Tìm kiếm tin tức
Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn
Ngày cập nhật 21/05/2015

Năm nay chúng ta kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống chính trị - xã hội của đất nước, trong không khí phấn khởi, hào hùng sau 40 năm giải phóng hoàn toàn miền nam, núi sông liền một dải. Kể từ Ðại thắng mùa Xuân năm 1975, khát vọng cháy bỏng của Bác Hồ kính yêu "tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi" đã thành hiện thực.

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chúng ta kỷ niệm Ngày sinh Bác Hồ vào dịp toàn Ðảng đang tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Ðại hội lần thứ XII của Ðảng - tổng kết năm năm thực hiện Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng, tổng kết 30 năm đổi mới và xác định phương hướng, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong những năm tiếp theo, trước mắt là nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ trong năm 2015.

Chúng ta kỷ niệm Ngày sinh Bác Hồ trong lúc Ðảng ta đang thực hiện đổi mới, chỉnh đốn Ðảng để "xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân"; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người, theo tinh thần Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị.

Trong cuộc đời 79 mùa Xuân, cuộc đời vì dân, vì nước "vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại di sản vô cùng quý báu là tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người.

Là lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, Hồ Chí Minh đã dành trọn những tháng năm đẹp đẽ nhất của cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đem lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Năm 1911, khi vừa tròn 21 tuổi, từ Bến Cảng Sài Gòn, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành tạm biệt quê hương muôn vàn yêu dấu đi tìm đường cứu nước. Người bôn ba khắp năm châu bốn biển, làm đủ mọi nghề để tự học, kiếm sống, và đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tập hợp những người Việt Nam yêu nước, tìm con đường đưa dân tộc thoát khỏi gông cùm nô lệ, lầm than. Người sáng lập Ðảng Cộng sản Việt Nam, là người Cha thân yêu của các lực lượng vũ trang, là lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Tên tuổi Hồ Chí Minh gắn liền với những chặng đường cách mạng vẻ vang, gắn liền với những chiến công chói lọi của đất nước ta trong thế kỷ 20. Tư tưởng "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" của Người có ý nghĩa thời đại sâu sắc.

Trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng về xây dựng Ðảng có vị trí đặc biệt quan trọng. Ngay từ những tác phẩm Ðường Kách mệnh (năm 1927), Sửa đổi lối làm việc (năm 1947), Bác đã chỉ rõ, cách mạng muốn thành công phải có sự lãnh đạo của một Ðảng cách mạng; và Ðảng phải thường xuyên sửa đổi lối làm việc để "Ðảng mới chóng phát triển, công việc mới chóng thành công". Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Trong Ðảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Ðảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau".

Thực hiện những lời căn dặn sâu sắc của Người, Ðảng ta luôn luôn coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng. Hơn bốn năm qua, thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng Ðảng, các tổ chức đảng trong cả nước, từ Trung ương xuống các chi bộ đã nghiêm túc triển khai thực hiện, trong đó trọng tâm là kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên. Việc kiểm điểm trong Ðảng có sự giám sát, tham gia đóng góp ý kiến của quần chúng nhân dân, thông qua MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu là cảnh tỉnh, răn đe, xử lý những cán bộ, đảng viên mắc khuyết điểm, tham nhũng, quan liêu, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác, kết quả kiểm điểm, tự phê bình, phê bình chưa đạt yêu cầu như mong muốn. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ có chức, có quyền chưa được ngăn chặn và đẩy lùi. Những biểu hiện của sự suy thoái như cơ hội, tham vọng quyền lực, đặc quyền, đặc lợi, lợi ích nhóm... diễn biến tinh vi và phức tạp, làm ảnh hưởng đến năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng, suy giảm niềm tin của nhân dân.

Bác Hồ từng chỉ rõ: "Một Ðảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Ðảng hỏng. Một Ðảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Ðảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính". Vì vậy, muốn Ðảng mạnh, được nhân dân tin tưởng, yêu quý, nhất định chúng ta phải tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết T.Ư 4 về xây dựng dựng Ðảng, nhất là việc sửa chữa những khuyết điểm, thiếu sót một cách quyết liệt, dứt điểm, gắn với việc thường xuyên học tập và làm theo gương Bác.

Noi gương Bác, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thật sự nêu gương sáng về đạo đức, lối sống, gần dân, lắng nghe dân và có trách nhiệm với dân. Một tấm gương điển hình, một hành động gương mẫu có ý nghĩa hơn rất nhiều những lời đạo lý, trừu tượng. Trong lúc này, việc xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong Ðảng, mối quan hệ máu thịt giữa Ðảng với dân là nhân tố hàng đầu nhằm nâng cao sức mạnh của Ðảng, là môi trường để thử thách, rèn luyện và sàng lọc cán bộ, lựa chọn đúng những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng tham gia bộ máy lãnh đạo Ðảng và Nhà nước.

Hãy bắt đầu từ mỗi việc làm cụ thể, mỗi công việc hằng ngày, với tinh thần "dĩ công vi thượng", "việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh".

Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi là ngọn đuốc soi sáng con đường chúng ta đi tới!

Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn.

NHÂN DÂN
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 12.312.097
Truy câp hiện tại 4.113