Tìm kiếm tin tức
Dấu ấn văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2018
Ngày cập nhật 02/01/2019
Ảnh minh họa

Năm 2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân.

Năm 2018 là năm thành công toàn diện của kinh tế Việt Nam, khi cả 12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Thành công đó ghi nhận sự nỗ lực, quyết liệt, chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Ngay từ ngày đầu năm mới 2018 (ngày 01/01/2018), Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 với 9 nhóm giải pháp trọng tâm, 59 giải pháp và 242 nhiệm vụ cụ thể.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đề ra phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” và xác định trọng tâm chỉ đạo điều hành là: Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thực hiện quyết liệt cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tất cả các ngành, các cấp.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Chú trọng các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội; thực hành dân chủ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.

Tại các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ hằng tháng, Chính phủ đã bám sát thực tiễn chỉ đạo, điều hành góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ giá, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng.

Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Chính phủ ban hành Nghị quyết 19-2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo. Mục tiêu của Nghị quyết là tập trung cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh để năm 2018 tăng thêm từ 8-18 bậc trên bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới; trong đó cải thiện mạnh mẽ các chỉ số hiện đang bị xếp hạng thấp. Cụ thể, khởi sự kinh doanh tăng thêm ít nhất 40 bậc; giải quyết tranh chấp hợp đồng tăng thêm 10 bậc; giải quyết phá sản doanh nghiệp tăng thêm 10 bậc.

Bên cạnh đó, nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh như: Nghị định số 128/2018/NĐ-CP ngày 24/09/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực đường thủy nội địa; Nghị định số 150/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực thông tin và truyền thông; Nghị định số 151/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính; Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 9/11/2018 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành; Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế….

Thủ tướng chỉ thị tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp

Ngày 5/3/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 07/CT-TTg về tiếp tục đẩy mạnh triển khai, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 06/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp trong năm 2018.

Cắt giảm chi phí, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển

Tại Nghị quyết 139/NQ-CP ngày 09/11/2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, cải cách mạnh mẽ hơn, đặc biệt là cắt giảm các chi phí bất hợp lý, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Chính phủ cũng kịp thời ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đầu tiên phải kể đến Nghị định 38/2018/NĐ-CPngày 11/3/2018 quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Nghị định này hướng dẫn về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo và cơ chế sử dụng ngân sách địa phương đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.

Tiếp đó là Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo Nghị định này, các doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ từ nhà nước như: Hỗ trợ thông tin, tư vấn, phát triển nguồn nhân lực, chuyển đổi từ hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.

Tại Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 15/06/2018 về tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan liên quan bố trí nguồn kinh phí thường xuyên thực hiện các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động nghiên cứu, xây dựng các chương trình, gói tín dụng với lãi suất hợp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. UBND các tỉnh căn cứ vào điều kiện quỹ đất thực tế tại địa phương, chủ trì trình HĐND cấp tỉnh quyết định bố trí quỹ đất để hình thành, phát triển các cụm công nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Đẩy mạnh các giải pháp giảm chi phí logistics

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 21/CT-TTg ngày 18/07/2018 về đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông, trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu giao Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành; nâng cao chất lượng công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch; tăng cường kết nối, phát triển hợp lý các phương thức vận tải, phát huy tối đa vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics; tăng cường kết nối các phương thức vận tải, giảm chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải....

Quy định chức năng, cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Ngày 29/9/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 131/2018/NĐ-CPquy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đây là cơ quan thuộc Chính phủ, được Chính phủ giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật.

Sau 20 năm đổi mới doanh nghiệp nhà nước, sự ra đời Ủy ban là bước đi quan trọng trong thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhiều chính sách phát triển kinh tế nông thôn

Ngày 12/4/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 52/2018/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn, theo đó, nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho các cơ sở ngành nghề nông thôn hoạt động xúc tiến thương mại theo quy định hiện hành của Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia; làng nghề, làng nghề truyền thống được hưởng các chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn; hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các làng nghề. Nội dung hỗ trợ đầu tư, cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng làng nghề: Đường giao thông, điện, nước sạch; hệ thống tiêu, thoát nước; xây dựng trung tâm, điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm làng nghề; ưu tiên hỗ trợ làng nghề có nguy cơ mai một, thất truyền; làng nghề của đồng bào dân tộc thiểu số; làng nghề có thị trường tiêu thụ tốt...

Tiếp sau đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/04/2018 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Doanh nghiệp được nhận ưu đãi và hỗ trợ là doanh nghiệp được thành lập, đăng ký, hoạt động theo Luật doanh nghiệp và có Dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư; Dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư và Dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư.

Các doanh nghiệp trên sẽ được Nhà nước ưu đãi và hỗ trợ thông qua miễn, giảm tiền sử dụng đất; miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước; hỗ trợ tập trung đất đai; tiếp cận, hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường; hỗ trợ đầu tư cơ sở; cung cấp dịch vụ công và đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.

Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Theo đó, Chính phủ hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết, hạ tầng phục vụ liên kết, hỗ trợ xây dựng mô hình khuyến nông, đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật, nâng cao nghiệp vụ quản lý, kỹ thuật sản xuất, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường...

Ngày 7/5/2018, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia ký Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 (OCOP), được thực hiện trên phạm vi cả nước. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện...

Cơ cấu lại ngành du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn

Tại Quyết định số 1685/QĐ-TTg ngày 5/12/2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Đề án phấn đấu đến năm 2025 tổng thu từ khách du lịch đạt 45 tỷ USD, giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 27 tỷ USD, ngành du lịch đóng góp trên 10% GDP; tạo ra 6 triệu việc làm, trong đó có 2 triệu việc làm trực tiếp; nâng dần tỷ lệ lao động trực tiếp phục vụ du lịch được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ và kỹ năng đạt 70%; đón và phục vụ 30 - 32 triệu lượt khách du lịch quốc tế, trên 130 triệu lượt khách du lịch nội địa.

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày 30/11/2018 phê duyệt Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành việc số hóa toàn bộ các dữ liệu về hướng dẫn viên du lịch, doanh nghiệp lữ hành quốc tế, cơ sở lưu trú trong cả nước do cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở Trung ương và địa phương quản lý; hình thành hệ thống thông tin số về khu, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch và khách du lịch; phát triển các ứng dụng trên thiết bị di động cung cấp cho khách du lịch tại các địa bàn du lịch trọng điểm trong đó có các thông tin về điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch, thuyết minh du lịch dịch tự động ra các ngôn ngữ phổ biến; kết nối liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương đến địa phương và doanh nghiệp du lịch;...

Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 49/2018/QĐ-TTgngày 12/12/2018 thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Bên cạnh kết quả tích cực trong điều hành phát triển kinh tế, năm 2018 cũng ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong hoàn thiện chính sách an sinh xã hội, chăm lo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Hỗ trợ thôn thuộc xã đặc biệt khó khăn giảm nghèo bền vững

Ngày 21/10/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1385/QĐ-TTg phê duyệt Đề án hỗ trợ thôn, bản, ấp của các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018 - 2020. Mục tiêu chung của Đề án nhằm góp phần hoàn thành mục tiêu phấn đấu cả nước không còn xã dưới 05 tiêu chí và trực tiếp cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất, tinh thần cho người dân tại các thôn của các xã khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

Hỗ trợ tới 90% phí bảo hiểm nông nghiệp cho hộ nghèo

Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp quy định cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ tối đa 90% phí bảo hiểm nông nghiệp.

Tăng mức cho vay hộ nông dân khi không có tài sản bảo đảm

Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó tăng mức cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và chủ trang trại khi không có tài sản bảo đảm.

Tăng mức tín dụng cho công trình nước sạch nông thôn

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1205/QĐ-TTg ngày 17/9/2018, điều chỉnh mức vốn cho vay được quy định tại Điều 1 Quyết định số 18/2014/QĐ-TTg ngày 3/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg ngày 16/4/2004 về tín dụng thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn với mức vốn cho vay đối với mỗi loại công trình tối đa là 10 triệu đồng/hộ thay vì 6 triệu đồng/hộ như quy định cũ.

Nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nghề khai thác viễn dương

Tại Quyết định 1047/QĐ-TTg ngày 17/8/2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề khai thác viễn dương và tổ chức đưa ngư dân đi khai thác hải sản ở vùng biển một số nước. Đề án đặt mục tiêu chung là làm điểm tổ chức mô hình đưa doanh nghiệp và ngư dân đi hợp tác khai thác, thu mua, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và nuôi trồng thủy sản với một số nước, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm mở rộng các hình thức hợp tác, từng bước phát triển nghề khai thác viễn dương ở các vùng biển quốc tế nhằm phát triển kinh tế và tạo việc làm cho người dân, giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, thúc đẩy hội nhập và phát triển hợp tác quốc tế.

Tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp

Tại Quyết định 522/QĐ-TTg ngày 14/05/2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”.

Mục tiêu chung của Đề án là tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế.

Thêm đối tượng được miễn học phí

Chính phủ ban hành Nghị định số 145/2018/NĐ-CP ngày 2/10/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021.

Trong đó, Nghị định số 145/2018/NĐ-CP bổ sung thêm đối tượng được miễn học phí là: Trẻ em học lớp mẫu giáo 5 tuổi ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có cha mẹ hoặc có cha hoặc có mẹ hoặc có người chăm sóc trẻ em hoặc trẻ em thường trú ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền.

Hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ giáo dục tại cộng đồng

Theo Quyết định 1438/QĐ-TTg ngày 29/10/2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng giai đoạn 2018 – 2025. Phấn đấu đến năm 2025, trẻ em khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng để được hòa nhập cộng đồng và có cơ hội thực hiện đầy đủ các quyền của trẻ em khuyết tật.

Xuất cấp hàng nghìn tấn gạo hỗ trợ nhân dân

Trong năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản chỉ đạo xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ người dân trong dịp Tết Nguyên đán với 11.848 tấn gạo; hỗ trợ người dân dịp giáp hạt, phòng chống dịch bệnh là 9.810 tấn gạo; hỗ trợ người dân bị thiệt hại do mưa lũ, thiên tai là 6.976 tấn gạo; hỗ trợ các dự án trồng rừng là 18.674 tấn gạo.

Cải cách chính sách tiền lương

Chính phủ ban hành Nghị quyết 107/NQ-CP ngày 16/08/2018 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Chương trình phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2021 thực hiện áp dụng chế độ tiền lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị; tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp; thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng chi trả của doanh nghiệp để đến năm 2020 mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp.

Tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2018

Nghị định 72/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang từ ngày 1/7/2018 với mức lương cơ sở là 1.390.000 đồng/tháng, thay cho mức cũ là 1.300.000 đồng/tháng.

Tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1/2019

Theo Nghị định số 157/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp từ ngày 1/1/2019 như sau: Vùng I: 4.180.000 đồng/tháng; vùng II: 3.710.000 đồng/tháng; vùng III: 3.250.000 đồng/tháng; vùng IV: 2.920.000 đồng/tháng. Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương hiện nay khoảng 160.000-200.000 đồng/tháng.

Điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ nghỉ hưu từ 2018-2021

Ngày 7/11/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 153/2018/NĐ-CP quy định chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021 có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng, bị tác động bất lợi hơn so với lao động nam do thay đổi cách tính lương hưu theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 so với Luật bảo hiểm xã hội năm 2006.

Năm 2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo mạnh mẽ để triển khai, thúc đẩy Chính phủ điện tử; nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính; chỉ đạo xử lý kịp thời những vụ việc gây bức xúc trong nhân dân được báo chí phản ánh.

Thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử

Năm 2018, việc triển khai Chính phủ điện tử đã lan toả mạnh mẽ trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước, huy động được sự vào cuộc của khu vực tư nhân và sự tham gia của những chuyên gia giàu kinh nghiệm trong nước và quốc tế.

Ngày 28/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1072/QĐ-TTgthành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với sự tham gia của 10 thành viên Chính phủ và Chủ tịch các Tập đoàn, Tổng công ty lớn về công nghệ thông tin.

Thủ tướng cũng chỉ đạo xây dựng, ban hành nhiều văn bản nhằm cụ thể hoá chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử và tạo hành lang pháp lý cho việc thiếp lập, ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước như: Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 14/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án giám sát an toàn thông tin mạng đối với hệ thống, dịch vụ CNTT phục vụ Chính phủ điện tử đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; văn bản 10425/VPCP-KSTT ngày 25/10/2018 về xây dựng Kiến trúc tổng thể Chính phủ điện tử giai đoạn 2018-2025.

Kết quả, chỉ số Phát triển Chính phủ điện tử, Việt Nam tăng 1 bậc so với năm 2016, xếp hạng 88/193 quốc gia, lãnh thổ và đứng thứ 6/11 quốc gia khu vực ASEAN; mức độ tiếp cận dịch vụ công điện tử của người dân tăng 29 bậc (theo đánh giá của Liên Hợp Quốc năm 2018).

Tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu quả

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 3/2/2018 Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Kế hoạch số 07-KH/TW ngày 27/11/2017 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW; Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập

Chính phủ ban hành Nghị quyết 08/NQ-CP ngày 28/1/2018 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo đó, phấn đấu đến năm 2021, giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% (bằng 5.792) đơn vị sự nghiệp công lập và 10% (bằng 205.369) biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015; có 10% (bằng 5.792) đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011 - 2015; hoàn thành cơ bản việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp có đủ điều kiện thành công ty cổ phần (trừ các bệnh viện và trường học); hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản) đối với một số lĩnh vực cơ bản như y tế, giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp.

Thực hiện 255 dịch vụ công mức độ 3,4 trong năm 2018-2019

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 877/QĐ-TTg ngày 18/07/2018 Danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 để các Bộ, ngành, địa phương thực hiện trong các năm 2018 - 2019.

Theo đó, năm 2018 - 2019, các Bộ, ngành, địa phương sẽ thực hiện 128 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 127 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 thuộc các lĩnh vực: Năng lượng, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, giáo dục và đào tạo, đấu thầu, thú y, thủy sản, đường bộ, tài nguyên nước, bưu chính, viễn thông và Internet, báo chí, nhà ở, dược...

Liên thông các TTHC đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú

Tại Quyết định 1380/QĐ-TTg ngày 18/10/2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện liên thông các thủ tục hành chính: Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí.

Nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính

Ngày 30/10/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Chỉ thị số 30/CT-TTg về nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chấn chỉnh việc giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan, đơn vị mình, hạn chế tối đa việc người dân, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc giải quyết thủ tục hành chính, khắc phục tình trạng thiếu công khai, minh bạch thông tin về thủ tục hành chính. Nghiêm túc xử lý các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định thủ tục hành chính; khắc phục tình trạng quá hạn trong giải quyết thủ tục hành chính; thực hiện nghiêm việc xin lỗi cá nhân, tổ chức khi xảy ra tình trạng chậm, muộn trong giải quyết thủ tục hành chính.

Thủ tướng chỉ thị rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng

Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 08/CT-TTg ngày 13/3/2018 về việc tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục liên quan. Cụ thể, rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng từ 166 ngày xuống còn tối đa không quá 120 ngày (bao gồm giảm thời gian thực hiện thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công, cấp giấy phép xây dựng 19 ngày; giảm thời gian thực hiện thủ tục thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy 10 ngày; giảm thời gian thực hiện kết nối cấp điện, cấp thoát nước 7 ngày và giảm thời gian đăng ký tài sản sau hoàn công là 10 ngày).

Chỉ đạo xử lý kịp thời những vụ việc báo chí phản ánh

Trong năm 2018, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo xử lý kịp thời những vụ việc gây bức xúc trong nhân dân do báo chí phản ánh về xây dựng, đất đai, thuế, môi trường, nạn phá rừng, khai thác tài nguyên trái phép, tiêu cực trong thi hành công vụ...

Theo baochinhphu.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 12.304.453
Truy câp hiện tại 574