Tìm kiếm tin tức
Không chủ quan với bệnh tay - chân - miệng
Ngày cập nhật 22/02/2017
Hướng dẫn trẻ rửa tay trước khi ăn

Chỉ trong một tháng qua, bệnh tay - chân - miệng (TCM) bùng phát ở 57 tỉnh, thành, với gần 2.100 trường hợp. Tại Thừa Thiên Huế, dù chưa có dịch, nhưng các ban, ngành, đơn vị chức năng khuyến cáo các bậc phụ huynh cẩn trọng.

Hướng dẫn trẻ rửa tay trước khi ăn

Chưa phát triển thành dịch

Tại Bệnh viện Trung ương (TW) Huế, từ đầu năm 2017 đến  ngày 10/2 chỉ có vài trường được ghi nhận bệnh TCM. Bác sĩ Phan Văn Mai, Phó Giám đốc Trung tâm Nhi, Bệnh viện TW Huế cho hay, đây là một trong những bệnh phổ biến ở trẻ. Năm 2016 có 179 trường hợp mắc; trong đó, có 22 trường hợp được ghi nhận dương tính. Tại thời điểm này, mỗi tuần có một vài bệnh đến khám nhập viện.

“Thông thường, dịch TCM rộ lên vào khoảng tháng 3 và tháng 5 hằng năm. Hiện nay, vẫn chưa thấy bệnh xuất hiện nhiều. Ngoài ra, vào thời điểm tháng 10, khi tiết trời trở lạnh, trẻ em thường mắc các bệnh truyền nhiễm, trong đó bệnh TCM có xu hướng tăng, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, chưa năm nào bùng phát mạnh”, bác sĩ Mai nói.

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, để phòng bệnh, ngay sau Tết Đinh Dậu, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch, đề nghị các cơ sở y tế trên địa bàn có phương án phòng chống dịch bệnh cụ thể, nhất là khi dịch TCM xuất hiện. “Hiện nay, chúng tôi thường xuyên phối hợp với các cơ sở y tế, bệnh viện, trường học để theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến của bệnh TCM; đồng thời chuẩn bị thêm một cơ số thuốc điều trị, thuốc sát khuẩn, phòng ngừa khi dịch bùng phát” , PGS.TS Sơn nói.

Chủ động phòng tránh

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh TCM là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da, chủ yếu ở dạng phỏng nước, thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như: viêm não-màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong… nên cần phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Tại Trung tâm Nhi, Bệnh viện TW Huế đã có nhiều giải pháp nhằm chủ động phòng chống dịch TCM. Khoa Tổng hợp 1 của Trung tâm đã chuẩn bị sẵn phòng cách ly, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo cho bệnh nhi điều trị. Ngoài ra, trung tâm có phương án tăng cường bác sĩ và điều dưỡng trực nếu số lượng bệnh tăng.

Khoa Khám bệnh của Trung tâm Nhi cũng có riêng một buồng khám dành cho bệnh truyền nhiễm. Về chuyên môn, Trung tâm Nhi triển khai tập huấn thường xuyên về phác đồ điều trị các bệnh dịch nguy hiểm cho tất cả bác sĩ, điều dưỡng, trong đó có bệnh TCM. Cơ số thuốc, thiết bị điều trị cũng được tăng cường dự trữ khi có dịch bệnh xuất hiện. “Không chỉ riêng dịch bệnh TCM, đối với các dịch bệnh nguy hiểm khác, chúng tôi cũng thực hiện phương án chủ động phòng chống khi có nguy cơ bùng phát dịch, đảm bảo có thể điều trị tốt nhất cho bệnh nhân và giảm lây lan ở bệnh viện”, bác sĩ  Mai nhấn mạnh.

Để chủ động phòng chống dịch, người dân cần chú trọng các biện pháp vệ sinh, như: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Ngoài ra, cần ăn chín, uống chín, giữ sạch sẽ vật dụng sinh hoạt, hạn chế cho trẻ ngậm mút đồ chơi... Phụ huynh, giáo viên ở các cơ sở giữ trẻ cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, mặt bàn, ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Khi phát hiện ca bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần hạn chế tiếp xúc, đồng thời đưa trẻ đi khám ở cơ sở y tế.

Minh Văn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 12.311.172
Truy câp hiện tại 3.741