Thời gian gần đây, theo thống kê của BHXH, số người nhận BHXH một lần gia tăng. Trước thực tế này, ông Đỗ Ngọc Thọ - Phó ban thực hiện chính sách BHXH (BHXH VN) cho rằng, người lao động cần hết sức thận trọng khi cân nhắc để hưởng BHXH một lần.
Theo ông Đỗ Ngọc Thọ, khi nhận BHXH một lần thì người lao động sẽ mất đi cơ hội được hưởng lương hưu, không có gì đảm bảo cho cuộc sống lúc tuổi già và sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Cần hiểu rằng khoản tiền đóng vào quỹ BHXH là một của để dành quý giá của chính mình, nó không mất đi mà ngược lại vẫn được cơ quan BHXH quản lý và đầu tư tăng trưởng, người lao động hoàn toàn có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện với sự hỗ trợ một phần kinh phí từ Nhà nước (theo mức 10, 25, 30% mức đóng tính trên chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn tùy theo đối tượng).
Trong thời gian bảo lưu nếu chẳng may bị chết thì gia đình còn được hưởng trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở, thân nhân tùy theo điều kiện được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng (tối đa 4 người) đến khi trưởng thành (nếu là con) hoặc hưởng đến khi chết (nếu là vợ, chồng hoặc cha, mẹ đã hết tuổi lao động và không có thu nhập hoặc có thu nhập nhưng thấp hơn mức lương cơ sở); trường hợp nhận trợ cấp tuất một lần thì mức trợ cấp được tính như BHXH một lần.
Ông Đỗ Ngọc Thọ cũng khẳng định việc nhận BHXH một lần là phải chấp nhận sự thiệt thòi rất lớn. Bởi, với mức 22% tiền lương tháng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất thì một năm tổng mức đóng là 2,64 tháng lương; trong khi mức hưởng BHXH một lần cho mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 2 tháng lương. Như vậy, người lao động bị thiệt mất 0,64 tháng lương và quỹ có lợi, nhưng chúng ta không khuyến khích việc nhận BHXH một lần cũng chính vì mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội bền vững cho người dân.
“Nếu so sánh với việc tích lũy thời gian để hưởng lương hưu, thì thiệt thòi là không tính hết được” – ông Thọ nhấn mạnh.
Bởi lẽ, người hưởng lương hưu, ngoài lương hưu còn được quỹ chi trả toàn bộ tiền mua thẻ BHYT (bằng 4,5% mức lương hưu); và định kỳ, trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng (trượt giá) nhà nước điều chỉnh tăng lương hưu tương ứng (từ năm 2003 đến nay nhà nước đã điều chỉnh tăng lương hưu 15 lần, với mức tăng từ khoảng 7,5 đến 9,3 lần tùy theo nhóm đối tượng). Khi chết gia đình còn được trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở, thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng nếu đủ điều kiện hoặc được hưởng trợ cấp tuất một lần với mức thấp nhất bằng 3 tháng lương hưu.
Theo tính toán của BHXH, so sánh giữa tham gia BHXH và gửi tiết kiệm, nếu nhận BHXH một lần thì mức hưởng như sau:
- Mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 tính bằng 1,5 tháng lương bình quân. Từ tháng 01/2008 đến tháng 12/2012: 6 năm x 1,5 tháng = 9 tháng.
- Mỗi năm đóng BHXH từ năm 2014 trở đi tính bằng 2 tháng lương bình quân. Từ tháng 01/2014 đến tháng 12/2027: 14 năm x 2 tháng = 28 tháng.
- Tổng số tháng được hưởng là: 9 tháng + 28 tháng = 37 tháng.
Tổng số tiền nhận BHXH một lần:
7.137.500 đồng x 37 tháng = 264.087.500 đồng
* Tổng quyền lợi khi hưởng lương hưu (bao gồm cả tiền mua thẻ BHYT, trợ cấp mai táng, trợ cấp tuất một lần theo mức thấp nhất là 3 tháng lương hưu):
- Đối với lao động nữ là 2.161.050.000 đồng, nhiều hơn 1.896.962.000 đồng so với nhận BHXH một lần (nhiều hơn 7,18 lần).
- Đối với lao động nam là 1.786.019.000 đồng nhiều hơn 1.521.931.000 đồng so với nhận BHXH một lần (nhiều hơn 5,76 lần).
Như vậy, nếu so với hưởng lương hưu thì nhận BHXH một lần là rất thiệt thòi cho bản thân.