Kiểm tra máy móc chuẩn bị đọc bản tin nông nghiệp
Hữu dụng nếu bố trí và hoạt động hợp lý
Mỗi tuần, đài Hương Xuân thực hiện 2 chương trình riêng của phường, phát vào thứ 2,3,4 và thứ 7, các ngày còn lại, phường tiếp sóng đài của Trung ương, tỉnh và thị xã. “Rất nhiều thông tin cần thiết được thông báo đến bà con qua hệ thống loa", chị Nguyễn Thị Thịnh, cán bộ văn hóa, phụ trách Đài Truyền thanh Hương Xuân cho hay. Từ phản ánh tình hình sản xuất nông nghiệp tại địa phương đến biện pháp phòng trừ sâu bệnh, lịch tưới tiêu, tiêm phòng... Quen thuộc đến mức, các chương trình truyền thanh phường như chiếc đồng hồ báo thức của người dân nông thôn. Bởi vậy, hễ có cụm loa nào “nhức đầu sổ mũi” là bà con lên phường yêu cầu cử cán bộ xuống “chữa bệnh” ngay, chị Thịnh kể.
Bác Nguyễn Văn Thanh, thính giả thường xuyên của chương trình phát thanh phường Thủy Dương (Hương Thủy) cho biết: “Đúng là thời nay đi đâu cũng có ti vi, báo chí nhưng chỉ cập nhật những thông tin thời sự thế giới, những vấn đề đại sự quốc gia, của tỉnh chứ không nói đến những chuyện thường ngày, những việc làm cụ thể diễn ra sinh động ở phường xã; phản ánh tâm tư nguyện vọng của bà con và chuyển tải những chủ trương chính sách của cấp ủy, chính quyền cơ sở đến tận người dân. Chỉ có ĐTT cơ sở mới đáp ứng được yêu cầu này”.
Cho rằng loa phường là khá cần thiết, tuy nhiên, anh Tôn Thất Định, công chức văn hóa–xã hội, phụ trách nhà văn hóa – đài truyền thanh phường Thuận Hòa (TP.Huế) cũng thừa nhận có những lời phàn nàn, bức xúc vì tiếng loa của một số hộ dân sống quanh cụm loa phường. Thậm chí trước đây, có người còn lấy gậy chọc cho rớt vì “ghét”. Tuy nhiên, từ sau khi dời các cụm loa từ khu dân cư về đặt tại trụ sở UBND phường và công an địa phương; đồng thời, điều chỉnh thời gian phát muộn hơn (từ 6 giờ 15 đến 7 giờ kém 15 phút mỗi sáng) thì dần dần người dân đã thấy quen. “Mỗi lần chỉ phát 30-40 phút, chủ yếu là đọc bản tin của phường hay những tin tức liên quan đến dịch bệnh, bão lụt... để bà con chủ động phòng ngừa. Rất tiện lợi và hữu ích", anh Định nói.
Dù thành thị hay nông thôn, loa phường vẫn rất cần thiết và hữu ích
Tăng cường quản lý
Ông Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho rằng, ĐTTCS có vai trò rất quan trọng trong tuyên truyền thông tin đến tất cả người dân và hệ thống loa phát thanh xã phường rất cần thiết ở khu vực nông thôn cũng như thành thị. “Hiện UBND các phường, xã có xu hướng quan tâm đầu tư nâng công suất, thay mới trang thiết bị đài truyền thanh của địa phương để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân. Riêng địa bàn TP. Huế, những năm gần đây, hoạt động của đài truyền thanh các phường trực thuộc thi thoảng nhận được ý kiến trái chiều trong cộng đồng. Tuy nhiên, sở vẫn chưa nhận được bất kỳ đơn kiến nghị hay khiếu nại nào của người dân đề nghị đài truyền thanh hay loa ở cụm này, cụm kia cắt”, ông Hùng cho hay.
Bên cạnh những cái “được” thì hạn chế của ĐTTCS là đôi lúc chương trình phát không ổn định. Và đa phần các đài phát thông báo là chính mà thiếu chức năng thông tin. Việc khắc phục hạn chế, theo Phó Giám đốc Sở TT &TT Nguyễn Đức Hùng, ngoài sự hỗ trợ của các đài truyền thanh cấp huyện, hàng năm, trong chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở, sở đều tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng viết tin bài cho đội ngũ phát thanh viên, biên tập viên của các đài nhằm nâng cao chất lượng nghiệp vụ. Về phía sở, trong năm 2017 sẽ tập trung tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các ĐTTCS, như: quản lý định hướng về nội dung, nghiệp vụ; quản lý về tần số, cấp phép... Với những đài phát không đúng tần số quy định, đài gây can nhiễu... thì sẽ bị xử lý.
Hiện toàn tỉnh có 131 ĐTTCS, trong đó, có 121 đài đã được cấp phép đúng quy định và đang hoạt động; 10 đơn vị đang chờ cấp phép, trên 1.500 cụm thu; phạm vi phủ sóng trung bình của các đài đạt khoảng 70%. Theo đánh giá của Sở TT&TT, do các đài đều “sống” phụ thuộc vào nguồn ngân sách của địa phương nên đa phần cơ sở vật chất của các đài truyền thanh cấp huyện cũng như cấp xã chưa được đầu tư đồng bộ. Vấn đề nhân lực cũng là một trong những yếu tố khiến công tác truyền thanh cơ sở khó có thể phát triển theo hướng chuyên nghiệp; chế độ nhuận bút cho công tác biên tập, phát tin bài của ĐTTCS không có; đội ngũ cán bộ phụ trách đài còn kiêm nhiệm nhiều việc. Hoạt động của một số ĐTTCS chủ yếu là thu, phát sóng chương trình của đài Trung ương, tỉnh; chưa xây dựng được nội dung chương trình của xã, phường để thông tin cho Nhân dân...
|