Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết:, ngày 20/9/2017, Bộ Y tế đã chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thống nhất ban hành Quyết định số 4210/QĐ-BYT qui định chuẩn và định dạng dữ liệu đầu ra sử dụng trong quản lý và giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nhằm giúp các cơ sở khám chữa bệnh chỉ phải áp dụng và thực hiện theo một quy chuẩn duy nhất.
Đồng thời, các cổng tiếp nhận dữ liệu cũng đã xây dựng và đăng tải tài liệu hướng dẫn kỹ thuật để các cơ sở khám chữa bệnh trích xuất dữ liệu khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo chuẩn định dạng dữ liệu mới để chuyển lên Cổng dữ liệu y tế của Bộ Y tế và Cổng tiếp nhận dữ liệu thuộc hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Đặc biệt, thời gian gần đây, mặc dù có nhiều khó khăn, thử thách, thay đổi nhưng các bên liên quan đã tích cực chỉnh sửa, hoàn thiện phần mềm HIS để đáp ứng theo chuẩn mới do Bộ Y tế ban hành.
Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh: Sau khi ban hành Quyết định số 4210, trên cơ sở đề nghị của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, ngày 30/10/2017, Bộ Y tế đã ban hành công văn gửi các cơ sở khám chữa bệnh trong toàn quốc đề nghị các đơn vị gửi dữ liệu lên các cổng tiếp nhận của Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam theo chuẩn mới, qua đó rút kinh nghiệm để hoàn thiện phần mềm và cổng tiếp nhận. Do đó, các đại biểu cần thảo luận và thẳng thắn trao đổi các khó khăn, vướng mắc cũng như đề xuất các giải pháp để kịp thời tháo gỡ khó khăn khi thực hiện tin học hóa trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Một trong những nội dung quan trọng trong hội nghị là dự thảo Thông tư qui định về trích chuyển dữ liệu điện tử, qui định trách nhiệm của đơn vị gửi và đơn vị tiếp nhận dữ liệu, cơ quan quản lý. Thứ trưởng đề nghị các đơn vị nghiên cứu kỹ, đầy đủ các khía cạnh liên quan và đặc biệt là khả năng thực hiện tại cơ sở khám chữa bệnh để Bộ Y tế tổng hợp, ban hành, làm cơ sở cho các đơn vị tổ chức thực hiện...
Theo báo cáo của Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), đến nay, các cơ quan, đơn vị đã triển khai thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; đặc biệt, ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng một hệ thống kết nối liên thông khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trong toàn quốc.
Các cơ sở y tế đã và đang tiếp tục cập nhật, hoàn thiện phần mềm theo chuẩn qui định để đảm bảo dữ liệu trích xuất và kết nối giữa cơ sở khám chữa bệnh với Bộ Y tế và với cơ quan Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đạt kết quả cao nhất. Cụ thể: Đến ngày 6/6/2017, tỷ lệ kết nối liên thông và thực hiện giám định điện tử trên toàn quốc đạt 98,77%. Một số tỉnh có tỷ lệ đạt thấp như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Long An...
Tuy nhiên, hoạt động triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thời gian qua vẫn gặp nhiều hạn chế như: Người đứng đầu chưa thực sự quan tâm, hiểu hết ý nghĩa của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh và giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Bảo hiểm xã hội ban hành văn bản không thống nhất, thiếu cụ thể; kinh phí, nhân lực chuyên sâu về công nghệ thông tin còn thiếu...
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số nội dung chính như: Các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm để triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đến hết năm 2017; cập nhật chuẩn dữ liệu đầu ra; hướng dẫn kỹ thuật về việc gửi dữ liệu lên cổng tiếp nhận dữ liệu...