Trước những tác động của đời sống hiện đại, làng xã Việt đang đối diện nhiều thách thức to lớn. Không ít giá trị từng được xem là tiêu biểu của cộng đồng làng, nay được nhìn nhận như những vật cản ngăn trở con đường phát triển. Sự du nhập những yếu tố văn hóa ngoại lai cũng gây nên nhiều tác động tiêu cực, làm phai nhạt nét đặc trưng của văn hóa làng.
“Cấp bách nhận diện để tìm ra phương thức phù hợp quản lý và phát triển làng xã” là điều PGS, TS Vũ Duy Mền (Viện Sử học Việt Nam), một chuyên gia nghiên cứu sâu về văn hóa làng Việt, đặc biệt nhấn mạnh.
Yếu tố căn cốt của sức mạnh Việt Nam
- Thưa ông, đã vượt qua biết bao thăng trầm, biến cải, nhưng sự thay đổi, phát triển của xã hội hiện đại đang tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống làng Việt, đặt thiết chế đặc trưng của văn hóa Việt Nam này trước những lựa chọn mất - còn. Không ít giá trị từng được xem là tiêu biểu đang đối diện thách thức, bị lấn át, thậm chí, loại trừ?
- Làng xã Việt Nam có một lịch sử rất lâu dài. Mô hình làng xã đã được duy trì hiệu quả qua hàng nghìn năm, chống đỡ với rất nhiều thử thách khắc nghiệt của thiên tai. Trong mô hình làng xã Việt, theo tôi, người nông dân Việt rất hiểu thiên nhiên và biết tận dụng thiên nhiên, hòa đồng với thiên nhiên, thậm chí, rất sợ thiên nhiên, không dám “coi trời bằng vung”. Khi làng xã phát triển lên, họ hình thành các quy ước để bảo vệ cộng đồng (làm gì khi có thú dữ, khi có trộm cướp…), gọi là hương ước. Các hương ước quy định rất rạch ròi về các mặt đời sống trong làng. Hệ thống các quy định của hương ước giúp làng xã vận hành ổn định. Các quy định về nghĩa vụ và quyền lợi của mọi thành viên trong cộng đồng được quy định rất rõ ràng, điều đó giúp cho bộ máy hành chính quản lý làng xã rất gọn nhẹ, nhưng hiệu quả. Mỗi con người dù đi đâu, nhưng khi về đến làng thì đều phải theo lệ làng. Thực tế, hương ước là công cụ quản lý mềm rất hiệu quả: Thà thiếu thuế vua hơn thua tục dân, Phép vua thua lệ làng, Gông làng vừa mang vừa hát…
Tuy nhiên, tập quán sản xuất nông nghiệp theo hình thức tiểu nông đã giúp giữ cho làng xã Việt bình ổn hàng nghìn năm lại chính là lực níu kéo sự phát triển, khi tạo nên tư duy ổn định, ngại thay đổi. Nó được cổ vũ bởi tư tưởng Nho giáo: Dĩ nông vi bản (lấy nông làm gốc), rất ghét buôn bán. Chính những yếu tố đó đã kìm hãm sự phát triển, không thúc đẩy được sự phát triển kinh tế nên không tạo ra tiềm lực. Với những làng xã lạc hậu, trì trệ như thế thì khi gặp phải những đối thủ bên ngoài đến gõ cửa xâm lược, sẽ không có cách nào chống đỡ được.
Trong thời hiện đại, chúng ta đang thúc đẩy việc xây dựng nông thôn mới, nhưng rõ ràng, mô hình chúng ta đang tiến hành chưa được nhuần nhuyễn.
- Vì sao lại như vậy? Rõ ràng, chúng ta đã chú ý đến sự kế thừa, khi chú trọng việc xây dựng hương ước ở rất nhiều làng xã trong cả nước?
- Từ năm 1992 chúng ta tái lập hương ước, nhưng thẳng thắn mà nói, hương ước hiện nay hầu như không ăn nhập gì với đời sống làng. Hương ước vốn là tục dân, do người dân tự thảo luận, đề ra và cùng với chính quyền thông qua để thực hành. Rất tự nguyện, và là của người dân, không phải do ai áp đặt. Nhưng hiện nay hương ước được hình thành chủ yếu theo phương thức từ trên “áp đặt” xuống. Ở nhiều địa phương, hương ước các làng đa phần đều na ná như nhau, chỉ thay tên làng… Trong khi, trước đây, hương ước các làng đều có nét riêng. Tôi đã từng đọc một số hương ước chữ Hán Nôm, thì thấy chủ yếu là thường dân tham gia vào chuyện xây dựng nội dung, vì đó là những quy định liên quan trực tiếp đến họ. Họ có thể rất ít học, nhiều người không biết chữ nên không biết ký mà điểm chỉ vào hương ước, nhưng đa số là thường dân, có những hương ước đến 80-90% người tham gia điểm chỉ. Nhưng họ là người thi hành.
Cách thức xây dựng hương ước theo kiểu từ trên xuống hiện nay đang làm cho hương ước mất đi giá trị, vì những quy định đó không gắn liền với quyền lợi và nhận thức trực tiếp của người dân. Thành thử, một công cụ mềm để quản lý làng xã rất hiệu quả đã bị xem nhẹ, bỏ qua.
Hãy để người dân nói lên tiếng nói của mình
- Theo như phân tích ban đầu của ông, thì một số giá trị của văn hóa làng xã, bước vào thời đại mới, lại dễ trở thành vật cản cho phát triển?
- Điều đó có phần đúng. Xã hội hiện đại đang có quá nhiều thay đổi. Con người có thể ngồi ở làng nhưng biết rất nhiều chuyện của thế giới, nên việc muốn giữ văn hóa cổ truyền, hay đem những yếu tố văn hóa hiện đại về làng đều cần phải được tính đếm cho kỹ.
Hiện nay, nhiều người cho rằng, văn hóa cổ truyền là vốn quý, cần phải giữ lại trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, cần phải khách quan, khoa học và cẩn trọng nhìn nhận xem nên giữ lại cái gì? Có những thứ là truyền thống thật đấy nhưng không còn phù hợp nữa thì cũng không nên giữ lại. Cần phải hiểu, nhà - làng - nước là những thực thể gắn bó chặt chẽ với nhau từ xưa đến nay, và sau này cũng sẽ thế, không thể tách rời. Nếu tách rời thì sẽ tan vỡ ngay, rất nguy hiểm. Đó chính là khối đoàn kết cộng đồng tạo nên sức mạnh Việt Nam. Làng chính là căn cốt của nước Việt. Nếu không giải quyết tốt sự phát triển của làng, thì nước không phát triển tốt được. Nếu xem thường, bỏ rơi, không đầu tư đúng mức thì làng xã sẽ tự phát triển theo logic riêng của mình, không có lợi cho sự phát triển chung của đất nước.
- Với góc nhìn của một chuyên gia nghiên cứu lâu năm và đã có những đề tài mang tính quốc tế nhìn sâu về vấn đề này, ông có thể đề xuất những giải pháp để bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị của văn hóa làng xã Việt trong thời hiện đại?
- Thực tế, mong muốn của chúng ta hiện nay là nông thôn phải được phát triển theo xu hướng hiện đại, giống như các nước phát triển. Con đường chung là phải hiện đại hóa nông thôn. Chúng ta cũng đang tiến trên con đường chung ấy, nhưng rõ ràng, chúng ta vẫn chưa tìm đúng gốc vấn đề nên dù có sự quan tâm nhiều hơn trước, nhưng sự nghiệp hiện đại hóa nông thôn vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn. Cần nhìn rộng ra, chúng ta có hàng vạn làng xã, với những điều kiện tự nhiên - xã hội rất khác nhau, chúng ta phải huy động được người dân để họ được nói lên tiếng nói của mình, tự tìm ra và đề xuất kế hoạch xây dựng kinh tế - văn hóa - xã hội phù hợp với điều kiện của địa phương.
Chúng ta hiện đang thiếu quá nhiều thứ. Bên cạnh phương thức quản lý phù hợp, chúng ta còn đang thiếu hụt nguồn lực xã hội để tạo đà cho sự phát triển của các vùng nông thôn. Chính vì vậy, con đường để phát triển làng xã theo kịp sự phát triển của đất nước vẫn là con đường rất lâu dài, chứ không thể là ngày một, ngày hai. Nhưng trước mắt, cần gấp rút thay đổi cung cách ứng xử với làng xã.
- Xin cảm ơn những ý kiến tâm huyết của ông.