MỘT SỐ GIẢI PHÁP TIẾP TỤC ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC
HOẠT ĐỘNG CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
VŨ DƯƠNG CHÂU*
Trong những năm qua, tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục được tăng cường, đổi mới phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ của Mặt trận. Uỷ ban Mặt trận các cấp được củng cố và mở rộng, thu hút thêm nhiều thành viên mới, tăng thêm số lượng người tiêu biểu, có tín nhiệm về năng lực, phẩm chất đạo đức, nhất là trong các tôn giáo, dân tộc, doanh nhân và người ngoài Đảng. Hệ thống tổ chức, bộ máy của Uỷ ban Mặt trận các cấp được tăng cường về số lượng và chất lượng, Hội đồng tư vấn và cộng tác viên được mở rộng về tổ chức và phát huy hiệu quả tham mưu cho Uỷ ban Mặt trận các cấp tham gia xây dựng các nghị quyết, chủ trương, chính sách của cấp uỷ Đảng, chính quyền và các chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Công tác kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư được đầu tư, coi trọng với nhiều giải pháp thiết thực.
Việc thực hiện quy chế phối hợp và thống nhất hành động giữa Uỷ ban Mặt trận các cấp với các tổ chức thành viên trong nhiệm kỳ qua được phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực, như: các cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư", "Ngày vì người nghèo", Ngày hội đại đoàn kết toàn dân, phong trào đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ đồng bào lũ lụt, "Xây nhà đại đoàn kết", "Tết cho người nghèo", chăm lo các gia đình chính sách, các đối tượng tàn tật, trẻ mồ côi… Việc thực hiện quy chế phối hợp với chính quyền được tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng trên nhiều lĩnh vực đã từng bước chăm lo, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện vai trò giám sát của Mặt trận như bầu cử Quốc hội khoá XII và Hội đồng nhân dân các cấp, tổ chức lấy phiếu tín nhiệm Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân cấp xã, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng, giám sát cán bộ công chức, đảng viên ở khu dân cư... Duy trì hội nghị kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện các quy chế phối hợp công tác giữa Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân cùng cấp. Mặt trận đã tiếp tục phối hợp tốt với các ngành, các tổ chức thành viên thực hiện nhiều chương trình quốc gia như bảo vệ môi trường, phòng chống tệ nạn xã hội, xoá đói giàm nghèo, an toàn giao thông, các chương trình phối hợp vận động đồng bào dân tộc thiểu số, các chức sắc tôn giáo, đồng bào theo đạo…
Kết luận số 62-KL/TW ngày 8-12-2009 của Bộ Chính trị "Về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị- xã hội", Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VII. Coi trọng công tác tổ chức, vận dụng và sáng tạo thêm những phương thức hoạt động có hiệu quả phù hợp với vai trò, chức năng, nhiệm vụ và đối tượng tập hợp, vận động của từng tổ chức thành viên, tập trung vào các nội dung và giải pháp sau:
1. Nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của Đảng, chính quyền đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần đổi mới và tăng cường phối hợp công tác thông tin, tuyên truyền giữa Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc với các tổ chức thành viên, đồng thời tăng cường phối hợp hoạt động với các cơ quan thông tin tuyên truyền của Đảng và Nhà nước. Kết hợp các hình thức tuyên truyền thông qua báo chí, phát thanh, truyền hình, hội nghị, hội thảo với việc trang bị tài liệu, đối thoại, tiếp xúc của cán bộ Mặt trận với cán bộ Đảng và chính quyền… Tăng cường công tác tổng kết thực tiễn để bổ sung và phát triển lý luận về tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Tăng cường công tác tham mưu, đảm bảo chế độ báo cáo, thông tin hai chiều với cấp ủy Đảng và chính quyền về hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Giám sát việc tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác mặt trận và các đoàn thể gắn với tiêu chuẩn đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức đảng các cấp.
2. Nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; chăm lo và bảo vệ lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân.
Chương trình phối hợp thống nhất hành động của Mặt trận Tổ quốc các cấp cần bám sát các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của từng địa phương, sát với cộng đồng dân cư. Tiếp tục nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc với các cơ quan chính quyền cùng cấp thông qua việc ký kết các nghị quyết, văn bản liên tịch trong triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, các chương trình mục tiêu quốc gia. Xây dựng, thực hiện tốt hơn nữa Quy chế phối hợp và thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên và phát huy vai trò chủ trì phối hợp và thống nhất hành động của Mặt trận với các tổ chức thành viên các cấp, khắc phục tình trạng chồng chéo, hình thức; phân công rõ trách nhiệm cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp trong việc tổ chức các hoạt động phong trào. Chú trọng sơ kết, tổng kết các phong trào, các cuộc vận động, cổ vũ, động viên và nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến; tham mưu kiến nghị với Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp bổ sung chủ trương, chính sách, biện pháp về công tác vận động nhân dân.
Mở rộng phương thức xã hội hóa, động viên các điển hình cá nhân và tập thể tích cực tham gia các cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", cuộc vận động "Ngày vì người nghèo", tháng cao điểm "Vì người nghèo" và chương trình "Nối vòng tay lớn" hàng năm do Mặt trận Tổ quốc phát động. Phát huy vai trò tích cực của các tổ chức thành viên, cá nhân tiêu biểu và cán bộ Mặt trận trong việc chủ động tiếp cận, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, hòa giải; đồng thời đề xuất, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền các biện pháp giải quyết các vấn đề bức xúc ở cơ sở.
3. Đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân và tập trung hướng mạnh các hoạt động về cơ sở.
Tổ chức tốt các sự kiện lịch sử, văn hóa dân gian tại địa bàn dân cư để thu hút ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Đổi mới phương thức tiếp cận các giai tầng xã hội của MTTQ Việt Nam, đặc biệt là đối với các tôn giáo và đồng bào các dân tộc thiểu số. Coi trọng việc kết hợp giữa vận động thuyết phục với quan tâm đến những yêu cầu chính đáng của các cá nhân tiêu biểu trong các tôn giáo, các dân tộc. Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả nguyên tắc hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động trong Mặt trận. Phát huy vai trò, tác dụng tích cực của các cá nhân tiêu biểu trong Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và trong cộng đồng dân cư, trong các tầng lớp nhân dân, trong các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài.
Hướng dẫn và giúp đỡ các điều kiện cần thiết theo phương thức xã hội hóa cho cơ sở và Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư; đẩy mạnh các hình thức hoạt động tự quản của nhân dân, phát huy mọi nguồn lực của các tầng lớp nhân dân để tăng cường, mở rộng các hoạt động Mặt trận. Chú trọng kiện toàn, nâng cao trình độ kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ công tác vận động nhân dân và thực hiện chính sách, chế độ đối với đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở cơ sở và khu dân cư.
4. Kiện toàn tổ chức bộ máy, đổi mới chính sách, chế độ đối với cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Thường xuyên kiện toàn, bổ sung thay thế kịp thời Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp theo quy định của Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đổi mới nội dung và phương thức họp hội nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp hàng năm theo hướng vừa có chương trình phối hợp thống nhất hành động vừa có chuyên đề đi sâu từng đối tượng vận động, từng chuyên đề trọng tâm về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... Phát huy dân chủ, khuyến khích thảo luận, tôn trọng mọi ý kiến khác nhau, không phân biệt đa số hay thiểu số, đồng tình hay phản đối. Mọi ý kiến phát biểu trực tiếp hoặc bằng văn bản đều được tổng hợp, xử lý và thông báo lại kết quả cho người đề xuất.
Rà soát, đánh giá thực trạng chất lượng cán bộ Mặt trận Tổ quốc các cấp hiện nay, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để tiến hành sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ đúng người, đúng việc. Làm tốt công tác quy hoạch cán bộ ở các cấp, xây dựng tiêu chuẩn cán bộ Mặt trận chuyên trách của từng cấp và tiêu chuẩn của từng chức danh; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Mặt trận chuyên trách phù hợp với điều kiện cụ thể. Tham mưu công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ, bổ sung chế độ, chính sách, điều kiện làm việc của cán bộ Mặt trận Tổ quốc các cấp phù hợp với yêu cầu chuyên nghiệp hóa, từng bước hiện đại. Đổi mới phong cách của cán bộ Mặt trận theo hướng trọng dân, gần dân và có trách nhiệm với dân. Tăng cường phương pháp hội ý, trao đổi, bàn bạc, dân chủ, đối thoại, sâu sát, lắng nghe giải trình trong phương thức quan hệ công chúng của cán bộ Mặt trận các cấp.
Kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp. Tăng cường mối quan hệ, tổ chức hội nghị định kỳ giữa các tổ chức tư vấn với Ban Thường trực cùng cấp nhằm tập trung công tác nghiên cứu, đóng góp trí tuệ, hiến kế thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, cùng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc mỗi cấp có kế hoạch giám sát các cơ quan chức năng, bộ, ngành, chính quyền trong việc thực hiện các chính sách đối với nhân dân.
5. Tăng cường công tác dân vận của chính quyền các cấp.
Mặt trận chủ động đề xuất, xây dựng kế hoạch phối hợp và đề nghị chính quyền cùng cấp bảo đảm những điều kiện về tài chính và phương tiện, vật chất để Mặt trận Tổ quốc tiếp tục thực hiện và nâng cao vai trò của Mặt trận trên những lĩnh vực hoạt động, như tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội, thực hiện quyền giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ công chức nhà nước theo quy định của pháp luật. Phối hợp, tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp lý, vận động các tầng lớp nhân dân, phát huy quyền làm chủ, tham gia xây dựng Nhà nước, xây dựng chính quyền nhân dân các cấp. Vận động thực hiện trách nhiệm mỗi cán bộ, công chức Nhà nước là một cán bộ dân vận tốt, mỗi cán bộ công chức phải có chương trình công tác, chương trình rèn luyện tư duy và phong cách công tác dân vận.
Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả việc thực hiện Quy chế phối hợp giữa Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với Chủ tịch nước và với Thủ tướng Chính phủ. Rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế phối hợp công tác giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp với chính quyền cùng cấp, cụ thể hóa về nội dung, chương trình, kế hoạch công tác giữa hai bên, định kỳ có đánh giá kiểm điểm việc thực hiện của mỗi bên.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Tham mưu với các cấp ủy Đảng ban hành Nghị quyết, quy định về trách nhiệm của Đảng đối với Mặt trận, các đoàn thể. Cử cán bộ lãnh đạo của Đảng tham gia Ủy ban Mặt trận các cấp và làm tròn trách nhiệm là thành viên đặc biệt trong tổ chức Mặt trận. Quán triệt sâu sắc những quan điểm của Đảng về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lãnh đạo, chỉ đạo sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách liên quan đến Mặt trận và bố trí cán bộ Mặt trận Tổ quốc tương xứng, ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ của Mặt trận trong thời kỳ mới.
Chủ động tham mưu tổ chức các hình thức tiếp xúc, đối thoại giữa cấp ủy Đảng và người đứng đầu chính quyền các cấp với các tầng lớp nhân dân trong các đối tượng, sâu sát cơ sở, khu dân cư. Tham mưu với các cấp ủy Đảng lãnh đạo, chỉ đạo công tác sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả về đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.
* Phó Trưởng Ban Tổ chức cán bộ - Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam