Tìm kiếm tin tức
Tri ân & trách nhiệm
Ngày cập nhật 22/07/2019
UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu (trái) và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ (phải) trao danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng cho các thân nhân

Do những khó khăn khách quan từ lịch sử, công tác giải quyết hồ sơ người có công còn tồn đọng gặp nhiều vướng mắc. Tuy vậy, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) nỗ lực xác minh từ nhiều nguồn, bằng nhiều cách với mục tiêu cơ bản giải quyết dứt điểm hồ sơ tồn đọng trong năm nay.

Tồn đọng vì thiếu căn cứ

Cách đây khoảng 10 năm, gia đình ông Hoàng Văn Hỷ (sinh năm 1921, quê xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, hy sinh năm 1947) liên hệ để lập hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ. Năm 2009, hồ sơ của ông Hoàng Văn Hỷ được duyệt theo Kế hoạch số 611/KH-BLĐTBXH ngày 03/03/2009 của Bộ LĐTBXH về giải quyết hồ sơ tồn đọng. Tuy nhiên qua nhiều năm, hồ sơ này vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm, do chỉ có 1 nhân chứng xác nhận trường hợp hy sinh của ông Hoàng Văn Hỷ không cùng đơn vị với ông, trong khi theo quy định, hồ sơ xác nhận liệt sĩ phải có 2 nhân chứng cùng đơn vị.

Theo chỉ đạo của Bộ LĐTBXH, Sở LĐTBXH bổ sung xác minh của Công an huyện Quảng Điền về trường hợp hy sinh của ông Hoàng Văn Hỷ. Đồng thời, qua nghiên cứu hồ sơ và cuộc họp dân cùng các vị cao niên tại xã Quảng Thọ, Sở LĐTBXH đã tìm thấy trường hợp cùng tham gia trận đánh ác liệt với ông Hoàng Văn Hỷ hy sinh đã được công nhận liệt sĩ, từ đó tra cứu, sao lục, hoàn thiện hồ sơ, bổ sung chứng cứ kịp thời trình Bộ LĐTBXH.

Với trường hợp hy sinh của ông Trần Viết Lỗ (sinh năm 1926 ở Hương Long, TP. Huế), hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ của ông có 3 nhân chứng nhưng 2 nhân chứng lại không cùng đơn vị. Điểm thuận lợi là những trường hợp hy sinh cùng ông Trần Viết Lỗ đã được công nhận liệt sĩ và trong hồ sơ cũng thể hiện mối liên hệ này.

Chăm sóc nơi yên nghỉ của các liệt sĩ ở Nghĩa trang Liệt sĩ Hương Điền (Phong Điền)

Trong hồ sơ của ông Lỗ, người chứng nhận trường hợp hy sinh của ông là ông Võ Văn Nghè. Quá trình thẩm tra hồ sơ, Bộ LĐTBXH đề nghị xác minh ông Võ Văn Nghè là du kích địa phương thời kỳ chống Pháp. Để kịp thời bổ sung hồ sơ, đích thân lãnh đạo Sở LĐTBXH về phường Hương Long tìm hiểu, làm việc với Đảng ủy phường và Ban Tổ chức Thành ủy Huế về sơ yếu lý lịch kết nạp đảng viên của con ông Võ Văn Nghè là bà Võ Thị Bảy. May thay, quá trình công tác của ông Võ Văn Nghè tại sơ yếu lý lịch của bà Bảy trùng khớp với giấy xác nhận của ông Nghè trong hồ sơ đề nghị suy tôn liệt sĩ Trần Viết Lỗ.

Cả hai trường hợp hồ sơ trên đều tồn đọng nhiều năm, phải qua quá trình xác minh, tìm hiểu, bổ sung thủ tục, chứng cứ liên quan. Sở LĐTBXH phối hợp với chính quyền địa phương hoàn thiện hồ sơ theo quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công với cách mạng của Quyết định 408/QĐ-BLĐTBXH ngày 20/7/2017 của Bộ LĐTBXH. Điều vui là hai hồ sơ này được công nhận liệt sĩ nhân dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/2019).

Tri ân và trách nhiệm

Ông Hồ Dần, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết, việc giải quyết hồ sơ tồn đọng gặp nhiều khó khăn. Phần lớn hồ sơ tồn đọng là các đối tượng hoạt động cách mạng thời chống Pháp, chống Mỹ, thủ tục không đầy đủ, không đủ nhân chứng theo quy định từng thời kỳ, thông tin trong hồ sơ không rõ hoặc không trùng khớp, đòi hỏi phải nghiên cứu công phu. Có những hồ sơ Bộ LĐTBXH yêu cầu bổ sung trong khi đến nay nhân chứng không còn, việc thẩm tra xác minh cần nhiều thời gian, phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần. Chúng tôi cũng nôn nóng, quyết tâm làm nhanh nhưng còn thiếu cơ sở để hoàn thiện hồ sơ trình duyệt theo đúng quy định của pháp luật.

Theo Quyết định 408, sau khi xác minh, làm rõ nội dung chưa rõ, còn mâu thuẫn trong hồ sơ, sẽ tổ chức họp lấy ý kiến của tổ dân cư nơi cư trú, nơi diễn ra sự kiện, trong đó có sự tham dự của các đồng chí lão thành cách mạng, người cao tuổi, người tham gia hoạt động cách mạng cùng thời kỳ biết sự kiện đó. Nhưng, ngay cả việc tìm những cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ cùng thời kỳ cũng rất khó vì đa phần đã mất, nếu còn sống cũng không còn nhớ rõ.

Bà Khúc Thị Ngọc Hà, Phó Trưởng phòng Người có công, Sở Lao LĐTBXH cho hay, để bổ sung, hoàn thiện thủ tục hồ sơ, những người làm công tác giải quyết hồ sơ người có công phải tìm đọc các sự kiện lịch sử liên quan, tìm nhân chứng qua nhiều nguồn, cố gắng hết sức để những người có cống hiến cho cách mạng không bị thiệt thòi. Khi có chỉ đạo bổ sung từ bộ phận xét duyệt hồ sơ của Bộ LĐTBXH, nhiều lúc chỉ qua điện thoại, cán bộ giải quyết hồ sơ người có công và chính quyền địa phương phải “co giò chạy” để làm kịp thời. Nếu may mắn tìm được chứng cứ thuyết phục, chúng tôi vui vì đã làm xong một công việc khó, góp phần đền đáp công ơn các anh hùng liệt sĩ.

Từ khi Quyết định 408 được Bộ LĐTBXH ban hành, đã giúp Thừa Thiên Huế giải quyết được nhiều hồ sơ tồn đọng. Từ năm 2016 (thời gian thí điểm) đến tháng 6/2019, tỉnh đã đề nghị Bộ LĐTBXH thẩm định, xác nhận liệt sĩ đối với 30 hồ sơ tồn đọng. Đến nay, có 24 liệt sĩ đã được Thủ tưởng Chính phủ cấp bằng Tổ quốc ghi công. Hiện toàn tỉnh còn 6 trường hợp đề nghị xác nhận liệt sĩ đang được Bộ LĐTBXH tiếp tục xem xét, hướng dẫn, công nhận.

Theo baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 12.316.468
Truy câp hiện tại 5.927