Tìm kiếm tin tức
Công an nhân dân Việt Nam trung thành, tận tụy, vì nước, vì dân quên thân phục vụ
Ngày cập nhật 17/08/2015

TCCSĐT - Ra đời trong không khí sục sôi của cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, dưới sự lãnh đạo của Đảng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chăm lo giáo dục, rèn luyện, suốt chặng đường 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, Công an nhân dân cũng giữ vững bản lĩnh chính trị, tận trung với nước, tận hiếu với dân, luôn xứng đáng là một lực lượng “Trung thành với Đảng - Tận tụy với dân - Vì nước quên thân - Vì dân phục vụ”(1).

Bảy mươi năm phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân

Những ngày đầu giành được chính quyền, Nhà nước non trẻ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gặp phải muôn vàn khó khăn, thử thách, đương đầu với cả thù trong, giặc ngoài, vận nước như “ngàn cân treo sợi tóc”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự giúp đỡ của nhân dân, mặc dù con rất non trẻ, thiếu thốn về nhiều mặt, nhưng lực lượng công an, với vũ khí duy nhất là lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với dân tộc và nhiệt huyết cách mạng, đã đập tan nhiều âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực phản động, bảo vệ vững chắc thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám. Một trong những chiến công đó, phải kể đến việc phá thành công vụ án số 7 phố Ôn Như Hầu (Hà Nội). Đây không chỉ là chiến công đầu tiên có giá trị bài học lịch sử đối với một lực lượng vũ trang non trẻ mà còn có giá trị lịch sử to lớn đối với sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo với ý nghĩa “Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nó biết tự bảo vệ”(2) và lời thề “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”(3). Nó lột trần bộ mặt phản nước, hại dân, núp dưới chiêu bài “cách mạng hải ngoại” của bọn phản động trước dư luận, đánh một đòn quyết định làm nhụt dã tâm phản cách mạng của chúng, củng cố niềm tin của nhân dân vào chính quyền cách mạng. 

Trong suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng công an đã chủ động, tích cực nắm tình hình, dựa vào sức mạnh đoàn kết của nhân dân, phối hợp với Quân đội nhân dân, tranh thủ sự ủng hộ của các ngành, đoàn thể, mưu trí, dũng cảm đấu tranh làm thất bại các âm mưu, hoạt động phá hoại của bọn biệt kích, gián điệp, bọn phản động và tội phạm khác, bảo vệ an toàn cơ quan đầu não kháng chiến, giữ gìn trật tự, trị an vùng tự do, bảo vệ Đảng, Chính phủ, bảo vệ lực lượng vũ trang và bảo vệ nhân dân, đóng góp xứng đáng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp. Ở các căn cứ kháng chiến, vùng tự do và vùng mới giải phóng, các lực lượng trinh sát, cảnh sát, cảnh vệ phối hợp với các đoàn thể kháng chiến phát động mạnh mẽ phong trào “phòng gian, bảo mật” ở Bắc Bộ và phong trào “Ngũ gia liên bảo” ở Nam Bộ; đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát vũ trang bảo vệ cơ quan, kho tàng, tài sản của kháng chiến, trấn áp lưu manh, trộm cướp, bài trừ tệ nạn xã hội, bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân, giữ gìn trật tự, trị an xã hội, bao vây kinh tế địch. Ở vùng địch tạm chiếm, các lực lượng “Công an xung phong”, “Danh dự trừ gian”, trinh sát, điệp báo luồn sâu vào hang ổ địch, xây dựng cơ sở, vận động nhân dân phá tề, trừ gian, diệt ác. Trên chiến trường, lực lượng Công an chủ động đẩy mạnh công tác địch tình, thu thập thông tin tình báo, tích cực làm công tác địch vận, vận động nhân dân ủng hộ và tham gia kháng chiến, tổ chức đánh địch trong mọi tình huống nhằm tiêu hao sinh lực địch, góp phần vào thắng lợi của các chiến dịch quân sự, kết thúc bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lực lượng Công an nhân dân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, góp phần to lớn vào công cuộc cải tạo, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa dân tộc bước vào kỷ nguyên cả nước thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội. Ở hậu phương miền Bắc, lực lượng công an miền Bắc triển khai hàng loạt công tác cấp bách, củng cố an ninh, trật tự ở các vùng xung yếu; xây dựng phong trào “bảo vệ trị an” và “bảo mật, phòng gian” rộng khắp; đấu tranh bóc gỡ nhiều tổ chức phản động, gián điệp, tiêu diệt nhiều toán phỉ, trấn áp mạnh mẽ các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, bảo vệ Đảng, lực lượng vũ trang, tài sản nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân, góp phần đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của địch, bảo vệ công cuộc cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tích cực chi viện cho chiến trường miền Nam. Trên chiến trường miền Nam, lực lượng an ninh miền Nam mưu trí, dũng cảm luồn sâu vào hang ổ địch, thu thập nhiều thông tin, tài liệu quan trọng, phục vụ Đảng hoạch định đường lối cách mạng miền Nam; tổ chức hàng trăm vụ tập kích vào sào huyệt các cơ quan cảnh sát, tình báo địch, tiêu diệt nhiều tên đầu sỏ, ác ôn; đấu tranh làm thất bại các chiến dịch tình báo thâm hiểm của chúng; phát động quần chúng trấn áp kịp thời nhiều tổ chức phản động; giữ gìn trật tự xã hội vùng giải phóng và tích cực tham gia các chiến dịch quân sự, trong đó, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Từ sau ngày thống nhất đất nước đến nay, nhất là trong 30 năm đổi mới (1986 - 2015), lực lượng Công an đã không ngừng đổi mới toàn diện các mặt công tác công an, đấu tranh đẩy lùi các nguy cơ trực tiếp đe dọa an ninh quốc gia, phòng, chống tội phạm và xây dựng lực lượng, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược bảo vệ và xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, bảo vệ công cuộc đổi mới đất nước. Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an đã kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối, chính sách quốc phòng - an ninh - đối ngoại thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và ban hành nhiều quyết sách quan trọng về an ninh, trật tự. Lực lượng công an cả nước mưu trí, dũng cảm đấu tranh vô hiệu hóa nhiều âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh quốc gia, đặc biệt, đã làm thất bại “kế hoạch hậu chiến”, góp phần giải tỏa thế bị bao vây, cấm vận, đưa đất nước hội nhập quốc tế; đánh thắng “cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt” của bọn phản động quốc tế; giải quyết cơ bản vấn đề Fullro, Tin lành Đề ga ở Tây Nguyên, triệt tiêu các mầm mống ly khai ở vùng Tây Bắc, Tây Nam Bộ; đấu tranh ngăn chặn nhiều hoạt động xâm nhập, phá hoại, khủng bố của bọn phản động lưu vong; đấu tranh làm thất bại âm mưu chiến lược “diễn biến hòa bình”; vô hiệu hóa nhiều âm mưu, hoạt động tác động chuyển hóa nội bộ, bảo vệ vững chắc an ninh chính trị nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh văn hóa - tư tưởng, an ninh xã hội; tấn công trấn áp tội phạm, làm chuyển biến mạnh mẽ về trật tự, an toàn xã hội. Những kết quả trên đã góp phần tạo môi trường hòa bình, lành mạnh phục vụ kịp thời yêu cầu ổn định và phát triển đất nước. 

Trải qua 70 năm xây dựng, chiến đấu, lực lượng Công an nhân dân đã lớn mạnh, trưởng thành về mọi mặt, có lực lượng chuyên trách vững vàng về chính trị, tinh thông nghiệp vụ, trình độ khoa học - công nghệ ngày càng được nâng cao, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, sẵn sàng phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc; có lực lượng bán chuyên trách rộng lớn; nền an ninh nhân dân được củng cố vững chắc, thế trận an ninh nhân dân được kết hợp chặt chẽ với thế trận quốc phòng toàn dân. Trong 70 năm đấu tranh gian khổ, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ công an đã anh dũng hy sinh vì bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ nhân dân. Ngày nay, mặc dù đất nước đã hòa bình, thống nhất, nhưng hàng ngày trên mặt trận an ninh, trật tự, máu của người chiến sĩ công an vẫn đổ xuống, để cuộc sống được bình yên.

Đổi mới toàn diện công tác công an, bảo vệ vững chắc an ninh, trật tự phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới

Trong giai đoạn tới, công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước đứng trước nhiều cơ hội, thách thức đan xen. Nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự càng trở nên nặng nề, phức tạp. Trên thế giới, tuy hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định, bất trắc, khó lường. Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á, tuy vẫn là khu vực phát triển năng động, nhưng lại là nơi cạnh tranh quyết liệt giữa các nước lớn, trong khi đó, sự đoàn kết, thống nhất nội khối lại chịu sự tác động lôi kéo, chia rẽ của các nước lớn, nhất là trong những vấn đề có lợi ích khác nhau; tranh chấp biên giới, lãnh thổ, biển đảo có những diễn biến phức tạp mới. Trong nước, bên cạnh những thành tựu có ý nghĩa lịch sử đạt được sau 30 năm đổi mới, kinh tế - xã hội, quốc phòng vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, các nguy cơ đối với sự nghiệp đổi mới vẫn tồn tại, có mặt còn nghiêm trọng hơn. Các thế lực thù địch tăng cường hoạt động chống phá ta về nhiều mặt, đặc biệt là âm mưu chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm phi chính trị hóa lực lượng vũ trang, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, lực lượng vũ trang và xã hội. Những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ngày càng nghiêm trọng hơn. An ninh, trật tự ở các vùng chiến lược, trọng điểm còn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định. Các nguy cơ an ninh phi truyền thống biểu hiện ngày càng rõ, tội phạm và vi phạm pháp luật có xu hướng gia tăng, trật tự, an toàn xã hội tiếp tục diễn biến phức tạp.

Để xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân, phát huy truyền thống anh hùng qua 70 năm xây dựng, trong thời gian tới, lực lượng Công an nhân dân phải tiếp tục đổi mới toàn diện các mặt công tác, xây dựng lực lượng thật sự trong sạch, vững mạnh đủ sức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự trong tình hình mới. Trong đó, cần tập trung chỉ đạo, thực hiện các mặt công tác trọng tâm sau:

Một là, chủ động nắm tình hình, tích cực tham mưu và phục vụ cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quán triệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng công an thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, ngày 25-10-2013, về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” và Chỉ thị số 46-CT/TW, của Bộ Chính trị, ngày 22-6-2015, về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới”, tạo chuyển biến mới trong nhận thức của hệ thống chính trị và xã hội về công tác bảo đảm an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng công an.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, phương án bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh văn hóa - tư tưởng, an ninh xã hội, an ninh thông tin, an ninh các vùng chiến lược, trọng điểm về an ninh, trật tự, phòng, chống khủng bố và an ninh biên giới, biển đảo của Tổ quốc; đẩy mạnh thực hiện các chương trình, chiến lược phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy, buôn bán người, tăng cường đấu tranh trấn áp tội phạm hình sự nguy hiểm, hình thành băng nhóm hoạt động có tính chất “xã hội đen”, tội phạm ma túy có vũ trang, tội phạm kinh tế và tham nhũng, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; đổi mới và tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, làm chuyển biến rõ nét về trật tự, an toàn giao thông, trật tự công cộng. Công tác công an phải phục vụ đắc lực nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, giữ vững môi trường hòa bình, phục vụ yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Ba là, đổi mới một bước căn bản công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân theo các tiêu chí cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Trước mắt, toàn ngành tổ chức tổng kết kết quả Chỉ thị số 09-CT/TW, của Bộ Chính trị, về tăng cường công tác chính trị, tư tưởng trong Công an nhân dân giai đoạn 2011 - 2015; quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; đẩy mạnh phong trào thi đua vì an ninh Tổ quốc và các cuộc vận động chính trị “Công an nhân dân thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy”, “Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”. Trong đó, cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy công an các cấp cần đặc biệt quan tâm giáo dục, rèn luyện bản chất cách mạng, tính nhân dân của Công an nhân dân, nâng cao đạo đức, tác phong công tác và văn hóa ứng xử của cán bộ, chiến sĩ, xây dựng hình tượng người chiến sĩ công an “trung thành, tận tụy, vì nước, vì dân quên thân phục vụ” trong lòng nhân dân.

Các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến cơ sở, cần bám sát, chỉ đạo sâu mọi hoạt động của Công an nhân dân, phát hiện, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, bất cập, bảo đảm vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự thống nhất quản lý của Nhà nước, sự giám sát và tham gia trực tiếp của nhân dân đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong tình hình mới./.
--------------------------------
1. Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống của Công an nhân dân, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã tặng lực lượng Công an bức trướng mang dòng chữ “Công an nhân dân Việt Nam: Trung với Đảng - Tận tụy với dân - Vì nước quên thân - Vì dân phục vụ”

2. V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1978, t. 37, tr. 45

3. Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, 02-9-1945

 

Đại tá Trần Minh TơnViện Chiến lược và Khoa học công an, Bộ Công an
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thống kê truy cập
Truy câp tổng 12.311.937
Truy câp hiện tại 4.036