Giảm nửa mức đóng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Theo Nghị định 44/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ quy định mức đóng BHXH bắt buộc vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6, người sử dụng lao động hàng tháng đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Khoản 3, Điều 44 Luật An toàn, vệ sinh lao động với mức được điều chỉnh như sau:
Giảm từ 1% xuống còn 0,5% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động được quy định tại các Điểm a, b, c, d, đ và h, Khoản 1, Điều 2 Luật BHXH 2014 (trừ đối tượng là người giúp việc).
Giảm từ 1% xuống còn 0,5% trên lương cơ sở đối với người lao động quy định tại Điểm e, Khoản 1, Điều 2 Luật BHXH 2014.
Đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng sẽ thực hiện quy định trên kể từ ngày 1/1/2018.
Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả lương theo sản phẩm, theo khoán thì mức đóng hằng tháng theo quy định tại Điểm a, Khoản 1 Điều này (0,5%); phương thức đóng được thực hiện hằng tháng, 3 tháng hoặc 6 tháng một lần.
Mức lương hưu hàng tháng của quân nhân, công an nhân dân
Từ ngày 26/6, Nghị định số 33/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân có hiệu lực.
Theo đó, quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu bắt đầu hưởng lương hưu hàng tháng từ năm 2016 đến hết năm 2017, tỷ lệ hưởng lương hưu được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.
Quy định mới về vật tư y tế được BHYT thanh toán
Ngày 14/04/2017, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 04/2017/TT-BYT về việc ban hành Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với vật tư y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT, quy định mức thanh toán tổng chi phí vật tư y tế cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật không vượt quá 45 tháng lương cơ sở.
Nếu lấy thời điểm tháng lương cơ sở bằng 1.210.000 đồng, trường hợp người bệnh là đối tượng tham gia BHYT có mức hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh thì mức thanh toán = 45 x 100% x 1.210.000 = 54.450.000 đồng.
Trường hợp người bệnh là đối tượng tham gia BHYT có mức hưởng 95% chi phí khám bệnh, chữa bệnh nhưng chưa đủ thời gian tham gia BHYT liên tục trên 5 năm, mức thanh toán sẽ là 45 x 95% x 1.210.000 = 51.727.500 đồng...
Danh mục vật tư y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT là cơ sở để quỹ BHYT thanh toán chi phí vật tư y tế sử dụng cho người tham gia BHYT theo quy định của pháp luật về BHYT.
Trường hợp người tham gia BHYT vào viện trước ngày Thông tư 04/2017/TT-BYT có hiệu lực (ngày 1/6/2017) và ra viện trong ngày hoặc sau ngày Thông tư này có hiệu lực thì thực hiện theo quy định tại Thông tư này.
Không có BHYT sẽ chịu phí khám chữa bệnh cao hơn
Ngày 15/3/2017, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 02/2017/TT-BYT quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT trong các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám chữa bệnh trong một số trường hợp (có hiệu lực từ ngày 1/6/2017), người bệnh chưa tham gia BHYT, người có thẻ BHYT nhưng khi khám chữa bệnh hoặc sử dụng các dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT sẽ phải chịu mức phí điều chỉnh.
Có 3 nhóm dịch vụ dành cho người chưa có thẻ BHYT được điều chỉnh khung giá tối đa là giá dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khoẻ; giá dịch vụ ngày giường điều trị; giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm dành cho các hạng bệnh viện. Trong đó, 2 nhóm dịch vụ khám bệnh và dịch vụ ngày giường điều trị đều có mức tăng cao gấp 2-4 lần so với giá hiện tại, tiền khám bệnh đã tăng gấp 4 lần ở phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã; tăng 2 lần ở bệnh viện hạng 1 và hạng 2.
Thông tư cũng bổ sung giá của 35 dịch vụ chưa được BHYT chi trả như: dịch vụ thẩm mỹ, thay răng giả, trợ thính, điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ...
Mức tăng này sẽ là gánh nặng đáng kể với người bệnh không có BHYT phải điều trị nội trú dài ngày và tác động mạnh nhất đến người bệnh chưa có thẻ BHYT là nhóm giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm dành cho các hạng bệnh viện, bất kể người bệnh điều trị ngoại trú hay nội trú, điều trị ít ngày hay dài ngày.