Tìm kiếm tin tức
Cẩn trọng khi điều trị bệnh sốt xuất huyết
Ngày cập nhật 26/09/2019
Điều trị bệnh sốt xuất huyết tại BV Hương Thủy

Chưa có dịch, nhưng gần đây sốt xuất huyết (SXH) ở Thừa Thiên Huế có xu hướng gia tăng. Với SXH không nên chủ quan mà phải cẩn trọng trong cách điều trị...

Sốt xuất huyết tăng cao tại nhiều địa phương

Thông tin Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh xuất hiện gần 848 trường hợp mắc SXH, không có tử vong. So với cùng kỳ năm 2018, số ca mắc bệnh SXH tăng hơn 5 lần. Nhiều địa phương tăng cao, như huyện Phú Lộc có 212 trường hợp, Phú Vang 163 trường hợp, thị xã Hương Thủy 97 trường hợp. Đáng quan ngại tại huyện miền núi Nam Đông trong năm 2018 chỉ xảy ra 1 trường hợp mắc SXH nhưng 2 tháng gần đây đã có 87 trường hợp và phần lớn đều tập trung ở thị trấn Khe Tre.

Đa phần các địa phương để xảy ra SXH là các khu vực, địa bàn đông dân cư, khách vãng lai qua lại nhiều và môi trường sinh hoạt có nhiều vật dụng tạo điều kiện muỗi phát sinh... Trong khi đó, người dân trong khu vực  xảy ra SXH còn chủ quan, lơ là chưa ý thức cao trong phòng ngừa.

Thạc sĩ, bác sĩ Phan Đăng Tâm, Phó Giám đốc CDC tỉnh cho biết, trước tình hình SXH đang có xu hướng gia tăng trên địa bàn, ngành y tế đã thành lập các đoàn phối hợp các địa phương kiểm tra, giám sát, xử lý khống chế không để lây lan thành dịch; đồng thời, đẩy mạnh truyền thông nâng cao ý thức người dân và cộng đồng xã hội chung tay phòng ngừa. "Thời tiết mưa nắng thất thường như hiện nay là điều kiện SXH dễ bùng phát nếu không chủ động phòng ngừa kịp thời". Bác sĩ Tâm nói.

Chăm sóc, điều trị đúng cách

Theo bác sĩ Trần Thị Xuân Thủy, Trưởng khoa Nội nhi, Truyền nhiễm, BV huyện Nam Đông, khoa đang điều trị hơn 10 trường bệnh mắc SXH. Theo bác sĩ Thủy, tình trạng bệnh SXH nặng hay nhẹ phụ thuộc vào cơ địa và tuýp vi rút gây bệnh. Thể xuất huyết của người lớn thường chậm hơn ở trẻ. Trẻ sẽ bị sốc xuất huyết nhanh hơn, bệnh nặng nhanh hơn. Ở trẻ em, bệnh SXH dễ gây tình trạng sốc nhiều, còn người lớn thì kèm theo xuất huyết nhiều hơn... Do đó, các y, bác sĩ ở BV Nam Đông không chủ quan trong khám, chẩn đoán lâm sàng, cận lâm sàng và theo dõi bám sát đưa ra phác đồ điều trị hợp lý cho bệnh nhân. 

Bác sĩ CK I Dương Thị Thu Hằng, Phụ trách Khoa Truyền nhiễm, Phó Giám đốc BV thị xã Hương Thủy khá lo lắng khi hiện nay tình hình SXH trên địa bàn diễn biến phức tạp. Trong số những ca bệnh vừa mắc đã điều trị lành cho xuất viện có gần 50% là trường hợp ngoại lai làm ăn mang mầm bệnh từ Lào về.

Bác sĩ  Hằng nhận định, SXH  thường khởi phát đột ngột và tiến triển nhanh. Trong 1 đến 3 ngày đầu là diễn ra sốt, người bệnh bị sốt cao có thể lên 39 - 40 độ C. Giai đoạn này, các triệu chứng bệnh thường rất khó phân biệt với các loại sốt vi rút thông thường. Lúc này, bệnh nhân chỉ uống thuốc hạ sốt, bổ sung dinh dưỡng, nước, nước trái cây, nước điện giải oresol, vitamin để tự phục hồi. Tuy nhiên, nặng nhất là giai đoạn 2, kể từ ngày thứ 3 trở đi, khi sốt đã hạ. Trong giai đoạn này, các triệu chứng của bệnh bắt đầu được nhận thấy hiện tượng xuất huyết dưới da, chảy máu cam hay chảy máu chân răng. Nặng hơn, người bệnh có thể bị chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi hoặc màng bụng, xuất huyết tiêu hóa... Lúc này, người bệnh phải được theo dõi sát sao và xét nghiệm tiểu cầu thường xuyên để bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị hợp lý, giúp bệnh nhân hồi phục.

Các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo, tốt nhất khi có nghi ngờ các biểu hiện mắc SXH như mệt mỏi, sốt cao, chán ăn... cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện sớm để khám, điều trị phòng ngừa kịp thời tránh để bệnh diễn biến nặng.

Theo baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 12.307.768
Truy câp hiện tại 2.355