Thủ tướng phê duyệt Chương trình Sức khỏe Việt Nam
Tại Quyết định 1092/QĐ-TTg ngày 2/9/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Sức khỏe Việt Nam với mục tiêu chung là xây dựng môi trường hỗ trợ, tăng cường năng lực cho mỗi người dân; thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe toàn diện để nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người Việt Nam.
Đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế hiệu lực và hiệu quả hơn
Tại Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 4/9/2018 về đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả hơn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung cụ thể hóa và triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách, chương trình hành động về hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó chú trọng việc nâng cao toàn diện năng lực thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; xây dựng các cơ chế chính sách phù hợp để tạo môi trường kinh doanh và đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam...
Vi phạm an toàn thực phẩm bị phạt tới 200 triệu đồng
Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2018/NĐ-CP, ngày 4/9/2018, quy định mức phạt tiền tối đa áp dụng với một hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng đối với cá nhân, 200 triệu đồng đối với tổ chức.
Tăng mức cho vay hộ nông dân khi không có tài sản bảo đảm
Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 7/9/2018, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó tăng mức cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và chủ trang trại khi không có tài sản bảo đảm.
Tập trung ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam
Ngày 11/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Công điện 1194/CĐ-TTg về việc tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam. Theo đó, nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới...
Thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng phải được giữ bí mật
Chính phủ ban hànhNghị định 117/2018/NĐ-CP, ngày 11/09/2018, về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Trong đó, Nghị định quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin xác thực khách hàng khi truy cập các dịch vụ ngân hàng bao gồm mã khóa bí mật, dữ liệu sinh trắc học, mật khẩu truy cập của khách hàng, thông tin xác thực khách hàng khác cho bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào, trừ trường hợp được sự chấp thuận của khách hàng đó bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác theo thỏa thuận với khách hàng đó.
Phải lập hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa
Nghị định số 119/2018/NĐ-CP, ngày 12/09/2018, của Chính phủ quy định khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán (trừ hộ, cá nhân kinh doanh quy định tại khoản 6 Điều 12 Nghị định này) phải lập hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu mà cơ quan thuế quy định và phải ghi đầy đủ nội dung, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
Kết hợp quân dân y trong khám, chữa bệnh
Chính phủ ban hành Nghị định 118/2018/NĐ-CP, ngày 12/9/2018, quy định về công tác kết hợp quân dân y, trong đó quy định cụ thể về kết hợp quân dân y trong phòng, chống dịch bệnh, khám bệnh, chữa bệnh và thực hiện các chương trình y tế.
Sửa một số quy định về tiền lương
Chính phủ đã ban hành Nghị định 121/2018/NĐ-CP ngày 13/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về tiền lương.
Theo đó, Nghị định bổ sung quy định về nguyên tắc xây dựng định mức lao động; miễn thủ tục gửi thang lương, bảng lương, định mức lao động cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động.
Tăng mức tín dụng cho công trình nước sạch nông thôn
Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1205/QĐ-TTg, ngày 17/9/2018, điều chỉnh mức vốn cho vay được quy định tại Điều 1 Quyết định số 18/2014/QĐ-TTg ngày 3/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg ngày 16/4/2004 về tín dụng thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn với mức vốn cho vay đối với mỗi loại công trình tối đa là 10 triệu đồng/hộ thay vì 6 triệu đồng/hộ như quy định cũ.
Tăng cường giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp
Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 1275/CĐ-TTg, ngày 19/9/2018,về tăng cường thực hiện một số giải pháp cấp bách, trọng tâm chuẩn bị nội dung làm việc với Đoàn thanh tra của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Tăng cường quản lý hoạt động nhập khẩu phế liệu
Tại Chỉ thị số 27/CT-TTg, ngày 17/9/2018, về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường không cấp mới Giấy xác nhận, không gia hạn Giấy xác nhận đối với đơn vị nhận ủy thác nhập khẩu phế liệu; chỉ xem xét cấp mới, cấp lại Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đối với đơn vị nhập khẩu phế liệu để sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu sản xuất khi chứng minh được nhu cầu và năng lực sử dụng phế liệu.
Quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục
Chính phủ ban hành Nghị định 127/2018/NĐ-CP, ngày 21/09/2018, quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục.
Yêu cầu đối với việc quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục là bảo đảm tính thống nhất, thông suốt và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về giáo dục; bảo đảm tương ứng giữa nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm với nguồn lực tài chính, nhân sự, điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và các điều kiện cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ được giao; xác định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan có liên quan.
Bãi bỏ nhiều điều kiện kinh doanh vận tải thủy nội địa
Nghị định số 128/2018/NĐ-CP ngày 24/09/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực đường thủy nội địa.
Trong đó, Nghị định số 128/2018/NĐ-CP đã bãi bỏ Điều 5 về điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa; Điều 7 về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng chuyến; Điều 8 về điều kiện kinh doanh vận chuyển khách du lịch; Điều 9 về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách ngang sông; Điều 10 về điều kiện kinh doanh vận tải hàng hóa tại Nghị định số 110/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa.
Bãi bỏ một số văn bản QPPL trong lĩnh vực quốc phòng
Chính phủ ban hành Nghị định 129/2018/NĐ-CP ngày 24/09/2018 bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quốc phòng.
Cụ thể, bãi bỏ các văn bản bản sau:
Quyết định số 191-CP ngày 23/6/1980 của Hội đồng Chính phủ về hình thức xử lý đối với quân nhân đào ngũ, thanh niên trốn tránh nghĩa vụ phục vụ tại ngũ và những người có những hành vi phá hoại, cản trở việc thi hành chế độ nghĩa vụ quân sự.
Quyết định số 163-HĐBT ngày 23/9/1982 của Hội đồng Bộ trưởng về thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội nhân dân Việt Nam thuộc dân tộc ít người.
Nghị định số 58-HĐBT ngày 1/6/1989 của Hội đồng Bộ trưởng về việc thành lập các tổ chức sản xuất kinh doanh thuộc Bộ Quốc phòng.
Nghị định số 54-CP ngày 7/8/1995 của Chính phủ về việc ban hành Điều lệ phục vụ của Hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Nghị định số 17/2007/NĐ-CP ngày 1/2/2007 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ phục vụ của Hạ sĩ quan, binh sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định số 54/CP ngày 7/8/1995 của Chính phủ.
Nghị định số 63/2002/NĐ-CP ngày 18/6/2002 của Chính phủ quy định về khám bệnh, chữa bệnh cho thân nhân sĩ quan tại ngũ.
Nghị định số 18/2007/NĐ-CP ngày 1/2/2007 của Chính phủ về quân nhân chuyên nghiệp trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Nghị định số 38/2007/NĐ-CP ngày 15/3/2007 của Chính phủ về việc tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ thời bình đối với công dân nam trong độ tuổi gọi nhập ngũ.
Nghị định số 114/2011/NĐ-CP ngày 13/12/2011 của Chính phủ quy định về mẫu biểu trong xử phạt vi phạm hành chính của Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển.
Đồng thời, Chính phủ cũng bãi bỏ Điều 12 Nghị định số 32/2013/NĐ-CPngày 16/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Cơ yếu về chế độ, chính sách đối với người làm công tác cơ yếu.