Tìm kiếm tin tức
Chấn chỉnh đảng viên nghỉ hưu không sinh hoạt Đảng
Ngày cập nhật 11/01/2019
Ảnh minh họa

Một thực trạng đáng quan tâm hiện nay là một số đảng viên khi về nghỉ hưu không chuyển sinh hoạt, không tham gia hoạt động ở địa phương. Đây là hiện tượng không bình thường trong thực hiện nhiệm vụ của đảng viên, ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng ở khu dân cư.

Hướng dẫn 09-HD/BTCTW ngày 5/6/2017của Ban Tổ chức Trung ương về chuyển sinh hoạt Đảng nêu rõ: Khi đảng viên chuyển đơn vị, nghỉ hưu…, trong vòng 60 ngày phải chuyển hồ sơ sinh hoạt Đảng về nơi công tác hoặc nơi cư trú. Song thực tế có nhiều đảng viên khi nghỉ hưu không chuyển hồ sơ Đảng về sinh hoạt ở địa phương, không thực hiện nhiệm vụ đảng viên theo quy định. Có nhiều lý do khác nhau dẫn đến tình trạng trên. Có trường hợp không nắm rõ thủ tục chuyển về nộp như thế nào, hoặc có lý do về sức khỏe, lo làm thêm, ở với con cháu, bận việc gia đình… Nhưng có lý do khó chấp nhận đó là nghỉ hưu rồi còn liên quan gì đến chức quyền nữa mà tham gia sinh hoạt. Họ không muốn chịu sự ràng buộc của tổ chức, không muốn tham gia các đoàn thể địa phương. Những biểu hiện đó đã làm giảm sút niềm tin của quần chúng đối với đảng viên. Nó còn tác động lớn đến tư tưởng, tâm lý phấn đấu vào Đảng của thế hệ trẻ.
Bên cạnh đó, công tác tổ chức cũng còn nhiều bất cập trong theo dõi, quản lý đảng viên nghỉ hưu. Cơ quan công tác làm thủ tục chuyển Đảng không có hướng dẫn cụ thể, làm đủ thủ tục cắt chuyển đi coi như xong việc. Khi làm thủ tục hồ sơ cho đảng viên không hướng dẫn kỹ nên đảng viên viện lý do rồi không muốn nộp cho cấp ủy nơi cư trú. Trong khi đó, ở địa phương cấp ủy không nắm được đảng viên đã nghỉ hưu hoặc có nắm được nhưng nể nang không hỏi cụ thể.
Trong quy định không nêu rõ việc chuyển hồ sơ đảng viên sau khi nghỉ hưu về nơi có hộ khẩu thường trú, quê quán hay nơi cư trú thường xuyên… đó là sơ hở trong thủ tục cần khắc phục. Nhiệm vụ của đảng viên ở khu dân cư chưa rõ ràng, còn chung chung, không có định lượng cụ thể nên đảng viên không tham gia cũng ít ảnh hưởng công tác của tổ chức Đảng sở tại. Một yếu tố tác động nữa đó là sinh hoạt Đảng ở chi bộ khu dân cư còn đơn điệu, tẻ nhạt, nhàm chán, ít thông tin, không tạo ra được hứng thú cho đảng viên. Có nơi cấp ủy hoặc bí thư xuê xoa thì sinh hoạt định kỳ mang tính thủ tục, đối phó, trở thành buổi gặp mặt trò chuyện, nộp đảng phí là chính. Kiểu sinh hoạt đó không thể hiện được vai trò, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, tác động tiêu cực đến tính tích cực của đảng viên.
Không chuyển sinh hoạt Đảng khi nghỉ hưu khác với các trường hợp bỏ Đảng, xin ra khỏi Đảng vì bất mãn, chống đối. Không tham gia sinh hoạt khi nghỉ hưu có nhiều lý do khách quan, chủ quan khác nhau, nhưng không phải vì chống đối chính trị, chống Đảng. Vì vậy, các cấp ủy Đảng cần xác định vai trò trách nhiệm trong giáo dục, động viên, hướng dẫn đối với đảng viên khi chuẩn bị nghỉ công tác. Tuy nhiên, đây cũng là biểu hiện mầm mống của “tự diễn biến” mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã nêu ra. Hiện tượng này là không bình thường trong đời sống chính trị của đảng viên và tổ chức Đảng. Cần khảo sát, đánh giá thực trạng và xây dựng quy định thủ tục chặt chẽ, kỷ luật nghiêm túc nhằm chấn chỉnh, củng cố sức chiến đấu của Đảng và của mỗi đảng viên.
Điều 8, Điều lệ Đảng đã nêu rõ: Đảng viên không tham gia sinh hoạt hoặc đóng đảng phí 3 tháng trong 1 năm thì bị xóa tên trong danh sách đảng viên. Căn cứ quy định để xử lý là nguyên tắc bình thường, nhưng vận động để đảng viên tham gia phong trào ở địa phương là việc cần thiết, cần phải làm. Không để hiện tượng này ảnh hưởng đến công tác phát triển đảng viên trẻ vốn đã rất hạn chế lâu nay ở địa phương.
 
 
Nguyễn Phước Khánh - Báo Thừa Thiên Huế
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 12.302.856
Truy câp hiện tại 5.564