Nơi đăng kí dự thi
Những thí sinh đã tốt nghiệp THPT (đăng kí dự thi xét tuyển ĐH, CĐ) đăng ký tại Phòng GDĐT các quận, huyện nơi thí sinh cư trú.
Những thí sinh chưa tốt nghiệp THPT: Người đã học hết chương trình THPT trong năm học 2016-2017 đăng kí dự thi tại trường phổ thông nơi học lớp 12, không được đăng kí dự thi ở các cơ sở khác.
Thí sinh tự do (đã học hết chương trình THPT trong năm học 2015-2016 trở về trước nhưng chưa tốt nghiệp THPT) đăng kí dự thi tại trường phổ thông trên địa bàn quận, huyện, thị xã nơi cư trú (theo xác nhận về cư trú của UBND cấp xã) hoặc tại trường THPT nơi học lớp 12.
Thí sinh tự do đang đi công tác xa nếu có đủ căn cứ về việc không thể dự thi tại nơi cư trú và nơi học lớp 12 được đăng ký dự thi tại trường THPT trên địa bàn nơi công tác. Thí sinh đã tốt nghiệp trung cấp đăng ký dự thi tại trường THPT trên địa bàn quận, huyện, thị xã nơi cư trú.
Chỉ đăng kí 1 số chứng minh nhân dân/thẻ căn cước
Thí sinh đăng kí dự thi phải có chứng minh nhân dân/thẻ căn cước. Phần mềm quản lý sử dụng số chứng minh nhân dân/thẻ căn cước làm số định danh cho thí sinh. Nếu thí sinh có hai chứng minh nhân dân trở lên chỉ được sử dụng một số chứng minh nhân dân/thẻ căn cước để đăng kí dự thi và tuyển sinh ĐH, CĐ.
Phải đăng ký xét tốt nghiệp
Theo quy định, những thí sinh muốn xét tuyển vào các trường CĐ, ĐH đều phải tốt nghiệp THPT. Do đó, thí sinh cần lưu ý khi làm thủ tục đăng ký thi cần đăng ký phần xét tốt nghiệp để tránh trường hợp dù thi được điểm cao nhưng vẫn trượt.
Và thực tế, đã có những thí sinh rơi vào trường hợp trên.
Thí sinh cũng lưu ý, điểm mới năm nay là phiếu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ được in ra cùng một tờ, thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển cùng với đăng ký dự thi. Theo hướng dẫn của Bộ GDĐT, sau khi học sinh nộp đăng ký, bộ phận thu nhận hồ sơ của các trường THPT phải nhập vào phần mềm, sau đó in kết quả và giao cho từng lớp một rà soát xem đúng hay chưa để học sinh ký vào. Các trường cũng phải công bố công khai những trường hợp không đủ điều kiện dự thi trước ngày 2.6.
Học hệ nào, đăng ký thi hệ đó
Một thay đổi quan trọng nữa là năm nay, thí sinh tự do và thí sinh hệ giáo dục thường xuyên sẽ được xếp phòng thi riêng đối với bài thi tổ hợp. Với thí sinh tự do, các em được chọn môn thi trong bài thi tổ hợp để xét tốt nghiệp hoặc xét tuyển ĐH, CĐ. Với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên, bài thi tổ hợp khoa học xã hội chỉ có 2 môn là lịch sử và địa lý vì môn giáo dục công dân không có trong chương trình. Vì thế, thí sinh học hệ nào phải đăng ký thi đúng hệ đó.
Chứng chỉ tiếng Anh chỉ có giá trị miễn thi tốt nghiệp
Theo quy chế thi THPT quốc gia và xét tốt nghiệp THPT, một số loại chứng chỉ của các môn ngoại ngữ có giá trị để xét tốt nghiệp. Vì vậy, thí sinh đăng kí xét tuyển vào các ngành sử dụng kết quả môn ngoại ngữ, các em phải đăng ký dự thi môn này (đồng thời đăng ký miễn thi môn ngoại ngữ để xét tốt nghiệp).
Ngoài ra, với môn ngoại ngữ, thí sinh có thể đăng kí thi ngoại ngữ khác với môn ngoại ngữ đã được học tại trường. Ví dụ, thí sinh học tiếng Anh tại trường nhưng vẫn có thể đăng kí thi môn tiếng Nhật nếu có đủ khả năng.
Các môn thi bảo lưu chỉ để xét tốt nghiệp
Các thí sinh tự do chưa tốt nghiệp THPT năm 2016, khi đăng ký dự thi cần chú ý một số thông tin quan trọng: Các môn thi được bảo lưu năm trước, chỉ có giá trị để xét tốt nghiệp THPT, không thể xét tuyển sinh ĐH, CĐ. Vì vậy, nếu muốn đăng ký xét tuyển sinh ĐH, CĐ mà có môn được bảo lưu kết quả năm 2016, năm nay, học sinh vẫn phải đăng ký dự thi.
Không nên đăng ký nguyện vọng tràn lan
Quy chế thi THPT quốc gia năm nay cho phép thí sinh đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng xét tuyển vào các trường CĐ, ĐH. Đồng thời, thí sinh cũng có quyền được chọn 1 trong 2 bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội hoặc thi đồng thời cả 2 bài thi để công nhận xét tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường CĐ, ĐH.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia tuyển sinh, dù Bộ không giới hạn số lượng nguyện vọng nhưng thí sinh cần chú ý đăng ký khi bản thân chắc chắn trúng tuyển vào ngành đó, không nên đăng ký cho xong. Theo PGS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, thí sinh chỉ nên đăng ký những ngành mà mình yêu thích, tránh trường hợp đăng ký xong, trúng tuyển nhưng cuối cùng lại không đi học. Ông Nghĩa cũng gợi ý thí sinh nên ưu tiên những ngành, trường mà mình yêu thích lên trước thay vì những nguyện vọng chắc ăn để tránh trường hợp dù đủ điểm nhưng lại không đỗ vì không dám đăng ký.
Được quyền thay đổi nguyện vọng sau khi biết điểm thi
Thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng kí xét tuyển 1 lần sau khi đã có kết quả thi THPT quốc gia (trong thời gian quy định) và chỉ được sử dụng 1 trong 2 phương thức.
Theo đó, ngay sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, mỗi thí sinh chỉ được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển một lần trong thời gian quy định, và chỉ được sử dụng một trong hai phương thức: Trực tuyến hoặc bằng phiếu điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển.
Để điều chỉnh bằng phương thức trực tuyến (từ ngày 15 đến 21/7), thí sinh sử dụng tài khoản và mật khẩu cá nhân đã được cấp, thực hiện việc điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Phương thức này chỉ chấp nhận khi số lượng nguyện vọng sau khi điều chỉnh không lớn hơn số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu trong phiếu đăng ký xét tuyển.
Khi thí sinh muốn điều chỉnh tăng thêm số lượng nguyện vọng so với số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu trong phiếu đăng ký xét tuyển, thì bắt buộc phải điều chỉnh bằng phiếu điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển, và phải nộp bổ sung lệ phí cho số nguyện vọng tăng thêm theo quy định (từ ngày 15/7 đến 23/7).
Thí sinh phải điền đầy đủ thông tin vào phiếu điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển và gửi trực tiếp về điểm thu nhận hồ sơ. Thí sinh phải ghi đúng mã trường, mã ngành/nhóm ngành, mã tổ hợp xét tuyển theo quy định của trường. Nguyện vọng nào ghi không đúng sẽ không được hệ thống phần mềm chấp nhận và bị loại.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng: Không khuyến khích việc phải thay đổi này. Nếu có thay đổi cũng chỉ rơi vào trường hợp, tất cả NV đều thấp hoặc đều cao hơn so với điểm thi.