Tìm kiếm tin tức
Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 11-15/11/2019
Ngày cập nhật 22/11/2019
Ảnh minh họa

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các doanh nghiệp ngành hàng không, đặc biệt là các Cảng hàng không và Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam có các giải pháp, phương án quản lý vùng trời khu vực lân cận Cảng hàng không, sân bay phòng ngừa, ứng phó với tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ uy hiếp an ninh, an toàn hàng không.

Đây là một trong những thông tin chỉ đạo, điều hành nổi bật của Thủ tướng Chính phủ phủ tuần qua.
 
Theo Công điện 1545/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 16/10/2019, tàu bay Airbus A321-271N (NEO)/đăng ký số VN-A607 của Công ty cổ phần hàng không Vietjet (VJC), thực hiện chuyến bay VJ331/chặng bay Thành phố Hồ Chí Minh (SGN) - Phú Quốc (PQC) bị móp mũi che ra - đa thời tiết của tàu bay nhưng không có biểu hiện va đập của chim trời; đây là lần thứ hai, tàu bay dân dụng trong không phận Việt Nam gặp phải hiện tượng này (sau vụ tàu bay Boeing B737/đăng ký số HL 8056 của Hãng hàng không Tway Air - Hàn Quốc, thực hiện chuyến bay TW123/chặng bay Incheon - Thành phố Hồ Chí Minh ngày 19/9/2019 đã bị móp và rách mũi che ra - đa thời tiết).
 
Theo đánh giá rủi ro từ nguy cơ uy hiếp an toàn hàng không của tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ (PTBKNL) đối với hoạt động hàng không dân dụng, để thực hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với việc bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn cho hoạt động hàng không dân dụng trong vùng thông báo bay của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ: Quốc phòng, Công Thương, Giao thông vận tải, Ngoại giao, Công an, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ thẩm quyền, trách nhiệm được giao, khẩn trương chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp.
 
Trong đó, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương nghiên cứu, xác minh để làm rõ nguyên nhân của hai sự cố trên; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11 năm 2019 (qua Ủy ban An ninh hàng không dân dụng Quốc gia để tổng hợp). Trước mắt, tạm thời ban hành Chỉ thị cấm PTBKNL hoạt động tại các Cảng hàng không, sân bay và khu vực lân cận trong phạm vi 8 kilomét tính từ ranh giới Cảng hàng không, sân bay trở ra.
 
Bộ Công Thương chỉ đạo cơ quan quản lý thị trường siết chặt kiểm soát việc mua bán trái phép các thiết bị, bộ phận thiết bị PTBKNL trên thị trường.
 
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị chức năng làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao sự hiểu biết của nhân dân về rủi ro từ PTBKNL; đồng thời, quản lý chặt chẽ hoạt động của PTBKNL tại địa phương mình, kịp thời phát hiện và chấm dứt ngay các hoạt động của PTBKNL ở các khu vực lân cận của Cảng hàng không, sân bay.
 
Việt Nam đăng cai tổ chức SEA Games 31 và Para Games 11
 
Theo Quyết định 1616/QĐ-TTg  của Thủ tướng Chính phủ, Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) và Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 11 (Para Games 11) năm 2021 sẽ được tổ chức tại Việt Nam. Về quy mô, sẽ có 11 quốc gia ở khu vực Đông Nam Á tham dự SEA Games 31 và Para Games 11.
 
Thời gian diễn ra SEA Games 31 dự kiến vào cuối tháng 11, đầu tháng 12/2021; Para Games 11 dự kiến cuối tháng 12/2021.
 
Tại SEA Games 31 dự kiến sẽ có 36 môn (số môn trong chương trình thi đấu chính thức của Olympic, Asiad chiếm khoảng 2/3 tổng số môn; các quốc gia trong khu vực có thể đề xuất thêm một số môn khác theo thông lệ); Para Games 11 dự kiến có 14 môn do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định cụ thể các môn và báo cáo Ban Chỉ đạo quyết định.
 
Para Games 11 tổ chức tại thành phố Hà Nội; SEA Games 31 tổ chức tại thành phố Hà Nội và một số địa phương lân cận. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo Ban Chỉ đạo xem xét, quyết định việc cùng tham gia tổ chức SEA Games 31 của một số địa phương lân cận thành phố Hà Nội, bảo đảm nguyên tắc tổ chức tập trung tối đa để thực sự thuận tiện, tiết kiệm, hiệu quả.
 
Nghiêm trị mọi hành vi phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt
 
Chính phủ đã ban hành Nghị định 81/2019/NĐ-CP về phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; trong đó quy định về nguyên tắc, chính sách, biện pháp, lực lượng, phương tiện phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
 
Nghị định nêu rõ công tác phòng, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt phải bảo đảm nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật; bảo đảm độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; tuân thủ điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh và xử lý hành vi phổ biến và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; kết hợp phòng, chống phổ biến và tài trợ phổ biến vũ phí hủy diệt hàng loạt với phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
 
Quy định nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng
 
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng. Nghị định này quy định về đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ và quản lý hoạt động phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng tại Việt Nam.
 
Hỗ trợ tu sửa, xử lý khẩn cấp đê, kè, cống không quá 3 tỷ đồng/1 công trình
 
Chính phủ ban hành Nghị định 83/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai.
 
Về nội dung chi của Quỹ phòng, chống thiên tai, Nghị định sửa đổi: Chi hỗ trợ các hoạt động phòng, chống thiên tai và ưu tiên hỗ trợ cho các hoạt động quy định tại điểm a, b, c khoản 3 Điều 10 Luật Phòng, chống thiên tai và hoạt động cứu trợ, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai: Cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các nhu cầu cấp thiết khác cho đối tượng bị thiệt hại do thiên tai; hỗ trợ tu sửa nhà ở, cơ sở y tế, trường học, xử lý vệ sinh môi trường vùng thiên tai, tu sửa nhà sơ tán phòng tránh thiên tai; tháo bỏ hạng mục, vật cản gây nguy cơ rủi ro thiên tai; tu sửa, xử lý khẩn cấp đê, kè, cống và công trình phòng chống thiên tai được hỗ trợ kinh phí tối đa không quá 3 tỷ đồng/1 công trình (quy định cũ nhỏ hơn 1 tỷ đồng/công trình).
 
Tìm kiếm nguồn nước dưới đất phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số
 
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Chương trình điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước.
 
Chương trình đặt mục tiêu cụ thể là tìm kiếm các nguồn nước dưới đất có trữ lượng, chất lượng phù hợp, đáp ứng yêu cầu cung cấp nước phục vụ sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước; đề xuất được các giải pháp khoa học, công nghệ và chính sách nhằm quản lý, bảo vệ nguồn nước dưới đất, xử lý và cấp nước sạch thích ứng với điều kiện vùng núi cao, vùng khan hiếm nước; xây dựng được các công trình cấp nước phù hợp với điều kiện ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước, đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt bền vững, an toàn cho nhân dân.
 
Chương trình thực hiện tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước trên địa bàn 41 tỉnh với số vùng được điều tra, đánh giá là 325 vùng.
 
Điều tra, sớm đưa ra xét xử vụ Cty địa ốc Alibaba
 
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình giao Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ các vi phạm xảy ra tại Công ty cổ phần địa ốc Alibaba để sớm đưa ra truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật và thu hồi tài sản do các hành vi phạm tội mà có. Trong quá trình điều tra nếu phát hiện có sự bao che của cán bộ, công chức các cơ quan nhà nước cần xác minh, làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Theo baochinhphu.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 12.280.129
Truy câp hiện tại 2.707