Khác với các môn khác, môn GDCD có lượng kiến thức ít hơn, gói gọn trong 27 tuần học với 9 bài học, nhưng không chỉ thuần túy kiến thức sách vở, môn GDCD có nội dung kiến thức phủ rộng, đòi hỏi học sinh phải bắt nhịp với thực tiễn cuộc sống. Với hình thức thi trắc nghiệm, học sinh phải chọn phương án thể hiện thái độ phù hợp với quy chuẩn đạo đức, pháp luật.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoa Phượng, giáo viên môn GDCD Trường THPT Hai Bà Trưng: “Việc đưa môn GDCD vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2017 là một quyết định đúng, bởi đây là một môn học đặc thù, trang bị nhiều mảng kiến thức cốt lõi hình thành nhân cách học sinh”. TS. Hoa Phượng cho hay, việc xem môn GDCD là “cứu cánh” cho kỳ thi tốt nghiệp THPT là không đúng, tuy nhiên học sinh sẽ không quá khó để đạt điểm cao nếu học nắm chắc kiến thức chuẩn và biết vận dụng kiến thức để xử lý tình huống trong bài thi. Qua quá trình quan sát, tiếp cận thông tin từ các trường, TS. Hoa Phượng nhận xét, sau khi học sinh làm các đề thi thử của Bộ GD&ĐT thì kết quả điểm môn GDCD “nhỉnh” hơn các môn trong khối khoa học môn xã hội như sử, địa một chút. Tại Trường THPT Hai Bà Trưng, không có em nào rơi vào mức điểm dưới trung bình, số điểm từ 6 đến dưới 8 chiếm tỷ lệ cao và khoảng hơn 20% học sinh đạt từ 8 điểm trở lên.
Em Trương Hải Uyên Thi (lớp 12 Văn, Trường THPT chuyên Quốc Học) chia sẻ: “Mỗi ngày em sẽ học một ít, đến cuối tuần tổng hợp lại những kiến thức mình đã học. Ngoài ra, em làm các đề nâng cao kiến thức, làm đề đặt tình huống”. Uyên Thi cho biết, ban đầu hơi bỡ ngỡ vì trước đây ở các bài kiểm tra và thi học kỳ môn GDCD thường làm đề tự luận, các em dùng lập luận để bày tỏ quan điểm trên bài làm. Đối với hình thức thi trắc nghiệm, khó khăn mà các em gặp phải sẽ là các đáp án nhiễu, nếu xử lý theo cảm tính sẽ dễ sai. Do đó, Thi cho rằng dù là thi trắc nghiệm nhưng đòi hỏi bản thân học sinh phải tự phân tích, đánh giá, tổng hợp tình huống và tự đưa ra những lập luận chặt chẽ, logic.
Em Lê Trần Ngọc Khánh (lớp 12 Văn, Trường THPT chuyên Quốc Học) cho hay: “Em cảm thấy môn GDCD khá gần gũi và sát thực với đời sống. Em nghĩ muốn thi đạt kết quả tốt môn này thì ngoài việc học ra cần phải có sự liên hệ, liên kết với các môn học khác như văn, sử, địa. Bên cạnh đó, em thường theo dõi và cập nhật tin tức để tránh bỡ ngỡ khi đề thi đưa những câu hỏi về sự kiện mang tính thời sự, đang xảy ra trong cuộc sống hằng ngày”. Khánh chia sẻ thêm, ban đầu có hơi hoang mang khi biết môn GDCD lần đầu tiên được đưa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhưng qua các đề thi thử nghiệm của Bộ GD&ĐT thì em đã nắm bắt được các dạng thức ra đề, biết mức độ hiện tại của bản thân đến đâu để trau dồi thêm. Cả Thi và Linh đều nhận định GDCD là môn thi dễ mà không dễ, muốn thi tốt cần một thái độ học tập nghiêm túc như với các môn học khác và vận dụng được nhiều kỹ năng. Hai em thường chia theo chủ đề bài học để ôn thi và học nhóm, chấm chéo kết quả của nhau để củng cố kiến thức, trao đổi cách tư duy để chọn ra hướng đi đúng đắn nhất khi làm bài.
Nội dung kiến thức thi môn GDCD dàn trải hầu hết trong chương trình cũng chính vì lẽ đó, các giáo viên bộ môn khuyến nghị học sinh nên hệ thống lại toàn bộ kiến thức, tránh tình trạng học tủ, học lệch. Và việc học “vẹt” các khái niệm trong sách giáo khoa không phải là phương án tối ưu để thi tốt, học sinh được giáo viên hướng dẫn cách hiểu, nhìn nhận vấn đề để từ đó có thể biết cách vận dụng. Quá trình học tập và vận dụng kiến thức môn GDCD mang ý nghĩa giúp học sinh có thể nhận diện được đúng sai, ý thức thực hiện hành vi đúng pháp luật, đúng với chuẩn mực đạo đức của xã hội. Và khi môn GDCD được đưa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ kiểm nghiệm được những giá trị thực tiễn và trả về đúng vị trí, vai trò của môn học này.