Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Nhiều phát hiện từ đợt khai quật khảo cổ tháp đôi Liễu Cốc
Ngày cập nhật 17/07/2024

Sau hơn 2 tháng tiến hành thăm dò, khai quật khảo cổ di tích tháp đôi Liễu Cốc, các chuyên gia nhận định có 2 đền tháp chính trong di tích, không thấy dấu hiệu của đền tháp thứ 3. Nếu đúng như thế thì di tích tháp đôi Liễu Cốc là di tích đặc biệt, duy nhất thuộc hệ thống di tích đền tháp Champa có 2 tháp thờ chính.

 

Đoàn chuyên gia đến từ Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao đã tổ chức họp báo cáo sơ bộ thăm dò, khai quật Di tích tháp đôi Liễu Cốc vào chiều 27/6 tại trụ sở UBND thị xã Hương Trà. Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu tham dự và đưa ra ý kiến đánh giá. Trước đó, đoàn cũng đã đến hiện trường để quan sát thực tế.

Phát hiện khối lượng lớn di vật

Di tích tháp đôi Liễu Cốc nằm ở địa phận làng Liễu Cốc Thượng, thôn Bàu Tháp, nay là Tổ dân phố Xuân Tháp (phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà). Mặc dù với hiện trạng đã bị xuống cấp, hư hại nghiêm trọng nhưng so với các ngôi đền tháp Champa được biết đến từ Bắc Mỹ Sơn (Quảng Nam) trở ra, bên cạnh tháp Phú Diên, tháp đôi Liễu Cốc là di tích có tình trạng bảo tồn tốt nhất.

Vì thế, việc nghiên cứu, khai quật khảo cổ lần này là để xác định rõ quy mô, kết cấu, tính chất, niên đại của di tích. Từ đó phục vụ cho công tác quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị tổng thể di tích. Diện tích thăm dò 20m2 (4 hố), diện tích khai quật 60m2 (3 hố).

Ông Nguyễn Ngọc Chất, cán bộ Bảo tàng Lịch sử quốc gia, người chủ trì thăm dò, khai quật khảo cổ cho hay, quá trình khai quật đã cho mở rộng và nối thông các hố khai quật (H1, H2, H3) lại với nhau tạo thành 1 hố lớn (9,4  x 10,3m), bao quanh nền móng kiến trúc tháp Bắc. Qua đó đã xác định rõ mặt bằng, quy mô và kết cấu của kiến trúc đền tháp Bắc. 

Quy mô, kết cấu tháp Bắc có 4 phần: Móng, đế tháp, thân tháp và mái tháp. Riêng mái tháp đã bị sụp đổ, không thể nhận diện; thân tháp cũng đã bị sụp đổ mất quá nửa nên việc nhận diện cũng hạn chế. Từ móng đến thân tháp đều được xây xếp thuần nhất bằng gạch, gạch xếp so le ngang dọc, trong đó phần phủ bì bên ngoài và mặt trong của móng, tường tháp đều sử dụng gạch lành, riêng phần lõi tường thì được sử dụng đa phần là gạch vỡ, có lẫn đất sét vàng, thuần.

Ngoài ra, nhằm mục đích lần tìm vị trí đường đi, tháp Cổng, tháp Hỏa, tường bao, hướng tới mở rộng diện tích nghiên cứu, khai quật để xác định đầy đủ quy mô, cấu trúc mặt bằng tổng thể di tích tháp đôi Liễu Cốc, các chuyên gia đã mở 5 hố thám sát, trong đó có 2 hố ở phía đông, thẳng trục trung tâm của tháp Bắc, 1 hố ở góc đông bắc, 1 hố ở góc đông nam và 1 hố ở phía tây.

Theo ông Chất, song song với việc làm xuất lộ quy mô kết cấu nền móng kiến trúc tháp Bắc và các dấu tích kiến trúc liên quan khác, trong quá trình khai quật cũng thu được một khối lượng di vật gồm hơn 4.800 tiêu bản. Trong đó tập trung chủ yếu là các loại vật liệu kiến trúc, trang trí kiến trúc, các mảnh bia và phù điêu đá, đồ gốm men, đồ sành, đồ đất nung và tiền kim loại. Đáng chú ý có đầu tượng có dạng phù điêu, tạo tác một mặt từ đá phiến màu xám tím, thể hiện đầu tượng Phật với kích thước cao còn lại 20cm, rộng 15cm, dày 10cm. Mặt tượng tròn, mắt nhắm hờ, sống mũi cao, môi mím, khóe môi bè rộng, rõ nét, hai tai chảy dài, tóc xoắn hình trôn ốc, niên đại thế kỷ XI - XII. Hay 1 đồng tiền tròn, lỗ tiền vuông, một mặt đúc nổi 4 chữ Nguyên Phong thông bảo, viết theo lối Hành thảo, niên đại thế kỷ XIII.

“Có thể nói đây là sưu tập hiện vật quý, chắc chắn sau khi được nghiên cứu, chỉnh lý, giám định và lập hồ sơ khoa học sẽ cung cấp nhiều thông tin quan trọng, giúp ích cho công tác nghiên cứu và trưng bày phát huy giá trị”, ông Chất nhìn nhận.

Kiến nghị mở rộng diện tích khai quật khảo cổ

Sau hơn 2 tháng khai quật với rất nhiều hiện vật cũng như những phát hiện khác, ông Chất tạm xếp niên đại xây dựng tháp Bắc Liễu Cốc vào giai đoạn cuối thế kỷ IX, tương ứng với niên đại của tháp Mỹ Sơn C2, nằm trong giai đoạn đầu của phong cách nghệ thuật Đồng Dương.

“Ngoài ra, khi so sánh trang trí trên tường của tháp Bắc và tháp Nam ở Liễu Cốc, chúng tôi cũng nhận thấy có sự khác biệt về trang trí cột và trụ tường của hai tháp này. Nhiều khả năng hai tháp không cùng một niên đại xây dựng. Điều đó cần tiếp tục bổ sung tư liệu khi có điều kiện nghiên cứu, mở rộng diện tích khai quật”, ông Chất nói.

Cũng tại buổi họp báo cáo sở bộ, ông Chất đã thay mặt những người công tác làm chuyên môn kiến nghị tiếp tục mở rộng diện tích nghiên cứu, khai quật khảo cổ để xác định rõ quy mô, kết cấu nguyên gốc, tính chất, đặc điểm, niên đại của di tích tháp đôi Liễu Cốc. Từ đó làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng kế hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, xây dựng hồ sơ thuyết minh di tích đúng với giá trị vốn có của nó. Cần nghiên cứu gia cố, gia cường hệ thống tường tháp, tránh xuống cấp, đổ vỡ; làm sạch bề mặt gạch, chống rêu mốc và cây cối mọc phủ lên kiến trúc. Ở phần nền dưới cần lấp đất lát lại nền sân tháp, chỉ để lộ phần đế tháp và tường tháp.

Ngoài ra, nghiên cứu, thiết kế nhà mái che cho hai công trình kiến trúc tháp chính. Có thể sử dụng nhà tiền chế, với bộ mái vòm cao, xung quanh có hệ thống cột, móng bó và đường đi lại quanh tháp. Đồng thời có thể sử dụng công nghệ hiện đại để giúp khách tham quan có thể hình dung được công trình kiến trúc tháp hoàn chỉnh. 

Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, dù diện tích khai quật Di tích tháp đôi Liễu Cốc lần này không lớn nhưng đã cho những kết quả rất quan trọng. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa (nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin), cần tiếp tục mở rộng khai quật với phạm vi lớn hơn, song song với đó có giải pháp cụ thể để bảo vệ di tích.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cũng khẳng định, sẽ kiến nghị với UBND tỉnh tiếp tục mở rộng khảo cổ giai đoạn 2 với di tích này trước mùa mưa năm nay. Nếu làm được điều này mới có cơ sở, phương án bảo tồn, phát huy giá trị lâu dài.

 

 

Theo báo Thừa Thiên Huế
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy câp tổng 12.307.093
Truy câp hiện tại 2.032