Kỳ thi bao gồm năm bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Tính đến ngày 10-6, Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia của Bộ GD và ÐT đã hoàn thành việc ra đề và bàn giao đề thi cho hội đồng in sao đề thi các địa phương trên cả nước.
Ðể kỳ thi năm nay diễn ra an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, Bộ GD và ÐT cũng như các địa phương đang tích cực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho kỳ thi. Việc tổ chức các bài thi tổ hợp dẫn đến những băn khoăn của thí sinh; đồng thời tạo phức tạp hơn trong công tác coi thi và tăng khối lượng công việc trong in sao đề thi. Vì vậy, Bộ đã tăng cường truyền thông để tạo sự đồng thuận; công bố các đề thi minh họa, thử nghiệm, tham khảo để giúp thí sinh tập dượt, làm quen với phương thức thi mới. Khâu biên soạn đề thi được thực hiện với mục tiêu chính xác, khoa học, chặt chẽ, phân loại được thí sinh.
Ðề thi được biên soạn có nội dung trong chương trình phổ thông, chủ yếu lớp 12, theo hướng đánh giá năng lực người học, như: Tăng cường vận dụng kiến thức, các câu hỏi mở, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. Công tác in sao đề thi được thực hiện theo ba vòng độc lập, cách ly, đáp ứng yêu cầu bảo mật. Mặt khác, Bộ GD và ÐT bố trí các trường đại học, cao đẳng (ÐH, CÐ) tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương. Trong mỗi phòng thi sẽ có một cán bộ là giáo viên THPT của tỉnh và một cán bộ giảng viên ÐH, CÐ làm giám thị.
Tại mỗi điểm thi sẽ có một cán bộ đến từ trường ÐH, CÐ làm phó trưởng điểm thi; lãnh đạo trường ÐH, CÐ làm phó ban chấm thi; cán bộ, giảng viên của các trường sẽ tham gia chấm thi. Ðáng chú ý, ngày 11-6, Bộ GD và ÐT đã phối hợp một số đơn vị tổ chức lễ ra quân chương trình "Tiếp sức mùa thi" năm 2017 với hơn 85 nghìn tình nguyện viên tham gia nhằm hỗ trợ công tác tổ chức thi, nhất là hỗ trợ thí sinh và người nhà thí sinh…
Mặc dù có sự chuẩn bị, vào cuộc tích cực của các cơ quan, đơn vị liên quan nhưng kỳ thi THPT quốc gia diễn ra trên cả nước với nhiều điểm mới đang đòi hỏi có thêm những giải pháp hữu hiệu để kỳ thi thật sự hiệu quả, đáp ứng mong mỏi của toàn xã hội. Trong đó, với khâu in sao đề thi trắc nghiệm, ngoài công tác bảo mật, các địa phương cần chuẩn bị máy móc, thiết bị, văn phòng phẩm đầy đủ, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật in sao với số lượng lớn nhưng lại đòi hỏi chất lượng in sao tốt. Bảo đảm có đọc dò, kiểm soát chính xác số lượng thí sinh ở từng phòng thi, điểm thi, môn thi để phân phối đề thi.
Bên cạnh đó, việc giao quyền chủ động cho các sở GD và ÐT tổ chức thi gây nên những băn khoăn trong dư luận xã hội về tính nghiêm túc. Vì vậy, ngoài việc bố trí cán bộ các trường ÐH, CÐ cùng coi, chấm thi, Bộ GD và ÐT cần đẩy mạnh tập huấn nghiệp vụ, nêu cao ý thức trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ tham gia tổ chức thi thực hiện nghiêm quy chế; đồng thời tăng cường công tác thanh tra nhằm bảo đảm tất cả các vi phạm quy chế thi đều sẽ được xử lý nghiêm túc, đủ sức răn đe.
Ðối với các địa phương, ngoài việc chuẩn bị chu đáo phương án tổ chức kỳ thi, cần chuẩn bị phương án dự phòng các tình huống có thể xảy ra. Coi trọng công tác phổ biến kỹ các quy chế, quy định cho cán bộ coi thi và thí sinh. Các cơ sở giáo dục, chính quyền địa phương và các ban ngành cần phối hợp chặt chẽ, cùng chung sức giúp đỡ thí sinh dự thi với phương châm không để thí sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn… Có như vậy mới bảo đảm tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 an toàn, nghiêm túc, công bằng và minh bạch, tạo niềm tin trong xã hội.