Chỉ thị nêu rõ, năm 2019 được xác định là năm bứt phá để hoàn thành thắng lợi các Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 – 2020. Với phương châm hành động "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả", ngay từ đầu năm, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.
Mặc dù vậy, tăng trưởng GDP Quý I năm 2019 thấp hơn kịch bản tăng trưởng đã được xây dựng từ đầu năm. Mặt khác, đã xuất hiện những khó khăn tác động đến tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực giảm, giải ngân vốn đầu tư công nhất là đối với các dự án lớn chưa đạt yêu cầu, dịch bệnh trên vật nuôi diễn biến phức tạp, nhất là dịch tả lợn Châu Phi…
Do đó, để có thể đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước năm 2019 là 6,8%, nhiệm vụ của những tháng cuối năm, trong đó có việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là rất nặng nề, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, phấn đấu của tất cả các ngành, các cấp trong tất cả các lĩnh vực. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước (các bộ, ngành và địa phương) tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương, không được chủ quan trong chỉ đạo điều hành; theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước; bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 để xây dựng các nhiệm vụ cụ thể trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương nhằm thúc đẩy, giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh một cách quyết liệt, hiệu quả hơn, củng cố niềm tin cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp, nỗ lực phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.
Căn cứ nhiệm vụ mục tiêu tăng trưởng của từng khu vực và các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế, xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể cho từng ngành để tạo động lực phát triển không chỉ cho năm 2019 mà còn cho các năm tiếp theo; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa; phấn đấu giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2019; thực hiện nghiêm nhiệm vụ cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 320/TTg-KSTT ngày 15/3/2019.
7 nhiệm vụ, giải pháp
Theo Chỉ thị, có 7 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng đạt mục tiêu đề ra trong năm 2019 gồm:
1- Đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện thể chế.
2- Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thực chất các điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ nút thắt hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển.
3- Quyết liệt thực hiện các giải pháp kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, ổn định sản xuất; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản phục vụ xuất khẩu, bảo đảm hoàn thành kế hoạch xuất khẩu đề ra.
4- Tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án công nghiệp quy mô lớn, bảo đảm giải ngân 100% nguồn vốn đầu tư công trong năm 2019.
5- Thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển bứt phá thị trường trong nước, đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu.
6- Phát triển mạnh mẽ du lịch, góp phần lan tỏa tới nhiều ngành sản xuất, dịch vụ thị trường phát triển.
7- Tổ chức các Hội nghị quốc gia tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng.
Trong đó, về nhiệm vụ, giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thực chất các điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ nút thắt hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển, các bộ, ngành, địa phương phê duyệt Kế hoạch, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 với các nội dung, nhiệm vụ cụ thể theo đúng yêu cầu.
Khẩn trương rà soát, bãi bỏ theo thẩm quyền các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ theo nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 5/2/2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch trong tháng 4 năm 2019, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 78/2015/NĐ-CP để đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh, trong đó có việc bãi bỏ phí công bố nội dung đăng ký, trình Chính phủ trong quý II năm 2019; đánh giá mức độ thay đổi và tác động thực chất đối với doanh nghiệp của những cải cách, bãi bỏ đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh do các bộ, ngành thực hiện năm 2018, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 năm 2019; xây dựng Nghị quyết của Chính phủ cụ thể hóa một số chính sách hỗ trợ quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; trong đó có việc hỗ trợ tiếp cận các nguồn lực, năng lực quản trị, hoạch định chiến lược, ý thức tuân thủ pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4 năm 2019.
Bộ Tài chính xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về các chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp để hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, trình Chính phủ trong tháng 4 năm 2019; đánh giá tình hình, đề xuất giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2019; khẩn trương ban hành thông tư hướng dẫn nội dung chi và quản lý quỹ phát triển khoa học và công nghiệp của doanh nghiệp, nhằm phát huy, cho phép doanh nghiệp tự chủ, tự quyết định sử dụng quỹ nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp cho các nội dung về đổi mới sáng tạo, đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo.
Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát huy quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp nhằm hỗ trợ và thúc đẩy tinh thần sáng tạo, hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ tại doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty; xem xét bổ sung các quy định doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là đối tượng nhận hỗ trợ của ngân sách nhà nước thông qua Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia, bổ sung hoạt động tài trợ, cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh vay vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo để ươm tạo công nghệ, phát triển ý tưởng, mô hình kinh doanh.
Bên cạnh đó, triển khai các hoạt động phát triển thị trường khoa học và công nghệ, trong đó chú trọng thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ các nước tiên tiến trên thế giới cho các doanh nghiệp trong nước, ưu tiên các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có tiềm năng đóng góp lan tỏa, liên kết với doanh nghiệp trong nước để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 về ghi nhãn hàng hóa trong quý II năm 2019.
Bộ Xây dựng nghiên cứu đơn giản hóa các thủ tục, giải quyết kịp thời các vướng mắc trong công tác thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng; phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, tổng dự toán, quản lý dự án, cấp chứng chỉ năng lực, cấp phép xây dựng; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để nâng hạng chỉ số Cấp phép xây dựng, năm 2019 tăng 1 bậc, tiến tới đến năm 2021 lên 2-3 bậc.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật, các trình tự, thủ tục còn chưa rõ ràng, chồng chéo trong phân cấp trách nhiệm, quyền hạn và cơ chế phối hợp giữa các Bộ quản lý ngành và Ủy ban trong quyết định chủ trương đầu tư, chuyển nhượng, chấm dứt dự án đầu tư, thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế công nghệ, thẩm định tổng thể dự án nhóm A và các nhiệm vụ khác liên quan tới chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Bên cạnh đó, rà soát quy hoạch ngành và xác định rõ danh mục các dự án nhóm A của các tập đoàn kinh tế nằm trong quy hoạch ngành đã được phê duyệt không phải thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015; tăng cường phối hợp giữa Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Bộ quản lý ngành trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm của doanh nghiệp nhằm đảm bảo các chiến lược, kế hoạch phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển ngành quốc gia.
Sửa đổi, bổ sung quy chế quản lý tài chính của các doanh nghiệp trực thuộc, trong đó xác định rõ cơ chế phân cấp cho Hội đồng thành viên tập đoàn, tổng công ty; quy định rõ thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư dự án đầu tư công và dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn khác của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện các biện pháp đảm bảo tăng trưởng tín dụng theo kế hoạch đề ra, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; tập trung tăng trưởng tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Quyết liệt thực hiện các giải pháp kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm
Về nhiệm vụ, giải pháp quyết liệt thực hiện các giải pháp kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, ổn định sản xuất; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản phục vụ xuất khẩu, bảo đảm hoàn thành kế hoạch xuất khẩu đề ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi, bệnh tai xanh, bệnh lở mồm long móng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 20/3/2019; xử lý dứt điểm các ổ dịch bệnh, không để phát sinh ổ dịch mới; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn làm lây lan dịch bệnh; xử lý nghiêm các trường hợp che giấu, không khai báo kịp thời động vật mắc bệnh. Chỉ đạo tổ chức nghiên cứu vắc xin phòng chống bệnh và các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Công Thương làm việc với các doanh nghiệp, cơ sở chế biến tăng cường thu mua dự trữ, cấp đông để hạn chế mức giảm giá thịt lợn quá sâu, đồng thời tránh tăng giá khi chưa tái đàn; chuẩn bị cung ứng đủ giống phục vụ tái đàn sau dịch bệnh; đánh giá kết quả thực hiện các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi, bệnh tai xanh, bệnh lở mồm long móng, định hướng công tác kiểm soát dịch bệnh trong thời gian tới, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý III năm 2019.
Đồng thời, xây dựng “Hệ thống thông tin về phát hiện, phòng chống dịch bệnh từ cơ sở” để đảm bảo thông tin dịch bệnh, kịp thời trong quản lý, điều hành chỉ đạo; chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai xây dựng hợp tác xã, tiến tới hình thành liên hiệp hợp tác xã cho một số sản phẩm chủ lực, có quy mô lớn, có sức lan tỏa trên cơ sở hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ nông sản tại các vùng, miền trên cả nước...
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác dự báo, cảnh báo sớm về tình hình thời tiết, khí hậu, chủ động xây dựng phương án kịch bản ứng phó với những diễn biến thời tiết cực đoan như hạn hán, bão, lũ, xâm mặn..., chủ động các giải pháp phòng, chống hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan thông tấn, báo chí tập trung tuyên truyền để người dân không quay lưng với thịt lợn; đồng thời các lực lượng chức năng tiếp tục phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông tăng thời lượng, nội dung tuyên truyền về tác hại của bệnh dịch tả lợn Châu Phi, việc nhập lậu động vật, sản phẩm động vật, tăng nguy cơ làm lây lan dịch bệnh, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về giải pháp phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi. Tập trung các nguồn lực của địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; tổ chức xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết; tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc (bằng vôi bột, hóa chất,...). Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật làm lây lan dịch bệnh. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại địa phương mình quản lý.
Đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu
Về thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển bứt phá thị trường trong nước, đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành có liên quan tổ chức lại thị trường trong nước; tăng cường tổ chức các hoạt động kết nối doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam với các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới, đặc biệt là đối với các mặt hàng Việt Nam có lợi thế và Trung Quốc đang có nhu cầu lớn như trái cây, thủy sản, gạo, cà phê…; đa dạng hóa, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản; tăng cường quản lý chặt chẽ gỗ nhập khẩu để tận dụng các lợi thế có được từ việc cắt giảm thuế quan khi Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP.
Bên cạnh đó, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4 năm 2019 Đề án xử lý tranh chấp thương mại quốc tế, đặc biệt là việc tranh thủ thời cơ, hạn chế bất cập, thách thức do tác động của chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc; thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh mà Trung Quốc đang bị áp thuế cao; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện hiệu quả đồng bộ các giải pháp để phát triển bứt phá thị trường trong nước kết hợp với mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là xuất khẩu nông sản, tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm xuất khẩu, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại thế hệ mới (CPTPP, FTA, EVFTA...). Kiểm soát tốt hoạt động tạm nhập, tái xuất, quy định về nguồn gốc, xuất xứ, tránh tình trạng "mượn đường" để xuất khẩu sang nước thứ 3.
Triển khai Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP, xây dựng các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu cho các doanh nghiệp, ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và vừa để tận dụng các cơ hội của các Hiệp định thương mại tự do; thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về cung cầu các mặt hàng thiết yếu để phục vụ công tác điều hành thị trường; chỉ đạo triển khai tích cực Chương trình bình ổn thị trường; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong việc điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý nhằm góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát (Chỉ số CPI bình quân dưới 4%), bảo đảm an sinh xã hội.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, giữ ổn định các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng các thị trường tiềm năng; hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào một thị trường nhất định, đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu về truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm nông, lâm, thủy sản xuất khẩu. Giới thiệu sản phẩm và xây dựng thương hiệu nông sản, nhất là đối với các nông sản chủ lực vào thị trường Trung Quốc; phối hợp với Bộ Công Thương tăng cường tổ chức các hoạt động kết nối doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam với các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới.
Tăng cường xúc tiến thương mại đối với ngành hàng cá tra, tôm nước lợ, duy trì, ổn định các đơn hàng với những đối tác trước đây bằng chất lượng, giá cả sản phẩm và truy xuất nguồn gốc; nâng cao năng suất, sản lượng gắn với kiểm soát chặt điều kiện cơ sở nuôi, chế biến, xuất khẩu và chất lượng sản phẩm; phát triển dòng sản phẩm mới, giá trị cao; cải thiện chất lượng con giống để nâng cao hiệu quả sản xuất; ứng dụng truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm nông sản nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng về xuất khẩu của ngành thủy sản.
Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện Nghị định ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Nghị định ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hong Kong giai đoạn 2019 – 2022, Nghị định ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thương mại Việt Nam – Cuba, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4 năm 2019.
Rà soát, áp mã HS cho toàn bộ danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành nhằm nâng cao tính minh bạch và hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt thời gian làm thủ tục xuất nhập khẩu trong quý II năm 2019; xây dựng Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2019.
Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách, văn bản quy định liên quan đến phát triển và quản lý các loại hình bất động sản mới: căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel),..., báo cáo Thủ tướng Chính phủ; theo dõi sát diễn biến, thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường bất động sản; hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản.
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết về nhập khẩu sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng thuộc Danh mục cấm nhập khẩu để nghiên cứu khoa học và hoạt động gia công sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng thuộc Danh mục cấm nhập khẩu cho thương nhân nước ngoài, trong đó quy định cụ thể, chi tiết về điều kiện, trình tự, hồ sơ cấp phép và cơ quan xử lý đối với các trường hợp này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý II năm 2019.
Nghiên cứu, sửa đổi Quyết định số 169/2006/QĐ-TTg ngày 17/7/2006 quy định về việc đầu tư mua sắm các thiết bị công nghệ thông tin của các cơ quan tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước nhằm đưa ra những quy định ưu tiên chi tiết, các yêu cầu đối với các cơ quan nhà nước trong việc ưu tiên đầu tư, mua sắm sản phẩm sản xuất trong nước rõ ràng hơn, phù hợp với tình hình thực tế, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.