Tìm kiếm tin tức
Chỉ đạo công tác sản xuất vụ Đông Xuân 2019-2020
Ngày cập nhật 18/12/2019
Ảnh minh hoạ

Để chuẩn bị cho công tác sản xuất vụ Đông Xuân 2019- 2020 đạt chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra, UBND thị xã Hương trà đã có Công văn số 3356 /UBND ngày  16 tháng 12 năm 2019 về chỉ đạo công tác sản xuất vụ Đông Xuân 2019-2020 trên địa bàn.

Vụ Đông xuân 2019- 2020 theo kế hoạch gieo cấy toàn thị xã khoảng 3.100ha lúa, 880ha lạc, 150ha ngô, 700ha sắn và 600ha rau các loại. Theo khung lịch thời vụ của UBND thị xã, đối với cây lúa thời gian gieo mạ và sạ giống dài ngày tập trung từ 15/12/2019 đến 5/01/2020, giống lúa ngắn ngày tập trung từ 05/01 đến 05/02/2020. Đến nay trên địa bàn chưa có mưa lớn gây ngập lụt nên lúa chét và cỏ dại phát triển xanh tốt là nguồn thức ăn dồi dào, cũng là điều kiện thuận lợi cho chuột và các dịch hại khác cư trú, phát sinh phát triển gây hại cho vụ sản xuất tới. Để chuẩn bị cho sản xuất vụ Đông Xuân 2019- 2020 đạt chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra, UBND thị xã yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, phường, Giám đốc các HTXNN và thủ trưởng các cơ quan chuyên môn trên địa bàn triển khai thực hiện một số nội dung sau:

1. Đối với cây lúa

- Tăng cường đôn đốc, chỉ đạo nông dân tiến hành cày lật đất để tiêu hủy lúa chét, cỏ dại, mầm mống sinh vật gây hại trước khi xuống giống. Tổ chức gieo cấy đúng khung lịch thời vụ, tuyệt đối không gieo cấy quá sớm ảnh hưởng đến giai đoạn lúa trổ.

          - Rà soát số lượng, chất lượng giống lúa đã sản xuất, cân đối để đăng ký mua thêm ở các đơn vị cung ứng giống, có phương án chuẩn bị lượng giống dự phòng hợp lý tuỳ theo điều kiện thực tế của địa phương.

- Tổ chức kiểm tra hệ thống kênh mương để có kế hoạch gia cố, tu sửa đê bao ngăn mặn, nạo vét kênh mương nội đồng, tích trữ nước và chuẩn bị các phương án tiêu úng phục vụ sản xuất kịp thời theo kế hoạch.

- Triển khai diệt chuột, ốc bươu vàng,... trước khi xuống vụ nhằm hạn chế khả năng gây hại trong vụ Đông Xuân. Tổ chức diệt chuột bằng các biện pháp tổng hợp như phát quang cỏ bờ, bụi rậm để tránh nơi ẩn náu và sinh sản của chuột; đặt bẫy kẹp, bẫy lồng, đặt bả mồi bằng thuốc hóa học Racumin 0.75TP, Klerat 0.005%,... ngay sau khi cày lật đất, khi xuống giống; làm các nhà chuột để dẫn dụ chuột vào ẩn núp, bao lưới xung quanh nhà và tiến hành bắt chuột; đào bắt, hun khói hoặc tranh thủ các đợt mưa lụt (nếu có), đồng ruộng ngập nước, chuột co cụm trên các vùng cao, đê đập, cồn mồ để đánh bắt. Cấm diệt chuột bằng điện dưới mọi hình thức.

- Xây dựng phương án, kế hoạch để chuyển đổi diện tích lúa không chủ động tưới, tiêu, có nguy cơ không đủ nước tưới cho lúa cả vụ hoặc bị ngập sâu và kéo dài cần có kế hoạch chuyển đổi sang các cây trồng khác phù hợp, hiệu quả kinh tế cao hơn.

2. Cây trồng khác (sắn, ngô, rau...)

- Khuyến cáo nông dân sử dụng các giống chất lượng, năng suất, có nguồn gốc ràng để gieo trồng; chăm sóc, bón phân cân đối, hợp lý để tăng khả năng chống lại với điều kiện ngoại cảnh bất lợi và sinh vật gây hại.

- Tăng cường theo dõi các đối tượng sinh vật gây hại để có biện pháp quản lý và chỉ đạo phòng trừ kịp thời, đảm bảo an toàn thực phẩm.

- Bệnh khảm lá sắn đã xuất hiện và gây hại tại Hương Xuân, Hương văn, Hương Vân, Hương Chữ, Phú Ốc,… Do vậy, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân sau khi thu hoạch sắn ở các vùng nhiễm bệnh phải tiêu hủy thân, lá, vệ sinh đồng ruộng trước khi làm đất sản xuất vụ mới; không sử dụng cây sắn trong vùng bị bệnh làm hom giống trồng cho vụ sau.

3. Đối với cây cao su và cây ăn quả

- Tập trung chỉ đạo gieo trồng mới theo lịch thời vụ; hướng dẫn các biện pháp chăm sóc, bón phân, kết hợp làm cỏ vun gốc cho cây phục hồi, phát triển.

- Khơi thông hệ thống thoát nước tránh tù đọng; vệ sinh vườn, cắt bỏ cành già, cành sâu bệnh để tiêu huỷ, hạn chế nguồn bệnh tồn tại trên vườn.

- Tăng cường theo dõi các đối tượng sinh vật gây hại để có biện pháp chỉ đạo và phòng trừ kịp thời trên diện hẹp.

Diệu Hương
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 12.276.048
Truy câp hiện tại 732