Điểm sáng từ cơ sở
Đến thăm cụ bà Lê Thị Dặn, 95 tuổi, Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) ở tổ dân phố (TDP) 5, phường Hương Chữ, mẹ khoe: “Nhà mẹ mới được mấy đoàn viên thanh niên tới quét sơn thiệt đẹp. Mẹ mừng lắm”. Trên tường là một dãy những kỷ niệm chương, huân chương, danh hiệu mẹ VNAH... được treo trang trọng. Có chồng và con trai hy sinh trong hai cuộc kháng chiến (liệt sĩ Nguyễn Bá Kỳ và Nguyễn Bá Khuê), bản thân mẹ cũng là thương binh, từng bị địch bắt tù đày. Bây giờ mẹ sống với cháu trai. Mẹ bảo, mắt thấy còn rõ nhưng tai đã lãng đi nhiều và ngày ngày mẹ vẫn tự đi chợ nấu ăn, chăm sóc mảnh vườn. Tuy mệt, nhưng đó là niềm vui. “Mẹ có hài lòng về những gì mà địa phương quan tâm tới gia đình không? Tôi nắm tay mẹ và nhận lại nụ cười: “Hài lòng chớ con. Mấy đứa thường tới thăm mẹ”. Nói rồi mẹ rưng rưng nước mắt kể về những lần bị địch bắt, tra tấn “tưởng không sống nổi”...
Dù là địa phương còn nhiều khó khăn, đối tượng chính sách nhiều với 42 mẹ VNAH (hiện còn sống 1), gần 270 gia đình liệt sĩ, 60 thương binh, hơn 150 người có công với cách mạng, hàng chục đối tượng bị nhiễm chất độc hóa học... nhưng nhiều năm liền, Hương Chữ luôn làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa. Bí thư Đảng ủy phường Hương Chữ Lê Đình Nam cho hay, do nguồn ngân sách ít, hàng năm, phường đều vận động kêu gọi và tranh thủ nhiều nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, nhà hảo tâm... để xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa cho các đối tượng gia đình chính sách nghèo, hỗ trợ vay phát triển kinh tế gia đình; trích ngân sách gần 40 triệu đồng để thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách nhân dịp lễ, tết; đồng thời, chi hàng chục triệu đồng để cất bốc mộ liệt sĩ, hỗ trợ đột xuất cho các đối tượng khi ốm đau hoạn nạn. Địa phương cũng đã hoàn thành việc xây dựng nhà tình nghĩa cho các gia đình liệt sĩ, người có công cách mạng bằng kinh phí từ nguồn vận động các tổ chức, nhà hảo tâm...
Những việc làm tri ân
Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thị xã Hương Trà Nguyễn Văn Định đang tất bật chuẩn bị cho “tháng cao điểm” của phòng. Trong câu chuyện xoay quanh công tác đền ơn, đáp nghĩa của địa phương, ông chia sẻ: “Đền ơn, đáp nghĩa không phải việc “đến hẹn lại lên” mà là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp chính quyền và nhân dân thị xã. Đó là tình cảm và sự tri ân đối với những người có công, những người đã hy sinh xương máu cho hòa bình, độc lập. Chính vì vậy, địa phương luôn kịp thời thực hiện đúng chế độ đối với các gia đình chính sách, người có công cách mạng. Thị ủy đã chỉ đạo, vận động các ban, ngành, hội, đoàn thể tuyên truyền vận động toàn xã hội tham gia công tác đền ơn đáp nghĩa, giúp họ có cuộc sống vui vẻ về tinh thần, ổn định về vật chất”.
Vào các dịp lễ tết, nhất là vào ngày 27/7 hàng năm, ngoài việc tổ chức rà soát, lập danh sách đối tượng người có công (hiện, thị xã có 16.368 lượt người có công và thân nhân được hưởng trợ cấp hàng tháng; 319 lượt người được hưởng trợ cấp 1 lần; 221 bà mẹ VNAH được công nhận vinh danh, trong đó có 7 mẹ còn sống...), các đơn vị, địa phương đều tổ chức nhiều hoạt động như: viếng nghĩa trang liệt sĩ, tu bổ các công trình ghi ơn, tổ chức thăm, tặng quà và động viên các thương, bệnh binh, gia đình chính sách tiêu biểu và các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tìm và quy tập mộ liệt sĩ về an táng (trong 5 năm đã quy tập được 19 mộ liệt sĩ). Hằng năm, cấp hơn 2.600 thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng, thân nhân đối tượng người có công theo quy định...
Trong 5 năm (2012-2017), địa phương đã vận động đóng góp được hơn 1,2 tỷ đồng để xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Hàng năm, đầu tư gần 150 triệu đồng để tu bổ Nghĩa trang liệt sĩ, tặng quà các dịp lễ, tết...
Hướng đến kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7), cùng với việc chăm sóc phụng dưỡng Mẹ VNAH, giúp gia đình liệt sĩ và thương bệnh binh vay vốn sản xuất, từ ngân sách của Trung ương và địa phương, thị xã đã đầu tư trên 2 tỷ đồng nâng cấp, sửa chữa Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ xã Hương Toàn, Nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) phường Hương Xuân, NTLS xã Hương Phong, Bình Điền...