Kiểm tra thân nhiệt tại cửa khẩu Bắc Phong Sinh, huyện Hải Hà (Quảng Ninh).
Vi-rút cúm H7N9 rất dễ xâm nhập qua biên giới
Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Nông nghiệp - Lương thực của Liên hợp quốc (FAO): Vi-rút cúm A/H7N9 đã được phát hiện trên gia cầm hay môi trường hoặc người, ở 16 tỉnh, thành phố của Trung Quốc, trong đó có một số tỉnh giáp biên giới phía bắc của Việt Nam. Cùng với đó, các hoạt động buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt. Vì vậy, nguy cơ vi-rút cúm A/H7N9 và các chủng vi-rút cúm độc lực cao (A/H5N2, A/H5N8) chưa có ở Việt Nam xâm nhập vào nước ta trong thời gian tới là rất cao. Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Phạm Văn Ðông cho rằng: Ðây là thách thức rất lớn, vì vậy, cần triển khai quyết liệt việc tiêu độc khử trùng tại các vùng biên giới và các chợ xuất hiện gia cầm nhập lậu. Ðặc biệt, các tỉnh biên giới cần kiểm soát, nghiêm cấm việc vận chuyển gia cầm qua biên giới; tổ chức tuyên truyền cho người dân thấy rõ nguy cơ dịch bệnh, mất an toàn thực phẩm của gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép. Lực lượng chức năng tại các địa phương tăng cường hoạt động kiểm soát liên ngành, hỗ trợ ngành thú y trong công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật tại các trạm kiểm dịch đầu mối giao thông; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch; kiểm tra phát hiện và triệt phá các điểm giết mổ gia cầm trái phép gần khu vực biên giới. Trước nguy cơ vi-rút cúm A/H7N9 xâm nhập và vi-rút cúm A/H5N1, A/H5N6 ở gia cầm lây sang người, Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị chức năng, nhất là y tế tại các địa phương mở rộng diện giám sát cúm trên người tại cộng đồng, đầu tiên là những người có nguy cơ. Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp tại cửa khẩu, các cơ sở y tế và tại cộng đồng. Cùng với đó, sẽ mở rộng đối tượng lấy mẫu, những ca có biểu hiện cúm sẽ đưa vào lấy mẫu giám sát, thay vì như trước chỉ xét nghiệm những trường hợp nặng...
Ngăn chặn dịch bệnh ngay từ cửa ngõ
Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm, các bộ, ngành chức năng và các địa phương đã triển khai ngay biện pháp ứng phó. Ngày 26-2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN và PTNT) phối hợp UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức hội nghị triển khai các biện pháp ngăn chặn chủng vi-rút cúm A/H7N9 và các chủng vi-rút cúm gia cầm khác xâm nhiễm qua biên giới. Tại hội nghị, các đại biểu nghe các báo cáo tham luận, ý kiến phát biểu của các địa phương, tổ chức quốc tế về công tác phòng, chống, dịch cúm gia cầm hiện nay và bàn các giải pháp để ngăn chặn vi-rút nguy hiểm. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lý Vinh Quang cho biết, tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan ban, ngành tăng cường tuyên truyền sâu rộng đến người dân, nhất là bà con ở các xã giáp biên, cam kết không tiếp tay vận chuyển gia cầm nhập lậu; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Các lực lượng chức năng kiểm tra đường mòn, lối mở và lập lán chốt để kiểm soát việc buôn lậu gia cầm liên tục 24 giờ. Theo số liệu thống kê của tỉnh, từ năm 2016 đến tháng 2-2017, số gia cầm nhập lậu bị bắt giữ gần 10 nghìn con; hơn 62,4 tấn thịt gia cầm và hơn 212.000 quả trứng. Ðáng chú ý, tại cửa khẩu Chi Ma, từ đầu năm 2017 tới nay đã bắt giữ năm vụ vận chuyển gia cầm trái phép. Còn tại Quảng Ninh, từ ngày 23-2, UBND tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra công tác ngăn chặn vi-rút cúm gia cầm A(H7N9) và các chủng vi-rút cúm khác xâm nhiễm vào địa bàn, gồm các đơn vị: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, NN và PTNT, Y tế, Công thương, Công an tỉnh, Chi cục Thú y và các địa phương: Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu.
Có mặt tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái những ngày cuối tháng 2, chúng tôi thấy bộ phận theo dõi máy đo thân nhiệt của Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Quảng Ninh đã tăng cường thêm người và thiết bị, bố trí ở địa điểm thuận lợi cho việc kiểm tra thân nhiệt các du khách và cư dân qua lại. Giám đốc Trung tâm Hoàng Ngọc Lương cho biết: Trung tâm đã bố trí đưa máy đo thân nhiệt lên vị trí hàng đầu nhằm sớm phát hiện và sàng lọc những đối tượng nghi có dấu hiệu mắc bệnh, để tư vấn, cách ly, hạn chế thấp nhất việc lây nhiễm; đồng thời bố trí đủ lực lượng, phương tiện cho công tác giám sát, phòng, chống dịch bệnh. Còn theo Trung tá Lê Văn Tú, Chính trị viên Ðồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái, đơn vị đã chỉ đạo tất cả các trạm kiểm soát phối hợp các lực lượng chức năng, tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ người và hàng hóa lưu thông qua cửa khẩu, hành khách nhập cảnh, nhất là những người đi về từ vùng đang có dịch để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, cách ly và xử lý kịp thời.