Có những danh y được sử sách ghi chép đầy đủ và các trước tác của họ đã trở thành di sản quý báu trong kho tàng y học dân tộc như Tuệ Tĩnh - ông tổ của ngành dược Việt Nam với các bộ sách: Nam dược thần hiệu và Hồng nghĩa giác tư y thư; Hải Thượng Lãn Ông – đại danh y thời nhà Lê- Trịnh với tác phẩm: Hải Thượng y tông tâm lĩnh (22 tập) và Lĩnh Nam bản thảo, trong đó Hải Thượng y tông tâm lĩnh được đánh giá là công trình y học xuất sắc nhất trong thời kỳ trung đại Việt Nam vì đã chắt lọc được tinh hoa y học cổ truyền từ trước cho đến lúc bấy giờ.
Một danh y khác tuy không để lại trước tác y thuật nào cho đời sau nhưng về y đức, ông là tấm gương sáng lưu danh trong lịch sử, đáng để cho mọi người thầy thuốc noi theo. Người đó là danh y Phạm Công Bân (Phạm Bân), người làng Tứ Minh, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương (nay thuộc thành phố Hải Dương). Phạm Công Bân là bố vợ của Hồ Quý Ly, ông ngoại của Hồ Nguyên Trừng, vốn thuộc dòng dõi làm nghề thuốc nổi tiếng nhiều đời ở Thăng Long. Phạm Công Bân làm quan đời Trần dưới thời Trần Anh Tông (1293-1314) với chức Thái y lệnh, chuyên chăm lo, coi sóc sức khỏe và chữa bệnh trong cung vua.
Tuy là người của triều đình, ngoài những việc trong cung nhưng khi về nhà ông vẫn chữa bệnh cho người dân. Ông rất quan tâm đến những bệnh nhân nghèo khổ và tìm mọi cách giúp đỡ như bỏ tiền riêng mua tích trữ sẵn thuốc tốt, gạo thóc tại nhà để nuôi, chữa bệnh cho những người nghèo khổ, neo đơn. Nhà ông vì vậy người đến nương nhờ chữa bệnh ngày càng đông.
Cuối thời Trần, mùa màng nhiều năm thất bát, dân tình đói khổ, dịch bệnh phát sinh nên Phạm Công Bân đã cho dựng thêm nhà để đón chữa những người bệnh nghèo khổ, chăm sóc cứu sống được rất nhiều người. Ông không nề hà máu mủ, những bệnh lây lan, người bệnh tàn tật, hôi thối. Tinh thần cứu chữa người bệnh của ông thật đáng nể phục, một thầy thuốc có tấm lòng cao cả. Y đức của ông nức tiếng khắp vùng và được người đời kính trọng.
Tất cả những gì chúng ta biết được về danh y Phạm Công Bân thông qua tác phẩm Nam Ông mộng lục phần Y thiển dụng tâm của Hồ Nguyên Trừng và những câu chuyện được truyền tụng qua nhiều đời trong dân gian Thăng Long và vùng Hải Dương quê ông. Có một câu chuyện rất cảm động, làm nổi bật tính cách cương trực, dũng khí và thái độ công bằng của ông trước số phận con người. Chuyện được chép trong Nam Ông mộng lục.
Chuyện rằng: Một người dân đến gõ cửa nhà ông và thưa rằng vợ anh ta bị băng huyết, người đã xám ngoét có thể nguy hiểm đến tính mạng, xin thầy đến cứu. Ông mặc quần áo và mang túi thuốc đi liền, nhưng khi vừa ra đến cửa thì có sứ giả của nhà vua đến truyền lệnh vào cung thăm bệnh cho quý phi đang bị cảm sốt. Ông liền nói với sứ giả rằng bệnh của quý phi không cần phải gấp, nay ở nhà dân có người bệnh nặng hơn nhiều, tính mạng nguy kịch tôi đi cứu người đó trước xong sẽ vào cung cũng không muộn. Sứ giả nghe Phạm Công Bân nói vậy liền tức giận mà rằng: Cái lẽ mà làm kẻ bầy tôi phải giữ cho tròn, sao lại có thể như vậy được. Ông muốn cứu tính mạng cho người khác mà không cứu tính mạng cho mình ư?
Phạm Bân liền đáp: Vẫn biết làm như vậy là đắc tội rồi, nhưng không hề gì. Người bệnh kia không cứu thì chốc nữa sẽ chết, còn tính mạng của kẻ bề tôi nhỏ mọn này thì còn trông mong được nhà vua tha chết. Các tội khác ta xin chịu hết. Xin ông cứ về tâu với vua và quý phi như vậy. Nói xong ông xách túi thuốc theo người nhà bệnh đi gấp. Người sản phụ đã được kịp thời cứu sống. Sau đó ông vào cung gặp vua tạ tội, bày tỏ tấm lòng với ý là người thầy thuốc chân chính bao giờ cũng phải dựa vào bệnh cấp hay bệnh tử mà chữa trước hay sau có thể mới cứu được mạng người, chứ không cứ vào kẻ sang người hèn. Xin bệ hạ lượng thứ. Nghe xong vua Anh Tông không những không quở trách mà còn khen ông là một danh y chân chính biết đặt y đức lên trên quyền thế.
Về sau con cháu của Phạm Công Bân mấy đời nối nhau làm nghề thuốc chữa bệnh và đều là những lương y giỏi về nghề, thanh cao về đức.
Nhắc lại tấm gương của danh y Phạm Công Bân để cho các thầy thuốc ngày nay soi vào, cùng chung tay bồi đắp y đức Việt Nam ngày càng rạng ngời, xứng đáng với lời dạy, cũng là mong muốn của Hồ Chủ Tịch lúc sinh thời: “Lương y như từ mẫu” .