Tìm kiếm tin tức
Nhiều địa phương phát hiện ổ dịch cúm gia cầm
Ngày cập nhật 27/02/2017

* Mưa, rét tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ

Theo báo cáo mới nhất của Cục Thú y, cả nước phát hiện sáu ổ dịch cúm gia cầm (cúm A/H5N1), tại năm địa phương, chưa qua 21 ngày. Cụ thể, tỉnh Nam Định còn hai ổ dịch, các tỉnh Bạc Liêu, Quảng Ngãi, Sóc Trăng, Đồng Nai mỗi địa phương còn một ổ dịch. Toàn bộ đàn gia cầm mắc bệnh đã được tổ chức tiêu hủy. Để chủ động phòng, chống dịch bùng phát và lây lan ra diện rộng, Cục Thú y đề nghị các địa phương tăng cường kiểm soát việc giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm, bao gồm việc kiểm soát chặt chẽ vận chuyển động vật, sản phẩm động vật qua biên giới vào Việt Nam…

* Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, hiện ngành nông nghiệp tỉnh Lào Cai phối hợp các ngành chức năng thành lập các đoàn công tác, kiểm tra phòng, chống dịch trên địa bàn; đồng thời ra văn bản, chỉ đạo các trạm thú y, khuyến nông cơ sở tích cực tuyên truyền, yêu cầu người dân tuyệt đối không vận chuyển gia cầm nhập lậu qua biên giới; các địa phương thực hiện tiêu độc khử trùng, tiêm phòng cho vật nuôi và phải hoàn thành trước ngày 10-3...

* Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai cho biết, nhằm ngăn ngừa dịch cúm gia cầm, từ nay đến giữa tháng 3-2017, đơn vị sẽ phối hợp các huyện, thị trên địa bàn tỉnh tiến hành tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm. Dự kiến, có hơn một triệu con gia cầm được tiêm phòng trong đợt này.

* Ngày 22-2, Sở NN và PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống không để dịch cúm gia cầm bùng phát, lây lan ra diện rộng. Theo đó, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như hướng dẫn người chăn nuôi vệ sinh, sát trùng chuồng trại, tiêm phòng vắc-xin.

* Chi cục Chăn nuôi và Thú y Long An cho biết, để phòng ngừa hiệu quả sự xâm nhiễm vi-rút cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng vi - rút gia cầm khác từ khu vực biên giới (giáp với Cam-pu-chia) vào tỉnh, chi cục đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống, đồng thời chuyển về các huyện khu vực biên giới một triệu liều vắc-xin cúm gia cầm để tiêm phòng. Đối với các hộ nuôi nhỏ lẻ, chi cục phối hợp địa phương tuyên truyền, giám sát, triển khai tiêm phòng bắt buộc. Tại các cửa khẩu, Cơ quan Thú y vùng VI cử lực lượng trực 24 giờ để kiểm soát quá trình giao thương gia cầm…

* Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, bộ phận không khí lạnh đang di chuyển, ngày 23-2 ảnh hưởng đến các tỉnh phía bắc, trời chuyển rét gây mưa diện rộng ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Vùng núi phía bắc có nơi rét đậm với nhiệt độ từ 11 đến 14oC, vùng núi cao dưới 10oC. Trên biển, vịnh Bắc Bộ và khu vực bắc Biển Đông, bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió đông bắc mạnh cấp 5, sau tăng lên cấp 6, giật cấp 7, cấp 8, biển động. 

* Chủ động ứng phó rét đậm và gió mạnh trên biển, ngày 22-2, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai (PCTT) có Thông báo số 66/TWPCTT-VP gửi Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố thuộc Bắc Bộ và ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang đề nghị các địa phương thường xuyên cập nhật diễn biến gió mùa đông bắc, rét đậm, rét hại, thông tin trên các phương tiện để người dân, nhất là vùng núi biết, chủ động phòng tránh. Tuyên truyền hướng dẫn các hộ chăn nuôi củng cố chuồng trại, che chắn giữ ấm, vệ sinh chuồng nuôi; không cho trâu, bò làm việc, chăn thả tự do, đưa về nơi nuôi nhốt có kiểm soát khi nhiệt độ ngoài trời dưới 12oC, chủ động dự trữ thức ăn bảo đảm phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc. Phổ biến cho người dân tuyệt đối không xuống giống khi nhiệt độ dưới 15oC đối với diện tích lúa chưa cấy; hướng dẫn việc chăm sóc đối với diện tích lúa đã cấy và diện tích gieo thẳng bảo đảm sinh trưởng và phát triển. Các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang tổ chức trực ban nghiêm túc; theo dõi chặt chẽ diễn biến gió mạnh, sóng lớn trên biển; thông báo cho chủ và thuyền trưởng các phương tiện tàu, thuyền biết để chủ động phòng, tránh. Sẵn sàng lực lượng phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu.

* Hồi 8 giờ 45 phút ngày 21-2, Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An nhận được thông báo của Đài Thông tin duyên hải Bến Thủy, tàu cá NA91818 TS và chín thuyền viên do ông Hoàng Ngọc Thơm (trú tại xóm 8, xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu làm thuyền trưởng) bị hỏng máy, thả trôi trên biển không thể sửa chữa, có nguy cơ bị chìm, cần hỗ trợ khẩn cấp, cách cửa Sót, tỉnh Hà Tĩnh khoảng 25 hải lý về phía đông nam. Ngay sau đó, đơn vị chỉ đạo Đồn BP Quỳnh Thuận phối hợp chính quyền địa phương thông báo cho các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí tàu bị nạn để đến hỗ trợ, đồng thời điều động tàu BP 06-19-01, cùng 15 cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2 lên đường cứu nạn. Đến 15 giờ 30 phút cùng ngày, tàu Biên phòng đã tiếp cận được tàu bị nạn và tiến hành cứu nạn, chăm sóc sức khỏe các thuyền viên và lai dắt tàu bị nạn vào bờ an toàn tại cảng cá Lạch Quèn, huyện Quỳnh Lưu. Sáng 22-2, tại Đồn BP Quỳnh Thuận, BĐBP Nghệ An đã tiến hành bàn giao ngư dân và tàu bị nạn cho chính quyền xã Sơn Hải.

Cá chết hàng loạt trên sông Âm (Thanh Hóa)

UBND huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) cho biết, sáng 22-2, sau khi nhận được thông báo về hiện tượng cá tự nhiên trên sông Âm (dài gần 10 km) bị chết hàng loạt, UBND huyện cử cán bộ chuyên môn xuống hiện trường nắm bắt tình hình, đồng thời lấy mẫu nước sông để đưa đi kiểm tra. UBND huyện cũng chỉ đạo xã Vân Am khuyến cáo bà con tuyệt đối không được vớt cá chết về làm thực phẩm hay cho gia súc, gia cầm ăn và không được sử dụng nguồn nước sông khi đang có hiện tượng cá chết. Hiện chính quyền địa phương chưa thống kê được đầy đủ số lượng cá chết.

Chủ động phòng, chống cháy rừng

Trong thời gian tới, tình trạng khô hạn sẽ diễn ra ở nhiều địa phương, do đó nguy cơ cháy rừng cao, nhất là tại các tỉnh khu vực Tây Bắc, miền trung, Nam Bộ, Tây Nguyên. Để chủ động triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), ngày 22-2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Công điện số 1566/CĐ-BNN-TCLN đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chủ động thực hiện các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng và PCCCR, có các phương án bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần theo phương châm bốn tại chỗ, thường trực tại địa phương để sẵn sàng phối hợp các lực lượng ứng phó trong trường hợp xảy ra cháy rừng, các đơn vị trực thuộc tăng cường phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm, chính quyền các cấp tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị PCCCR, bảo đảm kịp thời xử lý các tình huống cháy rừng xảy ra.

 

PV và CTV
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 12.314.978
Truy câp hiện tại 5.195