai, mùa vụ để xác định phương pháp làm đất thích hợp. Nên trồng sen ở những vùng đất thấp trũng; tuy nhiên phải quan tâm thiết kế bờ bao vững chắc chủ động được khâu điều chỉnh mực nước thích hợp cho cây sen sinh trưởng phát triển.

- Kỹ thuật làm đất: Nếu đủ điều kiện cần cày phơi ải đất, đảm bảo độ sâu thích hợp, nhuyễn bùn, phẳng và sạch cỏ dại, sau đó đưa nước vào ruộng, rải phân lân nung chảy khoảng 30kg/sào hoặc bón vôi, trục xới đất thành một lớp bùn dầy 20-25cm. giữ mực nước ruộng 20-25cm, sau 7-10 ngày tiến hành trồng.

          - Chất lượng nước rất quan trọng để sen phát triển, nước thích hợp là phải trong, độ pH 6-6,5.

4. Mật độ, khoảng cách

Cây sen có thể trồng với khoảng cách 2m x 2m/cây, mật độ 2.500 cây/ha, tuy vậy với điều kiện đất và tập quán canh tác của địa phương nên trồng với mật độ: 800-850cây /ha (3 m x 4 m/cây)

5. Phân bón

- Yêu cầu bón đầy đủ, cân đối, đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng suốt trong quá trình sinh trưởng, phát triển của cây sen.

- Cách bón: (tính cho 1 sào 500m2)

+ Bón lót: 30kg lân + 5 kg urê + 3 kg Kali clorua.

+ Bón thúc lần 1(20-30 ngày sau trồng): 4 kg urê  bằng cách vãi đều xung quanh cây con.

+ Bón thúc lần 2 (50- 60 ngày sau trồng): 3 kg urê +4 kg Kali clorua.

+ Bón thúc lần 3 (75-85 ngày sau trồng): 3 kg urê

Hoặc dùng phân NPK 16-16-8+13S để bón:

+ Bón lót: 10-12kg  NPK 16-16-8+13S

+ Thúc 1: 8-10kg  NPK 16-16-8+13S

+ Thúc 2: 6-8kg  NPK 16-16-8+13S

+ Thúc 3: 4-6kg NPK 16-16-8+13S

Tùy theo tình hình ruộng sen và chân đất để điều chỉnh lượng phân cho phù hợp từng giai đoạn.

6. Phòng trừ sinh vật gây hại

- Sâu ăn tạp: Thường xuất hiện và gây hại trong mùa nắng, chủ yếu ăn lá non đến trưởng thành. Dùng thuốc hóa học phòng trừ như:Abatin 5.4EC, Mapwinner 5WG, Regent 800WG… hoặc trong lúc thu hái hoặc đi chăm sóc nếu phát hiện thì hái gói lại vùi xuống đất để giết sâu biện pháp này không tốn tiền hiệu quả rất cao.

- Bù lạch (bọ trĩ): Vệ sinh ao, hồ, ruộng trước khi trồng sen, khi bọ trĩ gây hại phổ biến thì sử dụng thuốc Actara 25WG, Vitako 40WG… để phòng trừ, phun vào chiều tối hiệu quả cao.

- Bệnh thán thư: Thường xuất hiện khi gặp điều kiện thời tiết nóng ẩm, bệnh gây hại nặng giai đoạn ra lộc non và nụ hoa. Phun phòng trừ bệnh khi mới xuất hiện, trước khi phun tháo rút nước cạn sử dụng  thuốc ngừa bằng những loại thuốc đặc trị như: Vimonyl 72WP, MapHeRo 340WP, …sau 3 ngày cho nước vào ruộng trở lại.

- Bệnh thối củ, thối rễ do nấm Pythium spp: Những ruộng trồng sen đã bị nhiễm bệnh thối rễ, thối củ, trước khi làm đất để gieo trồng cần bón vôi bột (400 kg/ha) để cải tạo ruộng, nhằm hạn chế nguồn bệnh tồn tại gây ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển cây sen và phun trừ bằng các loại thuốc hóa học: Ridomil Gold 68 WP, Antracol 700WP, Score 250ND, Aliette 80WP,... (chú ý trước khi phun cần tháo cạn nước trong ruộng, pha thêm chất bám dính vào dung dịch thuốc để tăng khả năng bám dính của thuốc trên thân và lá của cây sen); sau 3 ngày phun thuốc nếu bệnh ngừng phát triển đưa nước vào ruộng (mực nước 2/3 chiều cao cây sen) và chăm sóc, tăng cường bón thêm phân kaliclorua để cây hồi phục và phát triển. Nếu bệnh nặng cần luân canh cây trồng khác như lúa để cắt đứt nguồn bệnh.

7. Thu hoạch

Là một trong những khâu quan trọng nhằm đảm bảo sản lượng và chất lượng của hạt sen. Thời gian thu hoạch: Từ khi ra hoa đến 25-27 ngày sau bắt đầu thu hoạch. Khi sen già trên đỉnh hạt xuất hiện màu đen, ở cuống gương sen có màu hồng thì thu hoạch được. Không nên thu hoạch khi sen còn non hoặc để sen quá già mới thu hoạch làm giảm chất lượng và hiệu quả.

Nên thu hoạch 2 ngày/lần để hạn chế hái sót tạo sen quá lứa khó chế biến vì sen già rất nhanh. Khi thu hoạch trái thì kết hợp loại bỏ lá ở ngay cùng vị trí cuống, bông để giúp cây phát triển tiếp vì lá này sau khi đã thu gương nó trở nên vô hiệu. Nếu để chúng phát triển tiếp tạo sự cạnh tranh ánh sáng, dinh dưỡng với các lá khác nhất là các nơi phát triển ảnh hưởng lớn đến năng suất sau này.

Lưu gốc: Nếu muốn trồng lưu gốc tiếp thì có thể trục theo băng có bề rộng 2 m, chừa lại đường có bề rộng 80 cm hoặc đạp thủ công đối với các vùng đất có khô nước. Sau khi trục hoặc đạp xong tiến hành rải phân, cho nước vào ruộng 20-30cm, 10 ngày sau sen sẽ mọc lại.

Diệu Hương
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 12.296.459
Truy câp hiện tại 2.836