Tài nguyên quý giá
Báo cáo “Cát và Tính bền vững: 10 Chiến lược để ngăn chặn khủng hoảng cát” của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) nêu rõ rằng mỗi năm, con người lấy 50 tỷ tấn cát ra khỏi lòng đất và biển, để lại hậu quả nghiêm trọng đến môi trường.
Pascal Peduzzi, Giám đốc GRID-Geneva tại UNEP cho biết: “Nguồn tài nguyên cát trên Trái đất là hữu hạn và chúng ta cần sử dụng cát một cách khôn ngoan”.
Cát đóng một vai trò chiến lược quan trọng trong việc cung cấp các hệ sinh thái, cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế cũng như cung cấp sinh kế cho cộng đồng và duy trì đa dạng sinh học. Mặc dù, cát có vai trò quan trọng mang tính chiến lược, nhưng việc khai thác, tìm nguồn cung ứng, sử dụng và quản lý tài nguyên này vẫn chưa được quan tâm ở nhiều khu vực trên thế giới, dẫn đến nhiều hậu quả về môi trường và xã hội.
Sau nước, cát là tài nguyên được sử dụng nhiều nhất trên toàn cầu. Thế giới sử dụng 50 tỷ tấn cát và sỏi mỗi năm, đủ để xây một bức tường rộng 27 mét và cao 27 mét quanh Trái đất.
Báo cáo của UNEP đã chỉ rõ sự phụ thuộc của con người vào cát, do đó cát phải được công nhận là một nguồn tài nguyên chiến lược và việc khai thác, sử dụng tài nguyên này cần được kiểm soát chặt chẽ hơn.
Ông Peduzzi nhận định: “Nếu biết cách quản lý cát, chúng ta có thể ngăn chặn khủng hoảng cát và tiến tới một nền kinh tế tuần hoàn”.
Báo cáo của UNEP cũng đưa ra hướng dẫn cho các phương pháp cải tiến để khai thác và quản lý tài nguyên cát. Theo đó, cát phải được công nhận không chỉ là vật liệu xây dựng mà còn là nguồn tài nguyên chiến lược có vai trò to lớn đối với môi trường.
Khai thác cát từ sông và các hệ sinh thái ven biển có thể dẫn đến xói mòn, nhiễm mặn các tầng chứa nước, mất khả năng chống lại các đợt triều cường và tác động đến sự đa dạng sinh học. Từ đó, gây ra mối đe dọa đối với sinh kế, bao gồm cả việc cung cấp nước, sản xuất lương thực, thủy sản và cả ngành du lịch của con người.
Những tác giả của báo cáo nhấn mạnh rằng các chính phủ, các ngành công nghiệp và người tiêu dùng nên định giá lại cát theo giá trị xã hội và môi trường thực sự.
Hướng tới nền kinh tế tuần hoàn từ cát
Việc giữ cát trên các bờ biển có thể là chiến lược hiệu quả nhất về chi phí để đối phó với khí hậu, khi mà các cơn bão và nước biển gia tăng dữ dội. Những tác dụng này cũng nên được liệt kê vào giá trị của cát.
Hơn nữa, báo cáo của UNEP đề xuất xây dựng một tiêu chuẩn quốc tế được “nâng cấp” về cách khai thác cát từ biển vì hầu hết hoạt động nạo vét biển được thực hiện thông qua đấu thầu công khai của các công ty quốc tế.
Báo cáo cũng khuyến nghị cấm khai thác cát bừa bãi từ các bãi biển vì sẽ gây ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của môi trường và nền kinh tế vùng ven biển. “Với sự phụ thuộc của chúng ta vào cát, cát nên được coi là tài nguyên chiến lược và việc khai thác cũng như sử dụng tài nguyên này cần phải được kiểm soát lại”, ông Peduzzi nói thêm.
Là một nguyên liệu cần thiết để sản xuất bê tông, xây dựng cơ sở hạ tầng, cát rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế. Đồng thời, cát cũng cung cấp môi trường sống cho động, thực vật và hỗ trợ đa dạng sinh học.
Mặc dù, đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và giải quyết cuộc khủng hoảng về biến đổi khí hậu, ô nhiễm và mất đa dạng sinh học, cát đang được khai thác nhiều hơn bao giờ hết nên việc quản lý cát một cách trách nhiệm là điều vô cùng cần thiết.
Ngoài ra, cấm chôn lấp chất thải từ khai thác khoáng sản và khuyến khích tái sử dụng cát là một trong những biện pháp hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn, “công bằng” đối với cát.
Bên cạnh đó, để quản lý cát hiệu quả hơn, cần có cấu trúc thể chế và luật pháp mới. Do đó, báo cáo khuyến nghị những người có liên quan trong việc quản lý cát phải lập bản đồ, giám sát và theo dõi các nguồn cát, cho phép các phương pháp tiếp cận dựa trên địa điểm và tránh đưa ra các giải pháp mơ hồ, chung chung.
(Sưu tầm từ Báo Tài nguyên môi trường điện tử)