Tìm kiếm tin tức
Xây dựng đô thị thông minh dựa trên những đặc điểm, lợi thế riêng biệt
Ngày cập nhật 03/10/2019

Sáng 1/10, tại TP. Huế diễn ra Hội thảo quốc tế “Các bên liên quan và khả năng hợp tác xây dựng thành phố thông minh bền vững ở Việt Nam”. Đây là hội thảo nhằm nhìn lại những thành tựu của dự án đạt được trong hơn 2 năm qua và mở rộng hợp tác với các bên liên quan trong xây dựng các thành phố thông minh, bền vững ở Việt Nam. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định đã đến dự và tham gia hội thảo.

Liên minh bền vững mạng lưới đô thị ở các thành phố châu Á (SAUNAC) là dự án được tài trợ bởi chương trình ERASMUS+ của Liên minh châu Âu với sự tham gia hợp tác của 5 trường đại học châu Âu và 6 trường đại học Việt Nam.

Các hoạt động của dự án nhắm đến việc xây dựng năng lực cho các trường đại học của Việt Nam và các bên liên quan. Qua đó, nhằm trao cho họ công cụ tạo ra sự chuyển dịch ở Việt Nam thông qua một số hoạt động đào tạo các chuyên gia và sinh viên để xây dựng được các giải pháp căn cơ cho các thành phố thông minh và bền vững.

Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh đang phát huy hiệu quả là cầu nối giữa chính quyền và người dân

Đô thị thông minh đang đi vào thực tiễn

Là một trong 6 trường đại học tham gia các dự án, PGS. TS. Hoàng Văn Hiển, Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học, Đại học Huế cho biết, trong nỗ lực chung của cả nước, Thừa Thiên Huế được xem là địa phương xây dựng và triển khai Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) đầu tiên của Việt Nam. Do vậy, các hoạt động tích cực của dự án SAUNAC trong thời gian qua là những đóng góp tiên phong, góp phần thực hiện thành công đề án phát triển đô thị Việt Nam thông minh, bền vững.

Việc xây dựng mối liên kết giữa chính quyền địa phương, các tổ chức cá nhân và trường đại học nhằm hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội là xu hướng tất yếu. Hiện, Trường đại học Khoa học đã và đang có những động thái thúc đẩy mối quan hệ hợp tác quốc tế bằng thiết lập với nhiều đại học trên thế giới về nghiên cứu, đào tạo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định thông tin, về quan điểm phát triển tổng thể, Thừa Thiên Huế phấn đấu xây dựng trở thành Đô thị di sản theo hướng “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”; xứng tầm là đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế; là một trong những trung tâm văn hóa, khoa học - công nghệ, y tế, đào tạo lớn của cả nước và khu vực. 

Hoàn thành kiến trúc ICT đô thị thông minh đảm bảo về mặt pháp lý và các tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm thu hút sự tham gia của xã hội vào xây dựng và phát triển dịch vụ đô thị thông minh một cách thuận lợi, theo quy chuẩn thống nhất và tạo ra sự công khai, minh bạch, bình đẳng cho các thành phần tham gia trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định cho rằng, đô thị thông minh là quan hệ cộng sinh giữa chính quyền được quản lý thông minh hướng đến mục tiêu vì dân; cộng đồng dân cư thông minh, biết được những điều mình muốn một cách sâu sắc và tương tác với chính quyền để truyền tải những tâm tư, nguyện vọng của bản thân thông qua công cụ là hạ tầng công nghệ. Đồng thời phát triển, xây dựng đô thị thông minh dựa trên những đặc điểm, lợi thế riêng biệt của địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định khẳng định, công tác giáo dục để làm cho người dân, chính quyền, đô thị trở nên thông minh là hết sức cần thiết. Vì vậy, mong muốn những hoạt động dự án SAUNAC đang làm tiếp tục triển khai sâu rộng, đi vào thực tiễn của cuộc sống người dân.

Tăng cường sự tương tác của người dân

Các đại biểu tham dự hội thảo

Thừa Thiên Huế là địa phương đặt ra mục tiêu phát triển là không phải phát triển kinh tế bằng mọi giá mà là phấn đấu phát triển theo hướng đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường. Đây là tiêu chí hàng đầu của tỉnh trong tiến trình phát triển của địa phương. 

Với mục tiêu đó, Thừa Thiên Huế đã và đang tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như tăng cường giáo dục văn hóa, lịch sử; thay đổi nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường thông qua phong trào Ngày Chủ nhật xanh, xây dựng Thừa Thiên Huế xanh - sạch - sáng. Đồng thời, tăng cường sự tham gia của người dân vào các hoạt động quản lý xã hội, quản lý chính quyền và thúc đẩy trách nhiệm của người dân cũng như thúc đẩy chính quyền trong công tác quản lý thông qua dịch vụ của Trung tâm IOC.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định nhấn mạnh, hiện nay, tất cả người dân Thừa Thiên Huế đều có thể tiến hành chụp ảnh, phản ánh một vấn đề, sự bất cập đang tồn tại trong xã hội lên Facebook, lên các trang mạng Internet để chính quyền tiếp nhận, giải quyết thay vì phàn nàn, chấp nhận những thực tại, khó khăn của cá nhân như trước đây.

Thời gian tới, Thừa Thiên Huế phấn đấu đưa vào áp dụng cho mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử và mỗi học sinh có một sổ liên lạc điện tử nhằm hướng đến công tác khám chữa bệnh được tốt hơn; có mối quan hệ chặt chẽ giữa giáo viên với học sinh và gia đình trong quá trình theo dõi, dạy học, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định cho biết thêm.

Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu cũng dành thời gian thảo luận, trình bày những ý tưởng để đi đến tiếng nói chung, định hướng những nghiên cứu và kết nối xây dựng các chiến lược phát triển phù hợp với điều kiện địa phương.

Theo baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 12.306.347
Truy câp hiện tại 1.593