Người bệnh yên tâm đến khám và điều trị ở bệnh viện “không khói thuốc lá” TP Tam Điệp - Ninh Bình.
|
|
Phóng viên (PV): Chào ông. Chúc mừng ông vừa được UBND tỉnh tặng bằng khen về những kết quả nổi bật trong việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Giám đốc Phạm Đình Hoan: Trước hết đó là sự cố gắng, nỗ lực của cả tập thể y, bác sĩ trong đó, những nhân viên hộ lý, điều dưỡng cũng phấn đấu không ngừng để đạt được kết quả ấy. Thể hiện rõ nhất là các chỉ tiêu, định mức được giao đều hoàn thành vượt mức.
Cụ thể là bệnh viện đã duy trì việc thực hiện chức trách và quy chế chuyên môn nhằm không ngừng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân. Mặt khác, bảo đảm đủ cơ số thuốc và các vật tư thiết yếu phục vụ chuyên môn như mua sắm thiết bị y tế có công nghệ hiện đại phục vụ chẩn đoán bệnh qua hình ảnh một cách chuẩn xác.
Bên cạnh đó, bệnh viện cũng ứng dụng tốt công nghệ thông tin vào quản lý khám, chữa bệnh. Đó là xây dựng phần mềm quản lý bệnh viện và hệ thống rút số tự động tại nơi đón tiếp, hệ thống gọi điều dưỡng, kỹ thuật thực hiện có hiệu quả tạo điều kiện thuận lợi tốt cho người bệnh thanh toán viện phí. Hoặc từ khâu tiếp nhận người bệnh đến thăm khám, điều trị, điều dưỡng, cấp phát thuốc đều công khai, minh bạch cho nên người bệnh yên tâm.
PV: Thực hiện chủ trương liên thông y tế tuyến huyện thì Bệnh viện Tam Điệp có gặp trở ngại gì không, thưa ông?
Giám đốc Phạm Đình Hoan: Trước hết phải khẳng định đó là một chủ trương đúng nhằm nâng cao ý thức phục vụ người bệnh của nhân viên y tế. Điều này đặt ra chuyện nếu như hai bệnh viện có cùng trang thiết bị như nhau mà thái độ phục vụ của nhân viên y tế không giống nhau thì người bệnh sẽ đến nơi được đón tiếp niềm nở hơn, chu đáo hơn.
Hoặc người bệnh ở các xã thuộc vùng ven, vùng giáp ranh một số huyện hay tỉnh, họ có thể đến khám, chữa bệnh nơi gần nhất. Tuy nhiên cũng đặt ra là một số bệnh viện tuyến huyện, thành phố sẽ quá tải vì số người bệnh đổ dồn vào nơi giao thông thuận lợi, có cơ sở hạ tầng tốt hơn. Cụ thể, bệnh viện thành phố Tam Điệp luôn ở mức quá tải đạt 150% so với năng lực hiện có của cơ sở.
PV: Truyền thông vừa đưa tin ở một số nơi đã xuất hiện “thợ khám bệnh” qua việc thông tuyến y tế cấp huyện, Bệnh viện đa khoa Tam Điệp có xuất hiện đối tượng này chưa?
Giám đốc Phạm Đình Hoan: Đúng là chủ trương giúp người bệnh thuận lợi đến cơ sở điều trị của Đảng, Nhà nước bị một số người lợi dụng để mưu cầu, toan tính chuyện xấu. Họ không nghĩ rằng với cơ số thuốc ấy, nhiều người bệnh khác đáng lẽ được hưởng thì bị trục lợi gây thất thoát vượt ngưỡng chi quỹ bảo hiểm y tế dẫn đến nguy cơ thâm thủng quỹ.
Điều này đặt ra là cần có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn tình trạng một người bệnh đi khám nhiều cơ sở y tế và khám nhiều lần để lấy thuốc đem… bán như báo chí đã nêu thời gian qua. Chúng tôi đang thực hiện những biện pháp để ngăn chặn tình trạng này, mặc dù hiện nay chưa phát hiện trường hợp nào, song sẽ không thừa nếu công tác quản lý được thắt chặt hơn.
PV: Việc nhiều cơ sở khám chữa bệnh tư nhân xuất hiện, có khiến ông suy nghĩ gì?
Giám đốc Phạm Đình Hoan: Đây cũng là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, bởi vì góp phần đáng kể vào việc giảm tải ở các bệnh viện công. Song nó cũng đặt ra là những bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng ở các bệnh viện công “chảy máu chất xám” sang bệnh viện tư.
Điều rất dễ xảy ra là nhiều y, bác sĩ có phòng khám tại gia đình tranh thủ làm ngoài giờ để tăng thu nhập là điều hoan nghênh nhưng phải bảo đảm thời gian làm việc ở bệnh viện công, tránh tình trạng họ đến nơi làm việc để… nghỉ ngơi. Bởi lẽ, thời gian khám chữa bệnh tại nhà khiến anh (chị) ấy mệt mỏi rồi thì làm sao kham nổi việc cơ quan phân công? Ngoài ra, không loại trừ trường hợp họ “ nhấm nháy” người bệnh ngoài giờ đến khám tại nhà riêng!
Trong khi đó, khám bảo hiểm phần lớn được cấp thuốc theo nhóm 1-2 mà thực tế là phải sử dụng thuốc nhóm 5-6 mới khỏi bệnh bởi vì tình trạng “nhờn thuốc” đang trở thành khá phổ biến. Nguyên nhân là các cửa hàng dược phẩm bán thuốc (nhất là kháng sinh) không theo đơn của bác sĩ cho nên chỉ khi nào bệnh nặng người bệnh mới vào khám và điều trị tại bệnh viện công.
Rồi cũng có trường hợp, người bệnh khám ở phòng khám tư nhân khi bệnh nặng mới đến bệnh viện Nhà nước cho nên thuốc nhóm 1-2 ít có hiệu quả. Vậy quy định thuốc khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế chỉ cho phép khoảng 100 nghìn đồng/lần trong khi muốn khỏi bệnh thì phải gấp một số lần khoản tiền này. Đây cũng là vấn đề khiến nhiều cơ sở khám chữa bệnh công lập băn khoăn.
PV: Năm 2017, Bệnh viện đa khoa thành phố Tam Điệp đã xây dựng kế hoạch như thế nào để nâng cao việc khám chữa bệnh cho nhân dân địa phương?
Giám đốc Phạm Đình Hoan: Tất nhiên những vướng mắc của năm trước được đặt lên hàng đầu để tháo gỡ. Trong đó, nêu cao vai trò lãnh đạo, kiểm tra, giám sát trong tất cả hoạt động khám chữa bệnh của đơn vị. Bên cạnh đó, kiểm tra giám sát, động viên tập thể y, bác sĩ thực hiện nghiêm 12 điều y đức và các chỉ thị của Bộ Y tế về tăng cường y đức nâng cao tinh thần thái độ phục vụ và chất lượng phục vụ đạt tới độ vừa lòng của người bệnh.
Trong đó, yếu tố đặt lên hàng đầu là nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, nhất là hoạt động cận lâm sàng. Đồng thời, bảo đảm đủ cơ số thuốc thông thường và thuốc phục vụ cấp cứu khi cần thiết.
Năm 2017, Bệnh viện đa khoa thành phố Tam Điệp dự kiến sẽ tổ chức hai cuộc hội thảo, đó là “tăng cường công tác cấp cứu nhi khoa” và “ Đào tạo nâng cao chuyên môn, chuyên ngành cấp cứu sản phụ khoa” với mục đích trau dồi kiến thức, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bệnh viện nhằm sẵn sàng tiếp nhận trang thiết bị hiện đại và chuyển giao kỹ thuật mới của tuyến trên.
PV: Xin cảm ơn ông và chúc cán bộ, công chức, viên chức Bệnh viện đa khoa thành phố Tam Điệp ngày càng làm chủ kỹ thuật mới để phục vụ khám và điều trị bệnh cho nhân dân được tốt hơn.