Dịch bệnh cúm AH7N9 khiến hàng trăm người tại Trung Quốc mắc và tử vong đã tiến sát biên giới nước ta. Trong khi đó, 2 chủng cúm A khác vừa được phát hiện trên đàn gia cầm ở Việt Nam; cụ thể tại các tỉnh Bạc Liêu, Nghệ An, Nam Định ghi nhận ổ dịch cúm AH5N1 trên đàn vịt và tại Quảng Ngãi xuất hiện cúm AH5N6 trên gia cầm.
Các cơ quan chức năng triển khai những biện pháp gì để cùng lúc đối phó với 3 chủng cúm gia cầm có khả năng bùng phát trong nội địa hoặc xâm nhập từ nước ngoài?
Phóng viên VOV phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Y tế, GS. Nguyễn Thanh Long về vấn đề này.
PV: Ông nhận định như thế nào về nguy cơ xâm nhập cúm AH7N9 từ Trung Quốc vào Việt Nam, cũng như khả năng lây lan của cúm AH5N1 và H5N6 từ gia cầm sang người trong thời gian tới?
GS. Nguyễn Thanh Long: Trong bối cảnh hiện nay, cúm AH7N9 ở Trung Quốc có một diễn biến hết sức nhanh, phức tạp và lan rộng cả về quy mô lẫn số lượng người mắc tăng nhanh. Đặc biệt, tại Việt Nam đã phát hiện thêm 4 ổ dịch cúm AH5N1 và H5N6 trên đàn gia cầm.
Thứ trưởng Bộ Y tế, GS. Nguyễn Thanh Long
Chúng tôi cho rằng nguy cơ lây lan cúm AH5N1, H5N6 từ gia cầm sang người và nguy cơ xâm nhập ổ dịch cúm AH7N9 từ Trung Quốc sang Việt Nam là hoàn toàn có thể.
PV: Vậy, Bộ Y tế phối hợp với các Bộ, ngành chức năng khác triển khai biện pháp phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm như thế nào, thưa ông?
GS. Nguyễn Thanh Long: Thứ nhất, chúng tôi sẽ phối hợp tăng cường truyền thông để người dân hiểu về căn bệnh này, từ đó vận động không buôn bán, không giết mổ, không sử dụng các sản phẩm gia cầm ốm, chết và tuyệt đối không ăn tiết canh.
Chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan chức năng triển khai mạnh mẽ các biện pháp phòng, chống buôn lậu gia cầm từ Trung Quốc vào Việt Nam và tăng cường công tác kiểm dịch đối với gia cầm, sản phẩm từ gia cầm từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Thứ 2, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường giám sát trên đàn gia cầm và lấy thêm nhiều mẫu gia cầm để xét nghiệm. Riêng Bộ Y tế sẽ lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng hơn đối với các ca bệnh nghi nhiễm cúm A trong các bệnh viện, đồng thời tăng cường giám sát tại cộng đồng, nhất là với các trường hợp nguy cơ cao như: có tiếp xúc với đàn gia cầm hoặc chăn nuôi, giết mổ gia cầm.
Thứ 3, chuẩn bị tất cả các cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men và cập nhật lại những hướng dẫn về chẩn đoán, điều trị để kịp thời triển khai các biện pháp điều trị nếu có dịch bệnh xảy ra trên người.
PV: Thưa ông, có một thực tế tại Trung Quốc là khi mắc cúm AH7N9 thì gia cầm không có biểu hiện gì của bệnh. Vậy Việt Nam sẽ giám sát và đối phó với chủng cúm này như thế nào?
GS. Nguyễn Thanh Long: Chúng tôi cho rằng, một việc rất quan trọng đối với ngành nông nghiệp là mở rộng diện giám sát và tăng cường lấy mẫu gia cầm để xét nghiệm. Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã lấy một lượng mẫu rất lớn, hơn 200.000 mẫu, phát hiện 4 ổ dịch cúm AH5N1, H5N6.
Chỉ có giám sát thì mới phát hiện được. Cần lấy mẫu rộng hơn trên tất cả các đàn gia cầm, tập trung là gia cầm ở biên giới phía Bắc để phát hiện vi rút cúm AH7N9 và tại khu vực phía Nam là vi rút cúm AH5N1. Khi phát hiện gia cầm mắc cúm A, phải lập tức thông tin cho các cơ quan y tế để chủ động lấy mẫu xét nghiệm trên người ở khu vực đó.
Triển khai các biện pháp khoanh vùng, cách ly, xử lý ổ dịch, tiêu hủy đàn gia cầm và lập một vành đai tiêm phòng để không lây lan dịch bệnh giữa các đàn gia cầm trong khu vực lân cận./.
PV: Xin cảm ơn ông!.