Tìm kiếm tin tức
“Chặn” HIV từ mẹ sang con
Ngày cập nhật 22/07/2019
Tư vấn, lấy máu xét nghiệm HIV tự nguyện cho phụ nữ tại thị xã Hương Trà

Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (LTMC) là chương trình mang ý nghĩa nhân văn được triển khai hiệu quả trong nhiều năm qua ở Thừa Thiên Huế. Đây là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giảm tỷ lệ trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ.

Triển khai về xã, phường

Thị xã Hương Trà là một trong những địa phương hưởng ứng tích cực chương trình LTMC sau khi Thừa Thiên Huế phát động vào năm 2008.

Hàng năm,16 xã, phường ở địa phương này phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền vận động, giúp phụ nữ chủ động tìm hiểu, nắm rõ nguy cơ lây nhiễm HIV để biết cách dự phòng. Trong tháng cao điểm (tháng 6 hàng năm), cán bộ Trung tâm Y tế (TTYT) thị xã Hương Trà phối hợp các trạm y tế vận động tư vấn, khám, lấy máu xét nghiệm HIV miễn phí tại cơ sở cho các phụ nữ mang thai, bình quân 30-40 trường hợp/xã, phường.

Phường Hương Chữ là địa bàn thuần nông của thị xã Hương Trà nhưng đã chú trọng đến LTMC. Hầu hết phụ nữ mang thai đều được khám theo dõi sức khỏe thai kỳ và tư vấn lấy máu xét nghiệm HIV. Sáu tháng đầu năm 2019, phường vận động 116/129 trường hợp phụ nữ mang thai xét nghiệm HIV, trong đó tháng cao điểm có 24 trường hợp. Nhờ đẩy mạnh truyền thông, tư vấn dự phòng, hiện ở Hương Chữ chưa phát hiện trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Đáng mừng hơn có trường hợp nhiễm HIV mấy năm nay được tư vấn điều trị thuốc kháng vi rút (ARV), hiện đã mang thai tháng thứ 6 nhưng qua kết quả xét nghiệm âm tính với HIV.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Phòng, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật và "H", TTYT thị xã Hương Trà cho biết, mỗi năm ở địa phương có khoảng 2 nghìn phụ nữ mang thai đều được khám theo dõi sức khỏe thai nhi định kỳ và hơn 50% được vận động tham gia xét nghiệm HIV tự nguyện. Thành công trên nhờ ban ngành, đoàn thể và đơn vị chức năng địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông, cung cấp các dịch vụ tư vấn xét nghiệm tự nguyện cho phụ nữ mang thai thuận lợi.

Thành phố Huế, thị xã Hương Thủy và huyện Phú Vang đã triển khai tốt chương trình LTMC. Đến nay có 100% xã, phường trong tỉnh hưởng ứng tích cực, bình quân hàng năm có khoảng 18-20 nghìn trường hợp phụ nữ mang thai tham gia xét nghiệm HIV tự nguyện. Năm 2018, có hơn 20 nghìn trường hợp xét nghiệm HIV,  trong đó  9 huyện, thành phố triển khai hơn 7,3 nghìn trường hợp; phát hiện 7 trường hợp dương tính. Có 6 phụ nữ mang thai nhiễm được điều trị phác đồ thuốc ARV đã sinh con không nhiễm HIV. Trong 6 tháng đầu năm 2019, số xét nghiệm HIV ở phụ nữ mang thai toàn tỉnh ước tính gần 13 nghìn trường hợp. Có 1 phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị dự phòng ARV sớm nên trẻ sinh ra âm tính với HIV.

Chủ động dự phòng

Lây từ mẹ sang con là 1 trong 3 con đường chính làm lây truyền HIV với nguy cơ lây truyền là 25-40%. Nếu bà mẹ được chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả thì tỷ lệ lây chỉ còn 2-4%, thậm chí là 0%. Dự phòng là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giảm đáng kể tỷ lệ trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ.

(Bác sĩ chuyên khoa I Châu Văn Thức, Trưởng phòng Khám chuyên khoa và Điều trị nghiện chất, CDC tỉnh)

Kết quả trên là tín hiệu đáng mừng, song hiện nay vẫn còn không ít phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ hoặc phụ nữ mang thai có thể chưa biết tình trạng nhiễm HIV của bản thân nên không tiếp cận được dịch vụ LTMC sớm, nhất là phụ nữ đi làm ăn xa, tự do, thường phát hiện lúc chuyển dạ. Do đó, ảnh hưởng đến hiệu quả của việc điều trị dự phòng LTMC. Ngoài ra, ngân sách chương trình hạn chế nên sinh phẩm để xét nghiệm HIV ở phụ nữ mang thai không đáp ứng nhu cầu thực tế, chỉ miễn phí cho các trường hợp nghèo, khó khăn, đối tượng có nguy cơ cao. Hơn nữa, việc xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai bằng nguồn BHYT theo Thông tư 15/2015/TT-BYT về hướng dẫn thực hiện khám bệnh, chữa bệnh BHYT đối với người nhiễm HIV và người sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV chưa được áp dụng rộng rãi tại các cơ sở y tế, nhất là tuyến huyện.

Theo bác sĩ CK II Nguyễn Lê Tâm, Trưởng khoa PC HIV/AIDS, CDC tỉnh, để LTMC chuyển biến mạnh mẽ hơn, hướng đến loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào 2025, phải tập trung truyền thông về lợi ích nhân văn của chương trình. Ngoài phát hiện sớm phụ nữ mang thai nhiễm HIV để dự phòng tốt thì việc tăng cường trách nhiệm của nam giới trong việc bảo vệ gia đình không bị nhiễm là rất quan trọng để phòng lây nhiễm cho bạn đời; khuyến khích mọi người phát hiện sớm nhiễm HIV, nhất là các đôi bạn trẻ nên xét nghiệm HIV trước khi kết hôn, bà mẹ trước khi có thai cũng cần xét nghiệm HIV để đảm bảo mang thai an toàn cho con…

Theo baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 12.316.465
Truy câp hiện tại 5.925