Lễ ký hợp tác chiến lược giữa Công ty cổ phần Tập đoàn Giáo dục EGAME Việt Nam (EGROUP) và Tập đoàn Giáo dục CHUNGDAHM Hàn Quốc.
Trong những năm qua, nền giáo dục Việt Nam đã có những chuyển biến đáng kể theo chiều hướng tích cực, trong đó phải kể đến sức mạnh của công nghệ trong việc mở rộng tầm ảnh hưởng của giáo dục và thúc đẩy phát triển tiềm năng của con người. Chính vì vậy, các nhà đầu tư đã và đang đưa những mô hình giáo dục hiện đại mới vào Việt Nam, nhằm chuyển đổi dần các phương pháp dạy và học, tối ưu hóa hiệu quả trong giáo dục đào tạo, truyền cảm hứng và khám phá tố chất của người học.
Việc các nhà đầu tư xem giáo dục Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng là điều dễ hiểu bởi giáo dục luôn là vấn đề được Chính phủ và người dân Việt Nam đặc biệt quan tâm. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) ngày 4-11-2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế xác định rõ: Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, phải được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, mức chi ngân sách cho giáo dục và đào tạo đạt mức 20% tổng chi ngân sách nhà nước.
Khảo sát nghiên cứu thị trường Taylor Nelson cũng chỉ ra rằng 47% chi tiêu của người dân Việt Nam dành cho giáo dục. Mặt khác, Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng với 50% tổng dân số nằm trong độ tuổi 15 - 64. Những người trẻ này có tư tưởng tiến bộ, sẵn sàng tiếp nhận phương pháp học mới thay thế cách học truyền thống có phần cứng nhắc và tính thực tiễn không cao.
Chính vì vậy, xây dựng môi trường học tập hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin, phương pháp dạy học tích cực, giúp học sinh phát huy sự chủ động, sáng tạo trong học tập, nghiên cứu là một trong những mục tiêu quan trọng đặt ra, nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Giáo dục hiện đại được phát triển trên nền tảng phương pháp giáo dục hiện đại và nội dung số về giáo dục. Việt Nam đang có lợi thế khi các nhà đầu tư nước ngoài có tiếng về giáo dục bước đầu “thâm nhập” thị trường, góp phần giúp đa dạng hóa về phương pháp và nội dung giảng dạy, bắt nhịp với xu hướng chung của nền giáo dục quốc tế. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực này hợp tác và cho ra đời những sản phẩm phù hợp, thiết thực với môi trường Việt Nam.
Điển hình mô hình giáo dục tiếng Anh kiểu mới Apax English nổi lên trong thời gian qua như một hiện tượng với hàng chục trung tâm tại các tỉnh, thành phố, cho thấy nhu cầu các bậc phụ huynh và học sinh tìm các phương pháp học hiệu quả ngày càng tăng cao. Sự thành công trong vòng 2 năm đã tạo tiền đề để tập đoàn giáo dục hàng đầu Hàn Quốc Chungdahm Learning tiếp tục đầu tư 10 triệu USD vào dự án này, hợp tác với Tập đoàn Giáo dục Egroup đưa vào ứng dụng công nghệ phục vụ giáo dục, giúp trẻ em Việt Nam từ 6 - 14 tuổi tiếp cận với phương pháp giáo dục phù hợp đặc trưng của trẻ em châu Á với mục tiêu biến tiếng Anh không còn là ngoại ngữ mà được sử dụng như ngôn ngữ thứ hai, sau tiếng mẹ đẻ.
Hay mới đây, SK Telecom ký hợp tác chiến lược với Egroup để đưa rô-bốt thông minh vào Việt Nam dạy trẻ em học lập trình trong năm 2017; Tập đoàn giáo dục megaSTUDY Hàn Quốc cũng triển khai mô hình Cổng giáo dục đào tạo trực tuyến NEXEDU, phát triển nguồn nhân lực cao cấp tại Việt Nam…
Có thể thấy, việc các tập đoàn giáo dục Việt Nam kết hợp với các nhà đầu tư nước ngoài đã bước đầu cho thấy những tín hiệu khả quan trong việc cung cấp những sản phẩm giáo dục chất lượng, phù hợp với thị trường và nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, muốn đầu tư hiệu quả, các nhà đầu tư rất cần sự ưu tiên, quan tâm phát triển từ chính sách của Nhà nước, tạo môi trường cho các doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục hiện đại đầu tư lâu dài.