Tại quyết định này, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đưa ra các nguyên tắc trong mua sắm tập trung (MSTT): Phải tuân thủ theo tiêu chuẩn, định mức, chế độ, danh mục tài sản MSTT do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và công bố.
Việc mua sắm được thực hiện trong phạm vi dự toán được giao và nguồn kinh phí được phép sử dụng, bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm và có hiệu quả; đảm bảm tính đồng bộ, hiện đại, phù hợp với yêu cầu, nội dung hoạt động và quá trình cải cách hành chính nhà nước, cải cách tài chính công.
Đồng thời, việc MSTT phải được thực hiện thông qua đơn vị MSTT và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu.
Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập Tổ mua sắm tập trung trên địa bàn tỉnh gồm đại diện các đơn vị: Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo và các ngành có liên quan; đại diện lãnh đạo Sở Tài chính làm Tổ trưởng.
Giám đốc Sở Tài chính được giao trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh thành lập Tổ mua sắm tập trung cấp tỉnh theo quy định hiện hành.
Việc mua sắm tài sản tập trung trên địa bàn tỉnh mỗi năm phân thành 2 đợt. Đợt 1 vào tháng 4 hàng năm và đợt 2 vào tháng 10 hàng năm. Căn cứ thông báo dự toán ngân sách hàng năm được cấp có thẩm quyền giao đơn vị sử dụng tài sản có trách nhiệm lập văn bản đăng ký mua sắm tập trung gửi cơ quan quản lý trực tiếp cấp trên để tổng hợp gửi Tổ mua sắm tập trung của tỉnh (Sở Tài chính) trước ngày 28/2 đối với đợt 1 và trước 31/8 đối với đợt 2 hàng năm.
Ngoài ra, Tổ mua sắm tập trung thực hiện tổ chức lựa chọn nhà thầu hoặc thuê tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp để tiến hành lựa chọn nhà thầu cung cấp tài sản. Việc lựa chọn tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Trường hợp phát sinh nhu cầu mua sắm tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung ngoài dự toán được giao đầu năm và đã được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt bổ sung dự toán mua sắm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định giao đơn vị mua sắm tập trung căn cứ thỏa thuận khung đã ký (nếu có), quy định của pháp luật về đấu thầu để áp dụng hình thức mua sắm phù hợp hoặc giao cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu về tài sản tổ chức thực hiện mua sắm.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2019 và thay thế Quyết định số 70/2016/QĐ-UBND ngày 06 tháng 10 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chế mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Cùng trong ngày 20/5, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND về việc ban hành Danh mục tài sản mua sắm tập trung trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.
Theo đó, Danh mục tài sản mua sắm tập trung trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế gồm: Máy vi tính để bàn và máy vi tính xách tay nguyên bộ sử dụng thường xuyên, phổ biến trong các cơ quan, đơn vị. Danh mục tài sản nêu trên được áp dụng đối với các đơn vị dự toán được cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí trong dự toán đầu năm từ 50.000.000 đồng trở lên để mua sắm.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2019 và thay thế Quyết định số 40/2016/QĐ-UBND ngày 09 tháng 6 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc công bố danh mục tài sản mua sắm tập trung trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.